Bộ Giáo dục giải thích chuyện ‘tốt nghiệp cao, cắt thi đua’

108

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời trước chỉ đạo về việc “cắt thi đua địa phương nếu để tỷ lệ tốt nghiệp quá cao hoặc năm sau cao hơn năm trước”.

Ông Nguyễn Vinh Hiển:
Ông Nguyễn Vinh Hiển: “Với các yếu tố của quá trình dạy học còn nhiều hạn chế hiện nay, ai cũng biết rõ tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng chạm ngưỡng tối đa là thực chất hay chưa thực chất”.Ảnh: Văn Chung (VietNamNet).

Không tăng tỷ lệ tốt nghiệp là không vô lý

Hội nghị tổng kết năm học 2012 – 2013 vừa diễn ra ngày 20/7 ở Lâm Đồng đưa ra thông tin đáng chú ý: Trong năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục đã quyết định tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước, nhằm chống căn bệnh thành tích và siết chặt giám sát thi cử.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: “Những năm qua, Bộ đã áp dụng nhiều giải pháp khác nhau nhằm chống tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như đưa thanh tra của Bộ GD – ĐT về cắm chốt, chấm chéo, thi theo cụm, nhưng nơi này nơi kia vẫn xảy ra tiêu cực.

Từ năm 2012, cùng với việc giao chủ động đồng thời nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đã có thêm những giải pháp kiểm soát tiêu cực.

Vị Thứ trưởng phụ trách mảng giáo dục phổ thông dẫn ra ví dụ:

Việc chấm hậu kiểm 17.000 bài thi của 16 tỉnh, thành trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2012, có báo cáo phân tích kết quả gửi cho chủ tịch, bí thư các tỉnh, thành là một việc “có tác động đáng kể tới nhận thức của các địa phương về việc tổ chức kì thi”.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng thể hiện quan điểm rõ ràng với những địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp tăng bất thường. Với các yếu tố của quá trình dạy học còn nhiều hạn chế hiện nay, ai cũng biết rõ tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng chạm ngưỡng tối đa là thực chất hay chưa thực chất”.

Thứ trưởng khẳng định: “Tỷ lệ quá cao của năm trước đã không thực chất thì việc tiếp tục tăng thêm nữa vào năm sau càng thể hiện sự thiếu quyết tâm “thi thực chất”. Bởi vậy, bàn bạc trao đổi và thống nhất không tăng tỷ lệ tốt nghiệp là việc không vô lý”.

Và “việc tăng tỷ lệ tốt nghiệp không tương xứng với thực tế, để xảy ra tiêu cực thì hạ thi đua là cần thiết. Trong khi tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước và hầu hết các tỉnh, thành đều giảm mà lại có vài tỉnh, thành tỷ lệ tốt nghiệp tăng lên, mặc dù năm trước cũng đã “cao ngất ngưởng” thì có đáng phải suy nghĩ không?”

Học sinh lớp 12 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: Văn Chung
Học sinh lớp 12 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: Văn Chung.

Địa phương nỗ lực sẽ được ghi nhận

Trước những băn khoăn của một số địa phương “làm tốt”, chỉ đạo sát để có kết quả tốt nghiệp tốt nhưng vẫn bị hạ thi đua, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Bộ GD-ĐT không chỉ căn cứ vào một việc là “ tỷ lệ tốt nghiệp tăng” để hạ bậc thi đua của một số địa phương mà còn căn cứ vào thực tế dạy học ở bậc phổ thông, nhất là lớp cuối cấp THPT.

Trong việc hậu kiểm của năm trước hay năm nay, chúng tôi không chỉ nhằm vào các địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp cao hoặc tăng đột biến. Đã có những địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp không tăng nhưng vẫn nằm trong phạm vi phải hậu kiểm vì có những dấu hiệu tiêu cực khác.

Trở lại việc cam kết phải chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc hơn, Bộ GD-ĐT đưa ra vấn đề này vì hầu hết các tỉnh thành đã có tỷ lệ tốt nghiệp đạt quá cao, có biểu hiện chắc chắn là vượt xa chất lượng dạy học thực tế, nếu tiếp tục vượt ngưỡng đó là không thực chất”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: “Cùng với quá trình cải thiện các điều kiện dạy học thì có thể chấp nhận một tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hơn do chất lượng GD được nâng lên. Nhưng việc này cũng cần có quá trình.

Cùng với việc kiên quyết giảm tiêu cực trong kì thi tốt nghiệp THPT, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ có những giải pháp để cùng các địa phương giải quyết khó khăn, bất cập. Chắc chắn trong đánh giá của Bộ GD-ĐT, những địa phương thể hiện được nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng giáo dục sẽ được ghi nhận”.

Nói về công tác chấm hậu kiểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, Thứ trưởng cho biết: “Năm nay Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức chấm thẩm định bài thi tốt nghiệp THPT với số lượng nhiều hơn năm trước bằng cách chọn ngẫu nhiên phòng thi để chấm thấm thẩm định cả 63 tỉnh, thành.

Mặt khác, vẫn chọn những phòng thi có dấu hiệu tiêu cực để chấm thẩm định. Kết quả chấm thẩm định sẽ được phân tích riêng cho 2 loại bài này, kết hợp với kết quả thanh tra, kiểm tra ở các khâu coi thi, chấm thi để có nhận xét, đánh giá về tính nghiêm túc trong kì thi của các tỉnh và của cả nước.

Với những tỉnh, thành có sai sót trong các khâu của kì thi, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản riêng gửi cho các địa phương yêu cầu chấn chỉnh và xử lý kỷ luật nếu cần thiết với những cá nhân, cơ sở sai phạm”.

Theo Viet Nam Net