Nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc: Giáo dục không thể hồ đồ

152

“Có ý kiến cho rằng thi phiền phức, tốn kém nên bỏ. Làm giáo dục không thể vội vã đưa ra ý kiến này hay ý kiến khác một cách hồ đồ, thiếu căn cứ”, nguyên bộ trưởng giáo dục và đào tạo Phạm Minh Hạc chia sẻ với VnExpress.

 

– Từng là Bộ trưởng GD&ĐT thời kỳ đổi mới, ông đánh giá thế nào nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành giáo dục?

– Triết lý giáo dục đang nặng về hư văn khi cả người dạy và người học đều chạy theo thi cử để lấy mảnh bằng. Dự thảo đổi mới căn bản toàn diện giáo dục vừa được Hội nghị Trung ương thông qua đã thay đổi triết lý: giáo dục phải hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất ở người học. Đó là năng lực của cuộc sống thực: từ nhỏ biết lễ phép, hiếu thảo, học xong THPT, trường nghề, cao đẳng, đại học phải ra được người lao động. Nhiệm vụ của giáo dục là phải phát triển con người hoàn thiện, tốt đẹp, vừa phải tạo ra được nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Lỗi lớn nhất của giáo dục hiện nay là không đào tạo ra con người có năng lực lao động thực sự. Kinh tế, xã hội đang khó khăn, nguyên nhân chính là thiếu nhân lực có thể làm được việc, ở tất cả các ngành nghề. Một Phó thủ tướng báo cáo trước thường vụ Quốc hội nói là trong gần 3 triệu người thì 30% không làm được việc vì họ có bằng đại học nhưng lại không có năng lực. Điều hiển nhiên là có giá trị thực – mới tạo ra giá trị.

GS-hac-3-JPG-7491-1382619097.jpg

GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh, nhiệm vụ của giáo dục là vừa phát triển con người hoàn thiện, tốt đẹp, vừa phải tạo ra được nguồn nhân lực có chất lượng cao. Ảnh: Hoàng Thùy.

– Vậy ngành giáo dục muốn thực hiện đổi mới toàn diện, thì phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

– Nếu xã hội không thoát khỏi tâm lý khoa văn thi cử, chạy theo mảnh bằng đại học hư văn, không có ích thì không thể nào đổi mới căn bản, toàn diện thành công. Muốn vậy, phải có những điều kiện cụ thể về vật chất như sách giáo khoa và người thầy. Nếu giáo viên vẫn giữ lối tư duy và cách dạy cũ thì không thể đổi mới. Thế nên, đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có là cần thiết, nhưng song song với đó cũng cần đào tạo đội ngũ sinh viên sư phạm đảm bảo khi ra trường có thể đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Đó sẽ là lính tiên phong, khi có sách mới sẽ bắt tay vào công cuộc dạy học theo phương pháp mới.

Hiện nay, ngành giáo dục đang thiếu nhiều giáo viên, có trường chỉ có một tiến sĩ, cả nước có 30% là thạc sĩ. Cách đây vài chục năm chúng ta có khoảng 20.000 thạc sĩ thì hiện nay gấp hơn 3 lần, nhưng sinh viên lại tăng lên khoảng 10 lần. Giáo sư, phó giáo sư chỉ có 1 – 2%, hầu hết ở tuổi nghỉ hưu và người thay thế rất ít.

– Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mới nói đến hệ phổ thông, chưa nói đến đại học, trong khi đại học quyết định nhiều đến nguồn nhân lực đầu ra. Ông suy nghĩ gì về điều này?

– Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, trong hệ thống của chúng ta, giáo dục đại học là khâu yếu nhất, từ cơ sở vật chất đến con người. Giáo viên, trường sở thiếu, người học thì mặt bằng thấp, nhưng cái thiếu cuối cùng là không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Bộ Giáo dục gần đây có đưa ra triết lý giáo dục theo nhu cầu xã hội nhưng quá rộng và mông lung. Khâu yếu nhất của đại học là đầu ra mà nguyên nhân cũng do đầu vào thấp, tình trạng mở trường tư quá nhiều, thương mại hóa giáo dục kể cả trong một số cơ sở công lập.

Nhiều người có chức có quyền công khai để giáo dục thương mại hóa, thị trường hóa trong khi kinh nghiệm của thế giới, không một nước nào có tư tưởng này. Nhiều trường tư thục còn khai khống giáo viên. 

Trong một Hội thảo ở Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội có công bố, từ 2009 -2012, trong 3 năm có thêm 33 trường được mở mới. Có những trường mở mấy năm không có trụ sở, phải thuê địa điểm nên xảy ra hiện tượng trường thuê thày mướn. Tình trạng như vậy thì làm sao bảo đảm được chất lượng?

Một nguyên tắc phải tuân thủ là trước khi đổi mới cần phải chấn chỉnh những cái sai, bất cập. Trước đây, chỉ có 10 cơ sở đào tạo nhân lực ngành Y đã là nhiều, bây giờ con số này đã tăng lên tới 26. Các nước khác phải 11-15 năm mới ra một thày thuốc, còn ở Việt Nam chỉ có 5-6 năm trong khi điều kiện cơ sở vật chất kém hơn.  Thực tế đó giống như một cốc nước đường pha loãng, sẽ không còn chất lượng. Vậy đó là cứu người hay giết người? 

Yếu tố đầu vào cũng cần phải thay đổi bởi trình độ quá thấp thì không đủ khả năng tiếp thu kiến thức đại học. Việc đầu tư cũng còn bất cập, số tiền Nhà nước vay Ngân hàng Thế giới 800 triệu USD thì lại đầu tư cho các trường quốc tế trong khi bỏ qua các trường công tốp đầu. Đó cũng là bất cập. Nước Mỹ đã chú trọng những điều này suốt 1 thế kỷ và đào tạo ra những con người có ích, làm được việc, lao động có năng suất. Từ đó để thấy sản phẩm của giáo dục quan trọng như thế nào.

– Trong đề án đổi mới căn bản giáo dục có dự định bỏ kỳ thi đại học, giữ kỳ thi tốt nghiệp. Theo ý kiến của ông, nên bỏ/giữ kỳ thi nào?

– Tôi nghĩ đã học thì phải có đánh giá, kiểm tra và thi chứ không chỉ có thi cuối phổ thông. Trong một thời gian rất ngắn sắp tới, ngành giáo dục phải tổng kết được cách làm xưa nay, học kinh nghiệm của những nước xung quanh, sau đó đánh giá tình hình hiện tại. Có ý kiến cho rằng thi phiền phức quá, tốn kém quá nhưng thực ra nó cũng chẳng đáng bao nhiêu. Cái gì khó thì bỏ là không ổn.

Ở các nước, việc thi cử diễn ra thường xuyên, hàng tháng, rất nghiêm túc. Nếu chưa nghiên cứu kỹ mà quyết định bỏ cái này, cái kia thì không nên. Nhất là khi đề án chưa có tổng kết. Làm giáo dục phải thận trọng, không thể vội vã đưa ra ý kiến này hay ý kiến khác một cách hồ đồ, thiếu căn cứ.