ĐỀN TRẦN QÚY CÁP

639

Đền Trần Quý Cáp tọa lạc tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đền được xây dựng ở khu vực Gò Chết Chém, cách cầu Sông Cạn (nay là cầu Trần Quý Cáp) khoảng 50m về phía Nam và cách di tích Thành Diên Khánh 1km về phía Tây Bắc.

 

Trần Quý Cáp tự là Thích Phu, hiệu Thái Xuyên, sinh năm 1870 tại thôn Thai La, làng Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trần Quý Cáp từ nhỏ đã thể hiện là người thông minh, học giỏi, ham hiểu biết và có chí khí lớn. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã  hội Việt Nam đầy biến động, ngay từ khi 13 tuổi ông đã chứng kiến đám tang của Tổng đốc Hoàng Diệu, khi Thành Thăng Long thất thủ (1882); ba năm sau ông lại chứng kiến các văn thân, nho sĩ ở quê hương hưởng ứng phong trào Cần Vương yêu nước của vua Hàm Nghi.

Năm 1904, ông đi thi và đậu tiến sĩ cùng với Huỳnh Thúc Kháng[1]. Lúc này, ở nước ta nền Nho học đang thoái trào, nền tân học bắt đầu khởi xướng. Trần Quý Cáp thường xuyên giao lưu với cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, nghiên cứu những sách báo mới, những tư tưởng tiến bộ, đề cao tân học, thông qua cải cách giáo dục để nâng cao dân trí, ý thức dân quyền, tự lực tự cường dân tộc. Tại Quảng Nam, Phan Chu Trinh đã cùng với các đồng chí của mình trong đó có Trần Quý Cáp sáng lập ra tổ chức Duy Tân hội. Duy Tân hội đã chọn lọc nhiều thanh niên ưu tú để đưa sang Nhật Bản học tập làm nòng cốt cho phong trào cách mạng nước nhà sau này. Trần Quý Cáp cùng với một số trí thức trong vùng đã thành lập “Tân Hội học” và được nhân dân hưởng ứng đông đảo.

 

Năm 1906, ông cùng một số người thành lập hội nông học, hội thương, trường học…, ông còn làm thơ và các bài ca khuyến thương, khuyến nông, khai hoang vỡ hóa đất đai để sản xuất nông nghiệp theo phương thức mới, tiến bộ. “ Bài ca chiêu hồn nước” còn gọi là “khuyến học” (học để tự cường), kêu gọi mọi người học chữ Quốc ngữ để nâng cao dân trí.

Ông đã mở các lớp Tân học, rước thầy dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp ngay trong trường Phủ. Ông có nhiều đóng góp cho phong trào Duy Tân, luôn tuyên truyền và đề cao tân học, bài xích cử nghiệp, xóa bỏ những thủ tục lạc hậu lỗi thời, chính vì vậy bọn quan lại phong kiến đã lấy cớ chuyển ông về Tân Định (thị xã Ninh Hòa – Khánh Hòa ngày nay) làm Giáo thọ. Tại đây, ông vẫn tiếp tục liên hệ với bạn bè ở quê và theo đuổi chí hướng của mình. Bọn quan lại ở đây rất căm tức và tìm mọi cách hãm hại ông, chúng thường xuyên cho tay chân mật thám theo dõi và kiểm soát thư từ, giấy tờ của ông một cách chặt chẽ. Nhân một lần nhận được thư nhà thông báo tình hình đấu tranh của nhân dân, ông ghi vào bức thư 7 chữ “ngô dân thử cử, khoái khoái khoái”. Thấy rõ đây là cơ hội lớn để sát hại người mà chúng theo dõi từ lâu, chúng bắt ông giữa lúc ông đang dạy học và đưa về giam tại nhà lao Thành Diên Khánh – lúc đó là thủ phủ của Khánh Hòa. Án của Trần Quý Cáp nhanh chóng được phê chuẩn: Mưu vãn tha quốc và truyền xử với tội hình “Trảm nêu”.

 

Đúng 9h sáng ngày 15/06/1908 (tức ngày 17/5 âm lịch) tại khu vực Gò Chết Chém, cách đền thờ hiện nay khoảng 50m, Trần Quý Cáp bị đưa ra xử tử. Trần Quý Cáp đã tỏ rõ thái độ dũng cảm hiên ngang trước cái chết mà không chút sợ hãi. Bị giặc giải đến nơi hành quyết, Trần Quý Cáp vẫn bình thản, giằng khăn bịt mặt, đòi đặt 01 hương án ngoảnh mặt về hướng Bắc, lạy tạ quê hương xong rồi lạy tạ quốc dân, chào những người đến tiễn biệt rồi khẳng khái giơ đầu cho chém, nét mặt không hề biến sắc mà vẫn điềm đạm, trang nghiêm như khi giảng sách, bình văn cho học trò.

Trước cái chết của Trần Quý Cáp, không những nhân dân rất thương cảm, phẫn uất mà ngay cả các quan lại công chức đương thời cũng thấy xót xa, khâm phục ý chí của nhà chí sỹ yêu nước.

Trần Quý Cáp mặc dù không phải là người sinh ra và lớn lên trên đất Khánh Hòa nhưng cuộc đời, sự nghiệp và sự ra đi của ông gắn với mảnh đất Xứ Trầm hương. Rõ ràng là cuộc đời và sự nghiệp của một danh nhân không thuộc về riêng một ai, mà ông thuộc về Tổ quốc, về nhân dân Việt Nam anh hùng!

Bởi lẽ đó nhân dân Khánh Hòa thương xót ông, nhân dân Việt Nam thương khóc trước vong linh của ông. Một đời ông vì dân vì nước, hết lòng vì hoài bão lớn lao: canh tân đất nước để dân ta ngày càng tiến bộ và phát triển về mọi mặt.

Tổ Quốc biết ơn ông, nhân dân nhớ thương ông. Ngày nay, tên tuổi ông được đặt tên cho các con đường, trường học … trên cả nước. Năm 1970, nhân dân  Khánh Hòa lập đền thờ Trần Quý Cáp cùng với hai người lãnh đạo phong trào Cần Vương Khánh Hòa là Bình Tây đại tướng Trịnh Phong và Tham tán Quân vụ Nguyễn Khanh, bên cầu sông Cạn gọi là “Trung liệt điện”. Đền tọa lạc trên khu vực có tục danh “Gò Chết Chém” – nơi kẻ thù đã từng giết hại biết bao người con yêu nước và chiến sĩ Cần Vương. Vào thời điểm đó, đất nước ta còn đang chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược nên việc xây dựng đền thờ Trung liệt điện càng mang ý nghĩa cổ vũ phong trào yêu nước chống ngoại xâm, đề cao tấm gương những người anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.

Năm 2003, nhân dịp kỉ niệm 350 năm thành lập tỉnh Khánh Hòa và để thuận tiện cho việc xây dựng lại cầu sông Cạn (nay là cầu Trần Quý Cáp), đền đã được di dời lui vào phía trong cách khu đền cũ khoảng 50m. Ngôi đền được tôn tạo với quy mô lớn hơn. Đền có diện tích 54m2, trước sân có cột cờ cao hơn 3m và được xây dựng tương đối đơn giản, tuy nhiên vẫn theo kết cấu kiến trúc truyền thống như: có cổ lầu, trên các góc mái gắn hoa văn trang trí hình rồng chầu, mái lợp ngói mũi hài. Đền quay hướng Đông, xung quanh đền được trồng một số cây cảnh tạo cảnh quan tao nhã, bình dị và gần gũi. Bên cạnh đền là cây lồng mức cổ thụ, nơi ghi dấu tội ác của chế độ thực dân phong kiến đã xử tử biết bao chiến sĩ trong các phong trào cách mạng nước ta; phía trên trước mặt đền đắp nổi 3 chữ “TRUNG LIỆT ĐIỆN”.

 

Ban thờ và hệ cửa được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ nên trông cổ kính và ấm cúng. Trên ban thờ đặt 01 linh vị thờ chí sĩ Trần Quý Cáp, Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong và Tham tán Quân vụ Nguyễn Khanh. Phía trên Chánh điện đắp 4 chữ Hán “Trung Nghị Cảm Nhân”, có nghĩa: “Tấm lòng trung nghĩa quả quyết đã cảm hóa được mọi người”. Hai bên ban thờ đắp nổi cặp câu đối ca ngợi các tinh thần những nhà yêu nước:

Phiên âm:
Vi thân hồ, vi gia hồ, vi thiên hạ hồ, thiện chí anh hùng do vị bạch
Thử thiên giả, thử địa giả, thử giang sơn giả, oan hàm tuyền ngưỡng (..) năng minh

Dịch nghĩa:
Vì thân ư, vì nhà ư, vì thiên hạ ư, chuộng chí anh hùng còn chưa tỏ
Trời này đấy, đất này ấy, giang sơn này đấy ngậm oan chín suối đã tường minh.

Hai bên tường hồi giới thiệu một số hình ảnh về lăng mộ ở quê hương Trần Quý Cáp và văn thơ các bạn đồng lứa khóc thương cụ Trần khi nghe tin ông bị xử tử ở Khánh Hòa.

Hàng năm cứ vào ngày 16/5 âm lịch tại đền Trần Quý Cáp diễn ra lễ tưởng niệm cụ Trần Quý Cáp tri ân những thế hệ đi trước; đồng thời ôn lại truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”của dân tộc Việt Nam.

Ghi nhận những đóng góp và sự hi sinh của Trần Quý Cáp đối với dân tộc, năm 1991, đền Trần Quý Cáp đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định số 1548 – QĐ ngày 30/8/1991, xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.

Nguyễn Thị Thúy Hằng

[1] hiện nay còn bia đề danh tiến sĩ tại cố đô Huế.

 

http://ditichkhanhhoa.org.vn/vi-vn/noi-dung/id/4768/DEN-TRAN-QUY-CAP