TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 11/2022

341

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Bác Hồ với những lời dạy với giáo viên, học sinh Việt Nam

Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta lại cùng nhau nhớ về những lời dạy, tình cảm, tư tưởng của Bác, những mong mỏi của Bác đối với đội ngũ giáo viên, học sinh của cả nước. Mỗi lời Bác để lại đều trở thành động lực to lớn để lớp lớp giáo viên, học sinh quyết tâm giành thắng lợi sự nghiệp giáo dục có những bước phát triển mới theo tư tưởng và triết lý về giáo dục đậm chất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Những người anh hùng vô danh”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Để phát triển nền giáo dục nước nhà, Bác Hồ luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Người viết: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em Nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.

Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.

Trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15/10/1968, Bác Hồ nhắc lại các thầy, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên 3 điểm sau: Thứ nhất, thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.

Thứ hai, dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.

Thứ ba, các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn. Đề cao sứ mệnh của thầy cô giáo, trong thư Bác viết: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.

Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã và đang hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục. Năm 1982 đã lấy ngày 20/11 hàng năm làm “Ngày Nhà giáo Việt Nam”, thông qua nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, quan tâm và tạo điều kiện cho đông đảo đội ngũ thầy giáo, cô giáo được đào tạo chính quy, nâng cao chất lượng đời sống để các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác.

Niềm hi vọng to lớn ở thế hệ trẻ của đất nước

Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm đặc biệt cho các em thiếu niên, nhi đồng – thế hệ trẻ của đất nước. Với Người, thế hệ trẻ chính là những mầm non, là niềm hi vọng cho đất nước phát triển tiến bộ, văn minh, hiện đại. Trong bức thư Bác gửi học sinh trong ngày khai trường vào tháng 9/1945 ngay sau ngày Bác đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác viết: Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Trong thời đại hiện nay, thời đại sức mạnh của trí tuệ, khoa học – công nghệ và kinh tế – văn hóa đóng vai trò quyết định. Việt Nam với những chính sách mở cửa tích cực, đã và đang có những cơ hội hội nhập tốt nhất. Vì vậy, để nước Việt Nam phát triển được như Bác Hồ mong muốn đòi hỏi mỗi người phải có trí tuệ, hiểu biết khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, có khả năng đi tắt đón đầu. Điều đó chỉ thành hiện thực khi chủ nhân của đất nước là những người có tri thức, đủ năng lực hòa nhập với trình độ văn hóa của thế giới. Do đó, hơn lúc nào hết, thế hệ học sinh hôm nay cần phải ra sức học tập, tu dưỡng trở thành người có tài và có tâm, đủ năng lực để hội nhập đưa đất nước tiến lên, phù hợp với bước tiến của thời đại.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Đây vừa là yêu cầu tất yếu có tính thời đại, trong xu thế toàn cầu hóa, vừa là đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước ta; đồng thời đó cũng là nhu cầu của chính nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Xây dựng nền giáo dục mở, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc… Qua đó, góp phần “tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ  Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân”. Con người Việt Nam sẽ phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, sống đẹp và làm việc hiệu quả.

Từ bức thư đầu tiên (9/1945) cho tới bức thư cuối cùng (10/1968), những lời của Bác đã trở thành di sản vô giá, là báu vật thiêng liêng của dân tộc ta, đất nước ta nói chung và của ngành Giáo dục nói riêng. Mỗi lời nói đó đã khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào đối với nghề, tinh thần trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên mà còn khơi dậy ý thức học tập của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau.

Trích: http://www.bqllang.gov.vn

THEO DÒNG LỊCH SỬ – NHỮNG NGÀY ĐÁNG NHỚ TRONG THÁNG 11

– 07/11/1917: Kỷ niệm Ngày cách mạng tháng mười Nga thành công.

– 09/11/2013: Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam.

– 18/11/1930: Ngày thành lập Mặt trân Dân tộc thống nhất Việt Nam.

– 20/11/1958: Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

– 23/11/1945: Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

– 23/11/1946: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội chữ thập đỏ Việt Nam.

– 23/11/1940: Kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa.

– 24/1: Kỷ niệm Ngày Quốc tế chống bạo hành phụ nữ (2006) và bạo lực gia đình (1994).

– 28/11/1820: Ngày sinh Ph. Ăng-ghen

KỶ NIỆM 105 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 10 NGA THÀNH CÔNG
(17/11/1917 – 17/11/2022)

Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7/11/1917 – 7/11/1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” cho Báo Pravđa (Liên Xô cũ), Người không những khẳng định ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại của cuộc cách mạng này mà còn chỉ ra những vấn đề cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn đang và mãi là sự cổ vũ nhân loại tiến lên chủ nghĩa xã hội. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh có những đánh giá, nhận định khách quan, toàn diện về cách mạng Tháng Mười Nga và ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại của cách mạng Tháng Mười Nga, cụ thể là:

Một là, về tính chất của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. Trong lịch sử loài người đã diễn ra những cuộc cách mạng xã hội khác nhau. Cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng xã hội do giai cấp công nhân lãnh đạo, nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi sự bóc lột, áp bức và bất công, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.

Tính chất của một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là yếu tố cơ bản để phân biệt các cuộc cách mạng khác nhau trong lịch sử. Cơ sở để xác định tính chất của một cuộc cách mạng xã hội là từ nhiệm vụ giải quyết những mâu thuẫn cơ bản của xã hội. Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga mang tính chất toàn diện, triệt để, gay go, quyết liệt, phức tạp và lâu dài; mang tính nhân dân; tính quốc tế sâu sắc. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác và học thuyết Lênin ở một nước lớn là Liên Xô, rộng một phần sáu thế giới. Đó là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội tiền phong của họ là Đảng bônsêvích lãnh đạo”.

Hai là, về mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là cuộc cách mạng thực hiện mục tiêu rất cao cả là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại và giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bóc lột, xây dựng xã hội mới không còn sự phân chia giai cấp và thực hiện các mục tiêu của thời đại: hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Người đánh giá: “Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ chỉ là một ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn lôi cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Như vậy, mục tiêu trước mắt của cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung và của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga nói riêng là giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động, để từng bước cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới để tiến đến mục tiêu lâu dài đó là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản văn minh trên phạm vi từng nước và toàn thế giới. Mục tiêu đó phản ánh tập trung, sâu sắc tính chất cách mạng triệt để và tính nhân văn, nhân đạo mà các cuộc cách mạng xã hội trước không thể thực hiện được.

Ba là, về động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, động lực chủ yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga chính là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức Nga; trong đó giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo và quyết định sự thắng lợi của cách mạng, sử dụng bạo lực cách mạng để đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của công – nông – binh, chính quyền Xô Viết: “Cách mạng Tháng Mười đã dùng bạo lực cách mạng đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những ngườilao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội không có người bóc lột người”.

Từ bài học của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định liên minh công nông vừa là động lực vừa là yếu tố căn bản, bảo đảm cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng “Thực hiện cho được liên minh công nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền của nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Xây dựng, củng cố vững chắc khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và trí thức sẽ tạo nên một lực lượng cách mạng to lớn, đủ sức để lật đổ giai cấp tư sản. Đồng thời, sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa luôn phải sử dụng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng cách mạng; phát huy sức mạnh của liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và trí thức; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nếu chỉ tuyệt đối hoá hoặc coi nhẹ một lực lượng cách mạng nào, ở trong nước hay quốc tế thì sự nghiệp cách mạng ở nước đó khó có thể thành công. Đặc biệt, trong khối liên minh ấy, theo Người:“Cần có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”.

Thứ tư, về nội dung cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. Về nội dung cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đó là cuộc cách mạng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá. Trong đó, Người nhấn mạnh hai nội dung căn bản là chính trị và kinh tế.

Nội dung cách mạng về chính trị: lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản Nga, giành quyền lãnh đạo xã hội về giai cấp công nhân Nga, giải phóng nhân dân lao động khỏi địa vị nô lệ và trở thành người làm chủ xã hội mới “đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những ngườilao động”. Cách mạng về chính trị có vị trí quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, bởi nó là cơ sở và tiền đề cho việc thực hiện các nội dung cách mạng về kinh tế, tư tưởng, văn hoá. Chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội, là công cụ thống trị xã hội, duy trì quyền lực của giai cấp thống trị để cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới. Do vậy, để xoá bỏ xã hội tư bản chủ nghĩa và xây dựng xã hội mới, thì giai cấp công nhân thông qua chính đảng của mình lãnh đạo nhân dân lao động làm cuộc cách mạng về chính trị là màn giáo đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không ngừng tăng cường và củng cố nền chuyên chính vô sản. Sau khi đã giành được chính quyền thì nhiệm vụ hàng đầu của giai cấp công nhân là phải tăng cường nền chuyên chính vô sản để hoàn thành những nhiệm vụ lịch sử của cách mạng”.

Nội dung cách mạng về kinh tế: đây là nội dung có ý nghĩa quyết định sự thắng lợi vững chắc của cách mạng xã hội chủ nghĩaTháng Mười Nga. Bởi vì, chủ nghĩa xã hội muốn chiến thắng phải tạo ra năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân lao động. Cho nên, giai cấp công nhân phải thực hiện nội dung cách mạng về kinh tế nhằm từng bước xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất, thay đổi địa vị kinh tế – xã hội của nhân dân lao động. Chính vì vậy, Người nhấn mạnh:“Triệt để xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội để tiến lên chủ nghĩa cộng sản”.

Thứ năm, về ý nghĩa lịch sử của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có ý nghĩa lịch sử về nhiều mặt, không chỉ vạch mốc thời đại, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga và các dân tộc bị nô dịch, phụ thuộc trên thế giới, mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở chỗ đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu của thời đại mới, thời đại đấu tranh vì những mục tiêu cao cả: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Đánh giá tổng quát về ý nghĩa lịch sử của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Với ý nghĩa đó, Người khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”.

Không chỉ trong bài viết “Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” mà trong nhiều bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những sự kiện có ý nghĩa và mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều chịu tác động của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười. Người chỉ rõ: “Kinh nghiệm bản thân của Việt Nam chứng tỏ rằng chính là nhờ Đảng của những người bônsêvích và của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mà ở Việt Nam đã có một đảng mácxít lêninnít và Cách mạng Tháng Tám của chúng tôi đã giành được thắng lợi”. Theo đó, mười lăm năm sau ngày thành lập, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được chính quyền, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, Hồ Chí Minh cho rằng: Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã kiên quyết đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Năm 1945 đã làm Cách mạng Tháng Tám đánh đổ thực dân giải phóng đất nước, xây dựng chính quyền nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám chứng tỏ sự đúng đắn của con đường Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã vạch ra.

Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào thực tế Việt Nam. Những bài học đó không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có giá trị lý luận và thực tiễn lâu dài. Người không chỉ căn dặn nhân dân ta mà còn tuyên bố với bạn bè quốc tế rằng: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu của Liên Xô là ngôi sao chỉ đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”.

Một quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận mang tính chỉ đạo lâu dài đối với Đảng và nhân dân ta được Hồ Chí Minh chỉ ra là: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”.

Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 101 năm (7/11/1917 – 7/11/2018) ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công thì quan điểm trên đây của Hồ Chí Minh giúp chúng ta nhận thức đúng đắn rằng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 32 năm đổi mới có mối liên hệ biện chứng với con đường Cách mạng Tháng Mười. Chính vì vậy, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định tinh thần đó và bổ sung: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”, con đường do Cách mạng Tháng Mười khai phá, chỉ lối./.

Nguồn: Trang Thông tin điện tử Hồ Chí Minh

 

KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM
(18/11/1930 – 18/11/2022)

Tuyên truyền về lịch sử truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và vai trò của Mặt trận trong thời kỳ mới

– Trải qua 91 năm ra đời và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, từ Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của mọi người Việt Nam, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

– Cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ, Mặt trận đã không ngừng được củng cố, mở rộng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của mỗi giai đoạn lịch sử và đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

– Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX về tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc của các tổ chức thành viên và các tầng lớp Nhân dân, mở rộng hoạt động đối ngoại Nhân dân, tăng cường đoàn kết quốc tế, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ nêu trên. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng và hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở đã tập trung cao độ “chống dịch như chống giặc”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cùng với các tổ chức thành viên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ kinh phí, vật tư, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ngày công phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đảm bảo an sinh cho người nghèo, người yếu thế, người cơ nhỡ, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh để chung tay góp sức cùng với Đảng và Nhà nước bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa đất nước ta trở lại hoạt động bình thường trong điều kiện mới.

 

KỶ NIỆM 64 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM
(20/11/1958 – 20/11/2022)

Lịch sử của ngày 20/11

Tháng 01/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (thủ đô nước Pháp) lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants – Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục).

Năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Vacsava (Varsovie – Thủ đô của Ba Lan) tổ chức FISE xây dựng một bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương.

Nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh.

Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp là một thành viên của FISE.

Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Lần đầu tiên ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958.

Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam.

Hàng năm, kỷ niệm lịch sử ngày 20/11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo viên trong vùng tạm chiếm nói riêng, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh của anh chị em giáo viên kháng chiến nói chung.

Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 – HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ngày 20/11/1982, là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước ta. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.

Ý nghĩa sâu sắc của ngày 20/11

Ngày nhà giáo Việt Nam (hay ngày lễ Hiến chương nhà giáo Việt Nam) là một ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20 tháng 11 tại Việt Nam.

Đây là ngày lễ hội của ngành giáo dục và là Ngày Nhà giáo, ngày “tôn sư trọng đạo” nhằm mục đích tôn vinh những người hoạt động trong ngành này.

Ngày này là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy cô giáo. Trong ngày này, các học sinh thường đến tặng hoa và biếu quà cho các thầy cô giáo. Ngành giáo dục cũng thường nhân dịp này đánh giá lại hoạt động giáo dục và lập phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục.

Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt nam 20-11 hằng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.

Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân với những người đã góp bao công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

NHỮNG CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 11/2022

Từ 1/11/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn 4 Tổng cục

Nghị định số 68/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.

Trong cơ cấu tổ chức mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn 4 Tổng cục gồm: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo, chỉ  có 1 Tổng cục là Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Ngoài ra, nhiều đơn vị cấp cục, vụ mới được thành lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể Tổng cục Môi trường được tách ra, thành lập 3 đơn vị gồm: Vụ Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Tổng cục Đất đai được chia tách thành 3 đơn vị gồm: Cục Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản được chia tách thành hai đơn vị gồm: Cục Địa chất Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thay bằng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Với cơ cấu tổ chức mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị trực thuộc.

Quy định mới về Cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ

Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ.

Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về “Cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ” (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12d – đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 64/2016/NĐ-CP) như sau:

Trình tự, cách thức thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ:

Cơ sở đào tạo có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Đường bộ Việt Nam (thay vì Tổng Cục Đường bộ Việt Nam).

Cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ:

Đối với trường hợp nộp trực tiếp: Sau khi kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đúng quy định thì tiếp nhận ngay hồ sơ; nếu không đúng quy định, hướng dẫn trực tiếp cho cơ sở đào tạo đã nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ;

Đối với trường hợp nộp qua hệ thống bưu chính: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, phải có văn bản hướng dẫn cho cơ sở đào tạo đã nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ.

Nghị định 70/2022/NĐ-CP bổ sung thêm quy định: Đối với trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày cơ sở đào tạo kê khai và nộp hồ sơ, phải có văn bản hướng dẫn cho cơ sở đào tạo đã nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ.

Cục Đường bộ Việt Nam tiến hành thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện, cấp chứng chỉ cho từng học viên (có kết quả thi đạt yêu cầu) có tên trong Tờ trình của cơ sở đào tạo; trường hợp không cấp chứng chỉ, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Việc trả chứng chỉ được thực hiện tại Cục Đường bộ Việt Nam hoặc thông qua dịch vụ bưu chính theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 1/11/2022.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 1/11/2022.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên về: mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh, đào tạo và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm 28 đơn vị, tổ chức.

Cơ cấu tổ chức mới của Thông tấn xã Việt Nam có 28 đơn vị

Nghị định 87/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.

Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, thực hiện chức năng đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước.

Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 19 nhiệm vụ và quyền hạn; cơ cấu tổ chức gồm 28 đơn vị.

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Nghị định 89/2022/NĐ-CP ngày 28/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm:

Tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch; kế hoạch đầu tư công của quốc gia; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế; nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước; đấu thầu; thống kê; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm 28 đơn vị.

3 nhóm lao động được hưởng lương bằng 1,8 lần mức lương CBCCVC Nhà nước quy định

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 19/2022/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024.

Quyết định quy định mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan bảo hiểm xã hội bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định được áp dụng đối với các đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt:

– Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

– Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;

– Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động – thương binh và xã hội.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2022 và được áp dụng cho các năm tài chính từ năm 2022 đến hết năm 2024.

Cán bộ thuộc 11 lĩnh vực sau khi thôi giữ chức vụ từ 1-2 năm mới được thành lập, quản lý doanh nghiệp

Theo Thông tư số 60/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 17/11, danh mục 11 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ, đó là:

1- Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán.

2- Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

3- Quản lý nhà nước về bảo hiểm.

4- Quản lý nhà nước về hải quan.

5- Quản lý nhà nước về giá.

6- Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.

7- Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.

8- Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.

9- Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.

10- Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước.

11- Quản lý nhà nước về tài sản công.

Điều kiện thành lập, sáp nhập đơn vị sự nghiệp ngành công thương

Thông tư 16/2022/TT-BCT về quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương có hiệu lực từ ngày 23/11/2022.

Thông tư quy định rõ, việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong ngành, lĩnh vực công thương phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định các điều kiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương.

Quy định mới chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp huyện

Theo Thông tư 03/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng, từ ngày 11/11/2022, thực hiện quy định mới về chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp huyện.

Cụ thể, về vị trí và chức năng, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng; kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; vật liệu xây dựng trên địa bàn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo ủy quyền của UBND cấp huyện và theo quy định của pháp luật.

Đối với lĩnh vực khác thuộc Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tương ứng.

Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng có con dấu, có tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của UBND cấp huyện; chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Xây dựng của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Hướng dẫn sử dụng kinh phí bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Thông tư số 61/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có hiệu lực từ ngày 20/11/2022.

Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp

Thông tư số 12/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/11/2022.

Trong đó, Thông tư về quản lý ngoại hối vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp có nội dung liên quan đến sử dụng trang điện tử để khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay, tự trả.

Trường hợp bên đi vay lựa chọn khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi để giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, bên đi vay sử dụng trang điện tử để khai báo thông tin liên quan đến khoản vay được đăng ký, khai báo thông tin về các nội dung đề nghị xác nhận đăng ký thay đổi trước khi gửi hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài.

Hướng dẫn mức chi đào tạo nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2022, Thông tư 58/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi thực hiện một số hoạt động của Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Phân phối kết quả tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Có hiệu lực từ 1/11/2022, Thông tư số 56/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có quy định rõ về phân phối kết quả tài chính trong năm.

Quy định sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện cai nghiện ma túy

Thông tư 62/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy có hiệu lực từ ngày 19/11/2022.

Xác định giá truyền tải điện theo quy định mới từ ngày 22/11 

Có hiệu lực từ ngày 22/11/2022, Thông tư 14/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BCT ngày 10/2/2017 quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện.

Thông tư sửa đổi khoản 2 Điều 3 về phương pháp xác định giá truyền tải điện. Giá truyền tải điện được xác định hàng năm trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ cho hoạt động truyền tải điện của Đơn vị truyền tải điện với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu được xác định theo phương án giá bán lẻ điện đang áp dụng tại thời điểm tính giá truyền tải điện hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Nguồn: baochinhphu.vn