‘Kinh tế sẽ bất ổn nếu không có thái độ đúng với tỷ giá’

170

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy vừa có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước mạnh tay can thiệp để bình ổn thị trường ngoại hối.

– Xin ông cho biết, tại sao Chính phủ lại quyết định can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối trong giai đoạn hiện nay?

– Những căng thẳng trên thị trường ngoại hối những ngày qua là điều ai cũng thấy. Hôm 3/11, tỷ giá trên thị trường chợ đen có lúc đã lên tới 21.000 đồng một USD. Ngay trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá cũng lên tới 19.880 đồng đổi một USD, vượt xa trần 19.500 đồng mà Ngân hàng Nhà nước công bố. Tại các tổ chức tín dụng, tuy vẫn niêm yết giá bán, mua bằng nhau, sát trần, nhưng kỳ thực đều vượt xa trần. Bản thân các ngân hàng cũng không có ngoại tệ mà bán, chứ không phải họ găm giữ. Vì trạng thái ngoại tệ của họ từ mức 3% đã tụt xuống 1%, có ngày xuống gần 0%.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy. Ảnh: N.M
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy. Ảnh: N.M

Trong khi đó, thâm hụt cán cân thanh toán của Việt Nam trong năm 2010 chỉ khoảng 4 tỷ USD, bằng non nửa 2009 (năm 2011 còn được dự báo là thặng dư 1-2 tỷ USD). Nhập siêu, nếu tính xông xênh thì khoảng 12-12,5 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu cho phép. Đặt trong bối cảnh USD đang mất giá so với hầu hết các đồng tiền khác thì việc tỷ giá đồng Việt Nam như vậy rõ ràng là một sự “ngược dòng” khó chấp nhận.

Quan trọng hơn, sự tăng giá này kéo theo nhiều hệ lụy khác. Chẳng hạn giá vàng thế giới tăng, cộng với biến động tỷ giá sẽ đẩy giá trong nước leo thang. Giá cả hàng hóa cũng diễn biến tương tự bởi chi phí nhập khẩu tăng lên. Kiểm soát CPI, rồi xuất – nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng. Do đó, nền kinh tế sẽ phải chịu nhiều bất ổn nếu Chính phủ không có thái độ đúng về vấn đề tỷ giá.

– Thời gian qua, khi căng thẳng, thị trường thường kỳ vọng vào việc Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá. Tại sao phương án này lại không được áp dụng trong lần can thiệp này?

– Việc thị trường ngoại hối căng thẳng vào cuối năm đã được dự báo từ lâu, đặc biệt là khi các doanh nghiệp tăng vay USD hồi đầu năm để bán lấy tiền đồng. Hiện tượng này tạo ra nguồn cung đôla Mỹ ngắn hạn nhưng lại tạo ra áp lực cho thị trường vào cuối năm, khi các khoản vay đáo hạn. Trong khi đó, tình trạng găm giữ ngoại tệ trong dân không có dấu hiệu thuyên giảm do lạm phát vẫn ở mức cao.

Một chi tiết đáng chú ý là số dư tiền gửi tiết kiệm trong dân giảm 45.000 tỷ đồng chỉ trong 15 ngày đầu tháng 10. Chuyện người dân đem toàn bộ số tiền tương đương hơn 2 tỷ USD này đi mua vàng hay đôla Mỹ là khó xảy ra.

Đứng trước thực tế như vậy, việc điều chỉnh tỷ giá lúc này là không có lợi, không phải là công cụ để tăng xuất khẩu, hạn chế nhập siêu… Trong khi đó, lại ảnh hưởng tới tâm lý người dân, gây ra ảnh hưởng dây chuyền.

Chính vì lý do này, Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo sẽ không đặt ra vấn đề điều chỉnh tỷ giá, ít nhất là cho tới Tết Nguyên đán năm 2011.

– Không điều chỉnh tỷ giá nhưng một trong những biện pháp được Thường trực Chính phủ chỉ đạo thực hiện là để lãi suất tiền đồng áp dụng theo cơ chế thị trường, thay vì kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất như trước. Ông đánh giá như thế nào về tác động của chính sách này?

– Khi để lãi suất áp dụng theo cơ chế thị trường tức là chấp nhận lãi suất tăng chứ không phải Chính phủ muốn kéo lãi suất lên. Giống như bất cứ một công cụ tài chính – tiền tệ nào, việc để lãi suất cao cũng có 2 mặt của nó. Về tích cực, nó đáp ứng được nhu cầu vay và cho vay theo thực tế thị trường, giảm áp lực lên tỷ giá, đồng tiền Việt sẽ có giá hơn. Thứ 3 là góp phần giảm lạm phát.

Tuy nhiên, khi tăng lãi suất cũng có nghĩa là thắt chặt tiền tệ. Chẳng ai muốn đi vay đắt cả. Lãi suất tăng thì doanh nghiệp và người tiêu dùng đều sẽ phải cân nhắc hơn khi vay. Nhưng chắc chắn sẽ không có cú sốc về lãi suất như như khi doanh nghiệp đang vay hỗ trợ lãi suất 6,5% năm 2009, chuyển qua 2010 phải vay 15-16%.

Lãi suất sẽ tăng nhưng mức tăng không nhiều. Theo tính toán của tôi thì mức huy động nằm trong khoảng 12 – 13%, các khoản phụ phí bị loại trừ và khoảng cho vay 15 – 17%. Đây là mức mà thị trường chấp nhận được vì trên thực tế hiện nay, lãi suất thực mà người đi vay phải chấp nhận cũng không quá xa con số này .

– Những bất ổn gần đây của tỷ giá và thị trường ngoại tệ có mối liên thông khá lớn với thị trường vàng. Vậy sau khi đưa ra các giải pháp đối với ngoại tệ, cơ quan chức năng liệu có tính chuyện “dẹp yên” thị trường vàng?

– Theo thống kê của Hội đồng vàng Thế giới, trong vòng 20 năm qua, Việt Nam nhập khẩu ròng trên dưới 1.000 tấn vàng (tương đương khoảng 40 tỷ USD). Thực tế con số này nhiều hơn hay ít hơn thì còn cần phải điều tra thêm. Nhưng chắc chắn có một lượng vàng không nhỏ đang tồn tại trong dân.

Đây là một lượng vốn quan trọng mà nếu không được đưa vào lưu thông chính thức thì hoặc là sẽ nó nằm im, không sinh lời, hoặc sẽ lưu chuyển trên thị trường tự do, rất khó kiểm soát. Do đó, vấn đề quản lý thị trường vàng cũng sẽ cần một giải pháp tổng thể và đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu.

Về ý tưởng, trước hết, muốn đưa một phương tiện thanh toán không phải là tiền (vàng, ngoại tệ) vào ngân hàng, đầu tiên phải giữ được ổn định đồng tiền trong nước. Có thế người ta mới tin, không găm giữ vàng hàng những đồng tiền khác. Mức lạm phát, như vậy phải thấp.

Thứ hai là nên có một bước chuyển. Đừng vội vàng ngăn cấm những giao dịch vàng, giao dịch ngoại tệ. Làm như vậy, ta chỉ đẩy các phương tiện thanh toán này ra khỏi kênh chính thức, chứ thực tế nó vẫn tồn tại trong xã hội. Ngược lại, phải tìm cách thu hút những nguồn lực này vào ngân hàng.

Một thực tế khác, cấm sàn vàng là đúng, vì nó biến tướng thành một kiểu đánh bạc. Tuy nhiên, việc cấm ngân hàng mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài thì cần xem lại. Vì làm như thế, nhà băng không thể cân bằng được rủi ro của việc huy động vàng trong nước.

Ở nhiều nước, như Mỹ chẳng hạn, có các ngân hàng vàng, chủ yếu giải quyết nhu cầu vàng của nền kinh tế. Ở Việt Nam, cần tính đến chuyện Ngân hàng trung ương làm nhiệm vụ người cho vay cuối cùng. Nếu các ngân hàng thương mại huy động được vàng, đến vay chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước để lấy tiền đồng thì sẽ rất tốt. Đó là một cách để nền kinh tế có được nguồn vốn nhiều hơn và rẻ hơn. Việt Nam không thiếu vốn nhưng vốn chưa được luân chuyển một cách hợp lý.

Nhật Minh ghi

Nguồn VNEXPRESS