Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ và người dân ở Trường Sa đã nỗ lực trồng mới, chăm sóc cây xanh nhằm cải thiện không gian sống, làm việc ở các đảo. Cùng với sự chung sức, hỗ trợ từ nhiều nguồn lực, Trường Sa đang ngày càng xanh, sạch, đẹp, giúp quân và dân trên đảo có môi trường sống trong lành, xanh mát hơn.
Nỗ lực phủ xanh đảo
Là đơn vị trực tiếp đóng quân tại Trường Sa, những năm qua, Lữ đoàn 146 đã triển khai nhiều mô hình, phần việc nhằm góp phần cải tạo không gian sống cho người dân, cán bộ và chiến sĩ trên các đảo. Trong đó, các mô hình của thanh niên trong lữ đoàn như: “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Tất cả vì màu xanh nơi đảo xa”, “Vì Trường Sa xanh” đã góp phần tích cực xây dựng cảnh quan môi trường chính quy, xanh, sạch, đẹp.
Theo đại diện Lữ đoàn 146, để triển khai các mô hình, lữ đoàn đã phối hợp với chính quyền huyện Trường Sa xây dựng kế hoạch cụ thể. Tại những đảo có điều kiện thuận lợi, các đơn vị xây dựng những vườn ươm cây giống để trồng tại đảo và chuyển giao cho các đảo khác. Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ, trước khi được nghỉ phép hay hết nhiệm vụ trở về đất liền đều chủ động chiết, trồng tặng đảo từ 1 đến 2 cây xanh và chăm sóc cây phát triển tốt. Các cây xanh được quản lý chặt chẽ, đánh số thứ tự để thuận lợi quản lý, chăm sóc và bàn giao. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên của mỗi chi đoàn, phân đoàn được giao quản lý từng cây xanh để chăm sóc, cuối năm, các đơn vị tổ chức tổng kết để đánh giá. Kết quả chăm sóc cây xanh cũng là tiêu chí để đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua.
Trung sĩ Nguyễn Nhật Hòa (đảo Song Tử Tây) cho biết, việc chăm sóc cây xanh ở đảo khó khăn hơn trong đất liền khá nhiều. Vào mùa mưa, các chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên ở đảo tranh thủ đất mềm, tổ chức đào hố sẵn, cải tạo đất bằng cách ủ phân, làm tơi xốp đất bằng các loại cỏ, lá cây khô rồi chờ thời tiết phù hợp sẽ trồng cây giống. Sau khi trồng, mọi người phải tiếp tục chắn gió, chắn sóng cho cây, tránh bị hơi muối xâm nhập, nguồn nước tưới được tận dụng từ nước mưa và nước ngọt đã qua sử dụng. Ngoài giờ huấn luyện và làm nhiệm vụ, việc chăm sóc cây xanh cũng giúp cán bộ, chiến sĩ thư giãn hơn, có cảm giác gần gũi như cuộc sống ở quê.
Với các mô hình được triển khai có hiệu quả, trong 5 năm qua, Vùng 4 Hải quân đã phối hợp đưa hơn 32.000 cây xanh ra các đảo trồng với các giống cây như: mù u, bàng vuông, bàng ta, tre, phong ba, bão táp, phi lao… Thượng tá Nguyễn Trung Quảng – Chủ nhiệm Hậu cần Vùng 4 Hải quân cho biết, qua các mô hình nhằm phủ xanh Trường Sa của tuổi trẻ Lữ đoàn 146, cảnh quan môi trường ở các đảo ngày càng được cải thiện, góp phần tạo bóng mát, che chắn gió, bão, đảm bảo đời sống cho người dân, cán bộ, chiến sĩ ở đảo. Không chỉ ở các đảo, mô hình này cũng được áp dụng ở các đơn vị tại đất liền, phát huy tối đa vai trò xung kích của tuổi trẻ các đơn vị.
Đồng lòng, chung sức
Bên cạnh các mô hình của tuổi trẻ Lữ đoàn 146, thời gian qua, nhiều tổ chức, địa phương trên cả nước đã cùng chung sức để phủ xanh Trường Sa. Gần đây nhất, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định tặng 2.000 cây dừa; Công ty Cổ phần Đầu tư kiến tạo hệ sinh thái nông nghiệp Việt Nam (TP. Hà Nội) tặng 1.000 cây lim, 1.000 cây chò chỉ; Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau tặng 200 tấn phân bón; từ tháng 6 đến cuối năm nay, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương (thuộc Trung tâm Tình nguyện quốc gia Việt Nam) dự kiến hỗ trợ tổng cộng 15.000 cây, hoa, cây ăn quả các loại ra đảo…
Theo thống kê, tỷ lệ phủ xanh ở Trường Sa đến nay ước đạt khoảng 45% mục tiêu đề ra. Nguyên nhân do hiện nay, Trường Sa chưa có giải pháp tổng thể để phát triển bền vững cây xanh, cần có thêm các nghiên cứu về thổ nhưỡng, khí hậu và sự hỗ trợ về mặt công nghệ như: máy lọc nước biển thành nước ngọt, thiết bị xử lý chất thải hữu cơ, cung cấp giải pháp đẩy nhanh tăng trưởng cây xanh ở đảo… Để đạt mục tiêu phủ xanh các đảo, ước tính cần thêm khoảng 70.000 cây xanh và khoảng 700 tấn phân bón các loại.
Theo Thượng tá Nguyễn Trung Quảng, vừa qua, các nhà khoa học của Trung tâm Vật liệu mới (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội) đã triển khai dự án “Giải pháp tổng thể cho Trường Sa xanh, cho biển đảo Tổ quốc”. Dự án sử dụng các chế phẩm, bột kích hoạt vi sinh, các vi lượng chế tạo bằng công nghệ tiên tiến… nhằm chống sâu bệnh cho cây; diệt vi khuẩn trên các loại quả; giảm mùi ẩm mốc tại các công sự… Dự án sẽ cơ bản thay đổi môi trường sinh thái trên đảo theo hướng tích cực hơn, hỗ trợ xây dựng môi trường xanh bền vững cho các đảo. Ông Trương Điệp Hưng, người dân đảo Sinh Tồn cho biết, nhờ việc triển khai các mô hình trồng và chăm sóc cây xanh cùng sự hỗ trợ của nhiều nguồn lực, không gian sống của người dân trên đảo ngày càng được cải thiện tốt hơn. Từ đó, mỗi người dân thấy được trách nhiệm của mình và chung tay cùng các cán bộ, chiến sĩ gìn giữ sắc xanh trên đảo.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm các mô hình đã triển khai thời gian qua để phát huy các điểm mạnh, khắc phục các hạn chế, góp phần đưa ra những giải pháp bền vững, tạo không gian sống xanh, sạch, đẹp cho người dân, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo”, Thượng tá Nguyễn Trung Quảng chia sẻ.
baokhanhhoa.vn