Sáng 27-9, ông Nguyễn Khắc Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra thực địa công tác ứng phó bão số 4 tại TP. Nha Trang.
Tại cảng cá Hòn Rớ, TP. Nha Trang thời điểm 8 giờ sáng ngày 27-9, hoạt động bốc dỡ cá từ các tàu lên xe vận chuyển đến nơi tiêu thụ diễn ra nhộn nhịp, khẩn trương. Lãnh đạo cảng cá này cho biết, hiện tại cảng đang có 480 tàu thuyền lớn nhỏ cập bến. Các tàu cá đã ngừng ra khơi kể từ ngày 26-9. Đối với những tàu đánh bắt đang tiếp tục trở về, đến chiều 27-9 số lượng tàu tiếp tục tăng thêm. Ông Nguyễn Khắc Toàn đã trao đổi với một số chủ tàu, mong muốn ngư dân cùng với chính quyền địa phương và cảng cá sớm hoàn tất việc bốc dỡ thủy sản, sắp xếp các tàu cá gọn gàng, chằng néo chắc chắn, di dời các tài sản có giá trị và rời khỏi các tàu cá theo quy định nhằm đảm bảo an toàn.
Kiểm tra ứng phó bão tại Cảng cá Hòn Rớ
Tại khu vực thôn Thành Phát và thôn Thành Đạt của xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, nơi xung yếu về sạt lở đất, ông Nguyễn Khắc Toàn đã ân cần thăm hỏi, trao đổi với người dân nơi đây về những việc cần làm trước, trong và sau mưa bão. Qua trao đổi, người dân cho biết, trong những ngày qua, chính quyền địa phương đã liên tục tuyên truyền về cơn bão số 4, người dân đều đã nắm bắt thông tin và sẵn sàng cho việc di dời đến nơi an toàn khi cần thiết. “Người dân chúng tôi đã sẵn sàng các vật dụng cần thiết. Chỉ cần thấy mưa to, gió lớn hoặc chính quyền yêu cầu là di chuyển ngay đến nơi an toàn. Thôn, xã cũng đã bố trí nơi ăn, chốn ở cụ thể”, một người dân ở thôn Thành Phát cho biết.
Theo ông Trần Văn Tường – Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, trên địa bàn xã có 31 điểm xung yếu về sạt lở đất trong mùa mưa lũ. Riêng khu vực thôn Thành Phát và thôn Thành Đạt có 5 điểm xung yếu, với 737 hộ dân, trên 3.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đa số người dân tại khu vực xung yếu đều có ý thức chủ động phòng tránh, sẵn sàng di dời khi cần thiết. Khi có bão, mưa lớn xảy ra, các điểm tiếp nhận người dân di dời như nhà văn hóa thôn, trường học đều đã chuẩn bị mặt bằng, nhu yếu phẩm để tiếp nhận người dân di dời đến.
Ông Nguyễn Khắc Toàn trao đổi với người dân ở khu vực nguy cơ sạt ở tại thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang.
Tại khu vực thi công Dự án đập ngăn mặn sông cái Nha Trang, đơn vị thi công cũng đã hoàn tất 5/6 trụ mố cầu, hiện đang tập trung thi công trụ mố thứ 6. Các phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, an toàn công trình… đều đã được xây dựng, lên kịch bản chi tiết. Tương tự, tại khu vực thi công Dự án cầu Xóm Bóng, theo đơn vị thi công, khu vực mặt nước hiện đang triển khi thi công trụ P3 và hệ sàn để thi công trụ P4. Trên sông có 1 sà lan phục vụ thi công, nhà thầu đã tiến hành đóng cọc neo cố định sà lan này nhằm đảm bảo không bị trôi tuột trong trường hợp nước trên sông Cái chảy xiết do mưa lũ. Ngoài ra, các cần cẩu đã sẵn sàng hạ thấp độ cao khi xuất hiện gió lớn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Thành Nhân – Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc các phương án ứng phó với gió bão, mưa lớn. Trong đó, tập trung vào việc nắm chắc diễn biến, tình hình mưa bão, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Thực hiện đầy đủ công tác chuẩn bị, sẵn sàng di dời người dân khu vực xung yếu trên bờ, trên biển đến nơi an toàn. Những ngày qua, thành phố đã cùng với các xã, phường, thôn, tổ dân phố tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các phương tiện thông tin đại chúng, xe lưu động về tình hình, diễn biến của mưa bão để nhân dân nắm bắt, chủ động phòng tránh. Đối với các công trình trọng điểm, thành phố cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, trang thiết bị và công trình.
Ông Nguyễn Khắc Toàn kiểm tra phương án ứng phó mưa bão tại Dự án đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang.
Trao đổi tại thực địa, ông Nguyễn Khắc Toàn đánh giá các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chuẩn bị các phương án ứng phó trước, trong và sau mưa bão một cách bài bản, đồng bộ và toàn diện. “Qua kiểm tra thực tế, địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Nhờ đó, hầu hết người dân đều tự ý thức, nâng cao trách nhiệm của mình trong việc chủ động ứng phó và xử lý khi có tình huống xấu nhất là bão đổ bộ vào đất liền. Tôi mong muốn và đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền; tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc triển khai các phương án ứng phó một cách thực chất, có hiệu quả; đảm bảo an toàn tối đa tính mạng và tài sản của nhân dân, của nhà nước”, ông Nguyễn Khắc Toàn nhấn mạnh.