Bộ Công Thương bảo lưu quan điểm về bô xít Tây Nguyên

175

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng, dự án bô xít Tây Nguyên có hiệu quả và phù hợp với sự phát triển của ngành. Bộ đang chuẩn bị giải trình trước Quốc hội và quan điểm của Bộ trước sau như một.

Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang triển khai 2 dự án Tổ hợp bô xít nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và dự án alumin Nhân Cơ (Đăk Nông). Dự án Tân Rai được khởi công vào năm 2008 (công suất thiết kế 650.000 tấn alumin một năm), dự kiến sẽ đi vào hoạt động quý I/2011. Dự án Nhân Cơ (với công suất 650.000 tấn alumin mỗi năm) được khởi công từ tháng 2/2010 và tới tháng 10 năm nay, các đơn vị mới chính thức tiến hành thi công. Dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2012. Tổng mức đầu tư của dự án lên tới hơn 20.000 tỷ đồng.

Dự án bô xít Tây Nguyên đã được đề cập và đưa ra tại kỳ họp Quốc hội vào năm 2009. Với tính nhạy cảm về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng, dự án này thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng.

Bộ Công Thương và phía TKV, đơn vị trực tiếp triển khai cho rằng, dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao. TKV đưa ra dẫn chứng, dự án có thể thu lãi vì giá thành chỉ vào khoảng 265-287 USD mỗi tấn alumin, trong khi đó, có thể bán ra ở mức 315-330 USD mỗi tấn alumin. Ngược lại, các chuyên gia kinh tế lại hoài nghi về tính toán trên và khẳng định, theo giá giao nhận ngay của thị trường thế giới thì giá alumin sang năm sẽ không có loại nào bán được trên 270 USD mỗi tấn, kể cả sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế.

Ảnh: TKV
Dự án bô xít Tây Nguyên. Ảnh: TKV.

Không chỉ có vậy, dự án bô xít Tây Nguyên còn gây tranh cãi lớn về môi trường và an ninh quốc phòng, đặc biệt hồ bùn đỏ là vấn đề nhức nhối gây lo ngại cho dư luận. Sau sự cố hồ bùn đỏ ở Hungary, Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế như Phạm Chi Lan, nhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên, Giáo sư Hoàng Tụy… cùng nhiều nhân vật nổi tiếng khác, đã ký vào văn thư khẩn thiết yêu cầu các vị lãnh đạo cao nhất nước ra quyết định ngừng việc xây dựng nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai, Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, các nhân sỹ kiến nghị tạm hủy dự án đang đàm phán với đối tác nước ngoài về Nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông và đình chỉ việc triển khai toàn bộ dự án hiện thời liên quan đến khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Theo các nhân sĩ, sự cố bùn đỏ ở Hungary là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên.

Trong khi các chuyên gia kinh tế cùng nhiều nhà khoa học trong nước vẫn chưa an tâm thì Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công Thương và TKV liên tục khẳng định dự án trong phạm vi an toàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường cam đoan, Việt Nam đang làm hồ chứa bùn đỏ theo mô hình của Brasil và Australia chứ không phải của Hungary. Người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường cho hay, mức độ an toàn cho hồ bùn đỏ đã được hội đồng thẩm định quốc gia tăng lên gấp đôi. Khu động đất ở Tây Nguyên dự kiến tối đa là cấp 7 nhưng hồ đã được thiết kế an toàn cho cấp 9.

Bộ Công Thương cũng trấn an dư luận, dự án bô xít Tây Nguyên được giám sát như một siêu dự án quốc gia. Sau sự cố ở Hungary, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan và TKV tổ chức Đoàn khảo sát, nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary; Thuê đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, uy tín để tái thẩm định thiết kế hồ bùn đỏ để hoàn thiện và bổ sung thiết kế hiện nay, lập phương án phòng chống và ứng phó sự cố khi xảy ra vỡ hồ bùn đỏ.

Không an tâm về những thông số cũng như dẫn chứng của phía Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường và TKV, nhiều đại biểu cho rằng, Quốc hội, một lần nữa, cần thể hiện thái độ rõ ràng về vấn đề bô xít Tây Nguyên.

Trước lo ngại của dư luận, Bộ Công Thương cho biết, không giống như dự án thông thường, dự án này phải báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ rất nhiều lần. Dự án có hiệu quả và phù hợp với sự phát triển của ngành nên mới được phê duyệt. Bộ Công Thương không có kiến nghị dừng, ngược lại, đang chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ nhà máy Tân Rai. Bởi dự án đưa vào sử dụng càng sớm thì càng phát huy được hiệu quả của đồng vốn bỏ ra. Nếu sớm đưa vào sử dụng chúng ta có sản phẩm xuất khẩu, thu hẹp được nhập siêu, phát triển đời sống của đồng bào.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhấn mạnh: “Bộ Công Thương đang chuẩn bị giải trình trước Quốc hội về vấn đề bô xít Tây Nguyên. Quan điểm của bộ trước sau như một”.

Theo TKV, trữ lượng và tài nguyên bô xít ở Việt Nam vào khoảng 5,4 tỷ tấn. Trong đó, riêng vùng Đăk Nông và Lâm Đồng khoảng 4,4 tỷ tấn. Theo xếp hạng của Cục địa chất Mỹ năm 2010 về trữ lượng và tài nguyên bô xít thì Việt Nam được xếp vào hàng thứ 3 trên thế giới sau Guinea và Australia. Với kịch bản sản xuất 5 triệu tấn alumin mỗi năm, thì phải 200 năm mới khai thác hết số quặng bô xít ở Tây Nguyên.

Hoàng Lan