‘Việt Nam không nên kỳ vọng quá nhiều vào đất hiếm’

308

‘Việt Nam không nên kỳ vọng quá nhiều vào đất hiếm’ Tiến Sỹ Bùi Đức Thắng, Tổng thư ký Hội Địa chất Việt Nam cho rằng, hiện nay nhu cầu đất hiếm còn ít, giá bán sản phẩm dạng thô quá rẻ, do đó không nên hy vọng sẽ giàu lên nhờ đất hiếm.

Ông Thắng trao đổi với VnExpress.net ít ngày sau khi Nhật Bản và Việt Nam ký hợp tác khai thác đất hiếm, một vật liệu được sử dụng trong các sản phẩm công nghệ cao như máy tính xách tay, điện thoại di động.

– Đề nghị ông cho biết tiềm năng đất hiếm của Việt Nam?

– Đất hiếm được phát hiện ở Việt Nam từ năm 1958. Đến nay đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái).

Ở Bắc Nậm Xe, quặng chủ yếu là bastnaesit, dạng mạch trong tầng đá vôi hóa có hàm lượng R203 là 1,4%-5,14%. Ở tụ khoáng Đông Pao, quặng chủ yếu là fluorit bastnaesit – parizit – barit và bastnaesit – parizit, với hàm lượng R203 trung bình 10,7%. Ngoài ra, dọc bờ biển miền Trung cũng có quặng monazit, xenotim kèm ilmenit trong sa khoáng.

Theo khảo sát thì Việt Nam có tài nguyên đất hiếm trên 17 triệu tấn và trữ lượng gần 1 triệu tấn, được xem là nước có tiềm năng lớn. Với trữ lượng này thì Việt Nam nằm trong top 10 thế giới về đất hiếm.

Ông Bùi Đức Thắng. Ảnh: T.P

– Đất hiếm có phải là tài nguyên khoáng sản quý của Việt Nam?

– Việt Nam đã bắt đầu khai thác đất hiếm khá lâu rồi, cách đây hai, ba chục năm, nhưng sản lượng rất ít. Lúc đó, Tiệp Khắc và Ba Lan đã tham gia khai thác đất hiếm ở Việt Nam nhưng không nhiều.

Trong những năm qua, có 4 nước khai thác đất hiếm đáng kể như Trung Quốc là 120.000 tấn mỗi năm, Ấn Độ 2.700 tấn, Brazil 650 tấn, Malaysia 350 tấn.

Theo tài liệu của Sở Địa chất Mỹ công bố liên tục trong nhiều năm gần đây, thế giới có tổng tài nguyên đất hiếm là 150 triệu tấn, trong đó trữ lượng 99 triệu tấn và sản lượng khai thác trung bình mỗi năm 120.000 tấn. Tính cả nhu cầu tăng hằng năm 5%, thế giới vẫn còn có thể khai thác đất hiếm đến gần 1.000 năm nữa. Vì thế, tuy gọi là “hiếm” nhưng đất hiếm không phải khoáng sản “nóng”.

Đất hiếm được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo nam châm vĩnh cửu, biến tính thép, hợp kim gang, thủy tinh, bột màu, chất xúc tác trong xử lý khí thải ô tô. Ảnh: US Government.

– Sau khi Trung Quốc tuyên bố ngừng xuất khẩu đất hiếm, Nhật Bản đã hướng tới Việt Namnhư một nguồn cung cấp thay thế. Ông đánh giá việc này thế nào?

– Trung Quốc là nước có trữ lượng và khai thác đất hiếm lớn nhất thế giới. Từ năm 2005 đến nay, sản lượng khai thác đất hiếm mỗi năm của nước này là 120.000 tấn, chiếm 96,8% thế giới. Năm 2007, Trung Quốc xuất các loại sản phẩm đất hiếm đạt 1,5 tỷ USD.

Nhằm bảo đảm tiêu dùng trong nước và môi trường, Trung Quốc nhanh chóng hạn chế xuất khẩu đất hiếm ra nước ngoài và đến năm 2012 sẽ ngừng hẳn xuất khẩu, đồng thời đóng cửa các khu mỏ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thậm chí, họ còn thu mua các nguồn đất hiếm tại các nơi khác trên thế giới.

Nhật Bản không có đất hiếm, nên cần tới Việt Nam. Nhưng nhu cầu của họ cũng không lớn, mỗi năm chỉ chừng 7.000 tới 10.000 tấn.

Vậy đất hiếm sẽ đóng góp như thế nào cho phát triển kinh tế Việt Nam?

– Việt Nam không nên kỳ vọng quá lớn sẽ giàu lên nhờ đất hiếm. Đơn giản vì nhu cầu quá ít, giá bán sản phẩm dạng thô quá rẻ so với công dụng của đất hiếm. Một năm Việt Nam có thể bán ra 10.000 tấn, với giá 8.000 USD một tấn thì cũng chưa thấm vào đâu.

Chỉ trừ trường hợp Việt Nam bán sản phẩm đã qua chế biến thì giá đất hiếm may ra còn cao. Chẳng hạn như năm 2008 giá quặng Bastnaesite thô là 8,82 USD một kg nhưng nếu chế biến thành Oxit Lutetium dạng tinh có giá 3.500 USD mỗi kg. Tuy nhiên, tình hình của nước ta hiện nay thì chưa thể thực hiện được.

Việt Nam đã nghiên cứu sử dụng đất hiếm trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo nam châm vĩnh cửu, biến tính thép, hợp kim gang, thủy tinh, bột màu, chất xúc tác trong xử lý khí thải ô tô… nhưng hiện vẫn dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm và bán công nghiệp.

Hàng năm, nước ta mới chỉ khai thác nhỏ, cỡ vài chục tấn quặng bastnaesit ở Đông Pao và vài ngàn tấn quặng monazit hàm lượng 35% -45% R203 ở sa khoáng ven biển miền Trung để bán theo đường tiểu ngạch.

Trà Phương

Nguồn VNEXPRESS