Những ngày này, người dân cả nước vô cùng tiếc thương, tưởng nhớ vị Đại tướng tài ba, lỗi lạc Võ Nguyên Giáp.
Người dân Sơn La tiếc thương Đại tướng
Đại tá Quàng Huyên, ở Bản Cọ, Phường Chiềng An, thành phố Sơn La, nguyên là Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La, năm nay 86 tuổi. Ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, từng tham gia giành chính quyền ở tỉnh Sơn La những năm 1945. Năm 1946 ông gia nhập Vệ Quốc đoàn, tên gọi khác của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Cha mất sớm, nên từ khi gia nhập Quân đội, các đơn vị bộ đội là mái nhà chính của ông.
Lớn lên trong Quân đội, trưởng thành từ Quân đội – ơn huệ ấy với ông không lời nào tả xiết. Nay người anh cả của Quân đội – vị Đại tướng tài ba, lỗi lạc Võ Nguyên Giáp qua đời, ông cảm thấy vô cùng hụt hẫng, một nỗi mất mát lớn lao.
Người dân khắp nơi thành kính về viếng Tướng Giáp |
“Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, tôi rất bàng hoàng và thương tiếc vì Đại tướng như người anh cả, người bố của mình, như máu thịt của mình rồi. Cho nên buồn đau lắm, không gì bù đắp nổi” – ông Huyên nói.
Sinh ra và lớn lên trong thời bình, mặc dù chưa một lần được gặp Đại tướng, nhưng Hạng Việt Nủ, dân tộc Mông, quê ở huyện Yên Châu, Sơn La đã được ông bà, cha mẹ kể nhiều câu chuyện cảm động về bác Giáp. Hiện là tân binh của Tiểu đoàn Bộ binh 1, Bộ Chỉ quy Quân sự tỉnh Sơn La, cảm phục những cống hiến của Đại tướng, Hạng Việt Nủ nguyện hứa sẽ ra sức học tập, rèn luyện để viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.
Hạng Việt Nủ nói: “Được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, tôi rất tiếc thương vì đất nước Việt Nam đã mất đi một vị tướng tài. Trên cương vị là người chiến sỹ, tôi xác định sẽ cố gắng học tập, noi gương Đại tướng, luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của người chiến sỹ”.
Tân binh Cầm Văn Mái, dân tộc Thái, quê ở huyện Quỳnh Nhai, Sơn La cũng cùng cảm xúc như Hạng Việt Nủ: “Khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tôi và các đồng đội trong đơn vị đều cảm thấy rất tiếc thương và mất mát. Là một chiến sỹ, tôi sẽ cố gắng học tập, rèn luyện noi theo tấm gương của Đại tướng, phấn đấu trở thành một quân nhân giỏi, phấn đấu hoàn thành xuất xắc mọi nhiệm vụ được giao”.
Người dân Bà Rịa – Vũng Tàu hướng về Đại tướng
Đã 5 ngày trôi qua, kể từ khi tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần được phát đi qua thông cáo đặc biệt, tất cả những người dân Bà Rịa – Vũng Tàu vô cùng xúc động. Những giọt nước mắt, những cảm xúc khi nghĩ và nhớ về vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc dâng trào trong lòng mỗi người dân thành phố biển này.
Những cơn mưa nặng hạt càng làm se sắt hơn nỗi tiếc thương vô tận của người dân Bà Rịa – Vũng Tàu dành cho Đại tướng – người anh hùng – người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, đối với những người từng tham gia quân ngũ, hình ảnh của Đại tướng là chỗ dựa tinh thần, góp phần làm nên ý chí và bản lĩnh của mỗi người lính trên các chiến trường.
Chính vì thế, khi nghe tin đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, Hội Cựu chiến binh thành phố Bà Rịa đã lập bàn thờ Đại tướng để làm nơi cho cán bộ, hội viên cựu chiến binh, người dân trên toàn địa bàn thành phố đến thể hiện sự tri ân, biết ơn đối với vị đại tướng của nhân dân.
Đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng những ngày này có cả những người may mắn được từng gặp mặt Đại tướng trong thời gian tại ngũ. Đó là Đại tá Phạm Nhất, nguyên Tham mưu phó Lữ đoàn 71, Quân đoàn 4. Đối với cựu binh này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một người thầy tài ba về nghệ thuật quân sự, mà còn là một người đức độ, là người thầy vĩ đại của các thế hệ cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ trong quân đội.
Gần 70 năm trước, kể từ sau chiến công “lừng lẫy năm châu – chấn động địa cầu”, Đại tướng đã trở thành một trong những thiên tài quân sự vĩ đại nhất của nhân loại. Nhân cách của ông, tác phong đời thường của ông, tình nghĩa thủy chung của ông với đồng đội, trí tuệ mẫn tiệp của ông trong xử trí công việc hằng ngày, thái độ đồng cảm của ông với những bức xúc của nhân dân, lo lắng của ông với những vấn đề sống còn của dân tộc… đã làm cho những huyền thoại về Võ Nguyên Giáp có sức sống lâu bền và mỗi ngày một sống động hơn với người đương thời và hậu thế.
Ông Phan Thanh Việt- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Bà Rịa – người vinh dự từng được gặp Đại tướng trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2004 xúc động nhớ lại lúc được gặp Đại tướng tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội: “Tất cả anh em trong đoàn rất xúc động chờ đợi giây pút được gặp Đại tướng. 10 phút sau chúng tôi được gặp Đại tướng và phu nhân là bác Hà. Tất cả anh em đứng dậy chào. Đại tướng rất chân tình, cởi mở”.
Đối với tuổi trẻ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đại tướng là hình mẫu lý tưởng để các thế hệ học tập và noi theo. Chị Phạm Quỳnh Anh – người dân thành phố Bà Rịa, nói: “Tôi luôn khuyên nhủ mình phải cố gắng làm việc tốt, phải học tập theo Đại tướng. Học tập và noi theo gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ một ngày mà học suốt đời”.
Người Chăm xúc động trước tin Đại tướng ra đi
Những ngày này, cùng với người dân cả nước, bà con dân tộc Chăm ở dải đất phương nam đầy nắng gió hướng về thủ đô Hà Nội bày tỏ lòng thành kính và tiếc thương trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba lỗi lạc của dân tộc.
Ông Dương Quốc Thịnh, một người Chăm ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận nói: “Tôi biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ khi học lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ. Bác là nhà quân sự giỏi, không chỉ người Việt Nam mà cả thế giới đều ngưỡng mộ. Chúng tôi đang vui ngày hội Kate, và còn dư âm về ngày hội văn hóa Chăm. Nhưng khi biết Bác Giáp mất thì thấy buồn lắm, như mất mát, như nghẹn lại trong lòng”.
Dù chưa một lần được gặp Đại tướng, nhưng tên tuổi và chiến công lẫy lừng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở nên thân thuộc với bà con Chăm quê ông Thịnh. Ngay khi nghe báo, đài thông tin Đại tướng qua đời, ông đã ngồi trên mạng hàng giờ để đọc thông tin về Đại tướng, rồi kể lại cho những người trong gia đình nghe.
Chị Xích Thị Hương Thơm ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết: Đối với những thế hệ trẻ người Chăm hôm nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhân chứng lịch sử lớn. Ông không chỉ là người làm nên lịch sử mà còn là sử gia đúc kết lại lịch sử kháng chiến của dân tộc ta. Đây chính là nguồn tư liệu quý giá để thanh thiếu niên học tập, nghiên cứu lịch sử. Trên hết thảy, Đại tướng là một tấm gương mẫu mực, một nhân cách lớn động viên các em sống tốt hơn, trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước.
Trong những ngày xúc động này, hồi ức chiến tranh như ùa về với những người lính – “bộ đội cụ Hồ “dân tộc Chăm ở 2 huyện Ninh Phước và Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận. Đó là những năm tháng vô cùng gian lao mà anh dũng, hàng ngàn chiến sỹ, đồng bào dứơi sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, trong đó có vị Đại tướng kính mến, đã nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng trong cuộc chiến đấu chống giặc giành tự do độc lập.
Mảnh đất này đã viết lên trang sử vô cùng vẻ vang với tấm gương chiến đấu, hy sinh của các anh hùng như: Phú Mách, Lưu Đặng, Phú Khánh và Đổng Dậu…. để quê hương hôm nay có được cuộc sống thanh bình. Các cựu chiến binh người Chăm luôn tâm niệm rằng: lấp lánh đằng sau các chiến công lẫy lừng của đồng bào, chiến sĩ ta, là sự lãnh đạo tài tình của vị Tổng tư lệnh – Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Không chỉ người Chăm ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, cộng đồng người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh cũng vô cùng ngưỡng mộ, tôn kính Đại tướng. Ông Kim Sô, giáo cả Thánh đường Masjid Jamiul Anwar, quận 8 thành phố Hồ Chí Minh xúc động nói: “Bà con ở Thánh đường mấy hôm nay đều xem báo chí, đài truyền hình đăng tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Rất là thương tiếc. Từ ngày xưa ba tôi đã kể về bác Giáp làm chính trị, làm quân sự giỏi. Từ lâu tôi đã thấy ngưỡng mộ. Bác Giáp và Bác Hồ là những người tốt. Đã đem lại cho chúng ta độc lập”.
Nhưng hình ảnh và sự nghiệp của Đại tướng vẫn sống mãi, là nguồn động viên mọi thế hệ người dân nỗ lực chung tay xây dựng đất nước, đưa đất nước tiến lên văn minh hiện đại, xứng đáng với lòng mong mỏi của các bậc tiền bối cha anh./.
Theo VOV