Trong âm mưu thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, bất mãn, cơ hội chính trị luôn tập trung vào thế hệ trẻ. Chúng lợi dụng những đặc tính của tuổi trẻ, những hạn chế, khuyết điểm của đất nước, của thanh niên để bôi nhọ, vu cáo, cho rằng Đảng và Nhà nước không quan tâm đến thanh niên, lôi kéo tuổi trẻ vào tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”, thậm chí đi vào con đường hư hỏng, vi phạm pháp luật, đi ngược lại lý tưởng, mục tiêu cách mạng của Đảng và đất nước. Mới đây, trên N10Tv, phản động Việt Tân Trương Quốc Huy đã vu khống, kích động rằng: Ở Việt Nam, người trẻ có tài không bao giờ được Đảng và Nhà nước trọng dụng, vì vậy “Làm công dân tốt để làm gì ?”. Từ đó y kích động, kêu gọi thanh niên Việt Nam chớ có tin theo Đảng, đi theo Đảng mà phải đứng lên chống lại, thay đổi chế độ Đảng trị ở Việt Nam.
Những âm mưu, thủ đoạn thâm độc xấu xa trên thường xuyên được các thế lực chống đối đưa lên mạng xã hội, trong bối cảnh thanh niên ngày càng quan tâm sử dụng mạng xã hội. Khảo sát mới đây cho thấy: trong tổng số gần 70 triệu người Việt Nam đang dùng internet thì có 94% người dùng internet hàng ngày là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên
Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải đấu tranh phòng, chống các âm mưu, thủ đoạn phá hoại trên một cách kiên trì, quyết liệt. Cùng với việc quyết liệt trực tiếp đấu tranh phòng, chống, nói không với các hành vi chống phá cụ thể trên mạng xã hội, cần tiến hành đồng thời các giải pháp tổng hợp toàn diện, khả thi, hiệu quả.
Trước hết, cần thấy rõ và khẳng định rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm chăm lo bồi dưỡng, phát triển thế hệ trẻ. Bác Hồ dạy thanh niên cần phải làm những gì, phải tránh những gì. Theo Người: “Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực”. Đồng thời, Người cũng chỉ ra thanh niên cần chống: “… phải chống tâm lý tư lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu thanh niên: “Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc và nhân dân”.
Trong Di chúc của mình, Hồ Chí Minh viết: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lãnh đạo trực tiếp và toàn diện công tác thanh niên. Đảng chủ động đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, chỉ thị quan tâm, chăm sóc, rèn luyện thế hệ trẻ nước nhà. Đồng thời, với tinh thần “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên”, Đảng đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Ví dụ như Luật Thanh niên ra đời chính là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề thanh niên và công tác thanh niên ở nước ta. Luật Thanh niên có quy định tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên, trong đó ghi rõ tại Điều 9: Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện về cơ chế chính sách, nguồn lực để hỗ trợ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ cho thanh niên tham gia hoạt động Tháng Thanh niên”. Đảng và cả hệ thống chính trị đã có nhiều cách làm hay, phù hợp để huy động được sự tham gia tích cực của tuổi trẻ cả nước, qua đó rèn luyện phấn đấu trưởng thành, nhiều đoàn viên ưu tú đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ tính kết quả của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X ( nhiệm kỳ 2012 – 2017) cả nước đã có hơn 5 triệu đoàn viên được kết nạp, có 1.102.789 đoàn viên ưu tú được giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp, 654.714 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm trong đoàn viên thanh niên và công tác đoàn, trong đó có nội dung đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ rõ khi phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2017 – 2022): “do chưa từng trải, thiếu kinh nghiệm sống, thanh niên cũng là đối tượng thường bị các thế lực xấu, thù địch tiếp cận, lôi kéo, kích động, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của nước ta”. Từ đó, Tổng Bí thư chỉ đạo: “Đoàn cần định hướng, giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, tăng sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội; tránh tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”.
Để thực hiện thắng lợi quyết tâm trên, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân. Trong đó, đặc biệt là chính thế hệ trẻ phải tự mình rèn luyện, phấn đấu. Trước hết, tự thân các bạn trẻ phải chủ động xây đắp, rèn luyện đạo đức, lý tưởng, lối sống, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ… Thanh niên cần thấy rõ vinh dự, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Đảng, đất nước, nhân dân và thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình bằng những việc làm thiết thực. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là thanh niên phải phấn đấu thực hiện tốt Điều 4 trong Luật Thanh niên năm 2020 quy định rõ về Vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên, cụ thể như sau: “1. Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 2. Thanh niên có quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”. Luật Thanh niên cũng quy định: “Quyền, nghĩa vụ của thanh niên được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”. Về trách nhiệm của thanh niên với Tổ quốc, Luật Thanh niên quy định rõ tại Điều 12: “1. Phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 2. Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu. 3. Đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc”.
Với sức mạnh của tuổi trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng và đồng hành của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân, chúng ta kỳ vọng và tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm với đất nước, với xã hội, xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Tạo điều kiện cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động, sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
huongsenviet.com