BIA CHỦ QUYỀN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA TẠI ĐẢO SONG TỬ TÂY VÀ ĐẢO NAM YẾT

545

Khánh Hòa – Xứ Trầm biển yến có bờ biển phía Đông chiều dài theo đường chim bay khoảng 160km, tạo nên vùng bờ biển dài 385km (tính theo mép nước) và khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ cùng các đảo san hô trong quần đảo Trường Sa. Bởi vậy, vị trí địa lý của Khánh Hòa có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng lớn đến các yếu tố như: Văn hóa, xã hội, kinh tế, quốc phòng – an ninh của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.

Trong những vấn đề đó không thể không nói đến huyện Trường Sa, một huyện đảo giàu tiềm năng của tỉnh Khánh Hòa. Huyện Trường Sa được thành lập năm 1982, bao gồm toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28/12/1982, huyện Trường Sa được chuyển về thuộc tỉnh Phú Khánh, sau này là tỉnh Khánh Hòa. Năm 2007, Chính phủ thành lập 3 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Trường Sa, gồm: thị trấn Trường Sa và các xã Song Tử Tây, Sinh Tồn.

Bia Chủ quyền trên đảo Song Tử Tây thuộc xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, có vĩ độ 110 25’55’’ bắc và kinh độ 114018’00’’ đông. Bia được chia thành 2 phần rõ ràng, xây bằng gạch, vôi, vữa có chiều cao 3,36m, gồm phần thân và phần chóp

Ảnh. Vietnamnet

 

Trường Sa nằm phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa, có tọa độ 838’ bắc 11155’ đông,  từ vĩ độ 60 50’ đến 120.000’ bắc, kinh độ 1110 30’ đến 1170 20’ đông, với hơn 100 hòn đảo nổi và chìm, đá, cồn cát, san hô và bãi san hô, dàn trải trên một vùng biển từ đông sang tây khoảng 800km. Quần đảo chiếm một diện tích biển khoảng 160.000km2 đến 180.000km2. Đảo gần nhất là đảo Đá Lát, nằm phía tây đảo Trường Sa, cách vịnh Cam Ranh gần 250 hải lý (450km về phía đông), cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) trên 600 hải lý. Các đảo có độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 3m – 5m. Đảo có diện tích lớn nhất là đảo Ba Bình rộng khoảng 0,6km, sau đó đến các đảo Song Tử  Tây, Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn …[1]

 

Trước đây, Trường Sa có tên gọi là Đại Trường Sa, hay Vạn Lý Trường Sa  được ghi trong sách Phủ biên tạp lục – quyển sách nổi tiếng của nhà bác học Lê Quý Đôn viết năm 1776[2].

Nằm trong Biển Đông, quần đảo Trường Sa được bao quanh bởi những ngư trường có sản lượng cao và trữ lượng tài nguyên dầu mỏkhí đốt dồi dào. Các nguồn lợi thiên nhiên như: phân chim, rạn san hô, tiềm năng dầu mỏ và khí đốt… Do nằm gần khu vực lòng chảo trầm tích chứa nhiều dầu mỏ và khí đốt, quần đảo Trường Sa có tiềm năng lớn về dầu khí. Tuy nhiên, vùng biển Đông vẫn chưa được khảo sát nhiều và chưa có các số liệu đánh giá đáng tin cậy về tiềm năng dầu khí và các khoáng sản khác. Đây cũng là một trong những vùng có mật độ hàng hải cao trên thế giới. Chính vì vậy, Trường Sa đã trở thành một trong những “Vấn đề biển Đông”, trở thành vấn đề thời sự mang tính quốc tế.

Từ xa xưa, không chỉ dành độc lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, chủ quyền trên biển Đông cũng đã được cha ông ta khẳng định, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được gọi chung là Bãi Cát Vàng, Cồn Vàng, Hoàng Sa, Đại Trường Sa (bãi cát dài lớn) hay Vạn Lý Trường Sa (bãi cát dài vạn dặm). Nhiều cách gọi nhưng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn được thể hiện vị trí trên các bản đồ của nước ta qua các thời kỳ lịch sử như: “Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (thế kỷ XVII), “Toàn tập An Nam lộ” trong sách “Thiên hạ bản đồ” của Đỗ Bá Công Hạo (Chính Hoà năm thứ 7 – 1686), “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (thế kỷ XVIII)[1], hay “An Nam đại quốc hoạ đồ” của Giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracel và nằm trong lãnh hải Việt Nam.

Bia Chủ quyền trên đảo Nam Yết với diện tích xấp xỉ 16m2, hiện đã bị mất phần chóp, chỉ còn phần thân cao 1,32m, thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa

Ảnh: Vietnamnet

 

Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi chép hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Những dân phu, dân binh ra hải đảo làm nhiệm vụ được cấp phát lương thực thực phẩm đủ dùng cho chuyến hải trình. Ngoài những nhiệm vụ kiểm soát, xem xét đo đạc thuỷ trình và khai thác tài nguyên, các hải đội còn xây miếu, trồng cây để khẳng định chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đảo Hoàng Sa: ở phía đông cù lao Ré huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra, thuận gió thì độ ba bốn ngày đêm có thể đến nơi. Có đến hơn 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường, hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết hàng mấy ngàn dặm, bằng phẳng, rộng rãi, tục gọi “Vạn lý trường sa”, nước rất trong, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản vật nhiều ốc hoa, hải sâm, đồi mồi, vích, cùng những hàng hoá của thuyền người Thanh bị bão, trôi giạt vào đấy.

Hồi đầu bản triều, đặt đội Hoàng Sa, có 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm, cứ tháng 3, là ra biển tìm kiếm hải vật, đến tháng 8, thì do cửa biển Tư Hiền về nộp, lại đặt đội Bắc Hải, do đội Hoàng Sa kiêm quản, để đi lấy hải vật ở các đảo. Phía đông đảo Hoàng Sa gần phủ Quỳnh Châu đảo Hải Nam nước Thanh, đầu đời Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa, sau lại bỏ. Đầu đời Minh Mệnh, thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển, thấy một nơi có cồn cát trắng chu vi 1.070 trượng, cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam cồn có ngôi miếu cổ, không rõ dựng từ thời nào, có bia khắc bốn chữ “Vạn lý ba bình” (muôn dặm sóng yên). Đảo này xưa gọi là núi Phật Tự, phía đông và phía tây đảo đều là đá san hô, mọc vòng quanh ở mặt nước. Về phía tây bắc tiếp với đá san hô nổi lên một cồn chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước ngang với cồn cát, gọi là đá Bàn Than. Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến đấy xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2.000 cân[2].

Thời kỳ Pháp thuộc, Pháp chia nước ta thành ba kỳ, gồm Bắc kỳ, Trung Kỳ và Nam kỳ. Trong đó, quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung kỳ (triều đình phong

kiến nhà Nguyễn) quản lý, còn quần đảo Trường Sa thuộc Nam kỳ quản lý (do Pháp quản lý). Nhưng thực ra, thực dân Pháp nhân danh Việt Nam có những hành động cụ thể thực thi chủ quyền ở quần đảo Paracel (tức Hoàng Sa và Trường Sa). Pháp đã cho đặt bia chủ quyền và đài khí tượng trên quần đảo nhưng đến nay không còn dấu tích, chỉ còn ảnh tư liệu.

Năm 1954, Hiệp định Genève ký kết chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nhưng tại Điều 1 quy định đường ranh giới tạm thời về quân sự được ấn định ở sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) và Điều 4 đưa ra đường ranh giới tạm thời cũng được kéo dài ra trong hai phần bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi. Trong khi chờ đợi tổng tuyển cử trong cả nước, bên nào đảm nhiệm việc hành chính trong khu tập kết bên đó. Do đó, lúc này quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông tạm thời chịu sự quản lý hành chính của chính quyền phía miền Nam, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Các chữ trên thân các bia được khắc lõm chìm vào trong, có nội dung được ghi: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22 tháng 8 năm 1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”.

 

Ngày 22/8/1956, Phái bộ Quân sự của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đến thị sát và cùng với việc kéo cờ là đặt bia chủ quyền trên các đảo chính của quần đảo Trường Sa. Trải qua thời gian cùng những biến động của lịch sử, đến nay chỉ có đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết còn tồn tại bia chủ quyền được xây dựng từ năm 1956 và đó cũng là hai bia cũ nhất còn được bảo tồn ở quần đảo Trường Sa hiện nay.

Bia chủ quyền đảo Song Tử Tây thuộc xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, có vĩ độ 1125’55’’ bắc và kinh độ  114018’00’’ đông. Bia chủ quyền đảo Nam Yết thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, có vĩ độ 1010’45’’ bắc và kinh độ  114022’00’’ đông. Các chữ trên thân các bia được khắc lõm chìm vào trong, có nội dung được ghi: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22 tháng 8 năm 1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”.

Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và thống nhất đất nước, sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, Đảng và nhà nước ta khẩn trương đưa ra các chiến lược để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước trong mùa khô năm 1975, bao gồm cả trên đất liền và các đảo Côn Lôn, Phú Quốc, quần đảo Trường Sa…

Ghi nhận những giá trị lịch sử tiêu biểu của di tích và góp phần khẳng định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, ngày 13/6/2014 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định số 1825/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết là di tích lịch sử Quốc gia.

Cùng với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa có ý nghĩa là cột mốc tiền tiêu trên biển Đông của Tổ quốc. Ngày nay, Trường Sa đã trở thành nỗi niềm trong mỗi người con đất Việt, được trở thành khẩu hiệu: “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”. Trường Sa, hai tiếng ấy luôn gợi cho chúng ta đầy cảm xúc, là những nỗi nhớ, niềm thương, lòng tin yêu, sự khâm phục… Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng mong được một lần đến đảo, đến Trường Sa để thăm các anh chiến sỹ đang canh giữ biển trời Tổ quốc, được đặt chân lên huyện đảo xa nhất của Tổ quốc.

Bảo vệ chủ quyền trên biển Đông là việc làm cần thiết và có ý nghĩa chiến lược lâu dài, như lời dạy của Bác Hồ đối với Hải quân nhân dân Việt Nam: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Mỗi công dân Việt Nam cần phải hiểu biết và có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của đất nước, mỗi người là một thông điệp gửi ra bạn bè thế giới khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đó cũng là phương thức hữu hiệu góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

 

 

Nguồn:

– http://ditichkhanhhoa.org.vn/vi-vn/noi-dung/id/4544/BIA-CHU-QUYEN-QUAN-DAO-TRUONG-SA-TAI-DAO-SONG-TU-TAY-VA-DAO-NAM-YET

– https://vietnamnet.vn/bia-chu-quyen-lau-nam-nhat-o-truong-sa-450346.html