Ngày 17-12, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã có buổi làm việc với Sở Công thương TP.HCM về công tác bình ổn thị trường, chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết của TP.HCM.
Người tiêu dùng chọn mua hàng bình ổn giá tại siêu thị Co.op Mart (Q.7, TP.HCM) – Ảnh: N.B. |
Tại buổi làm việc, bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương, cho biết kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng bình ổn giá cho hai tháng tết của các doanh nghiệp đến thời điểm này bằng hoặc nhiều hơn TP giao. Gạo, nếp là 15.828 tấn (đạt 175% so với kế hoạch), đường RE 9.800 tấn (đạt 233,3%), dầu ăn 2.800 tấn (186,7%), thịt gia súc 14.500 tấn (kế hoạch là 8.000 tấn), trứng gia cầm 55 triệu quả (tăng 203%), rau củ quả 5.200 tấn (173,3%). Hệ thống siêu thị Co.op Mart dự trữ nguồn hàng bình ổn trị giá 1.200 tỉ đồng, tăng 30%…
Ngừng chi liên hoan, tổng kết… để bình ổn giá Bộ Tài chính vừa hoàn thiện chỉ thị của bộ trưởng về bình ổn giá trong Tết Nguyên đán và quý 1-2011. Theo chỉ thị này, để bình ổn giá, bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các sở tài chính tăng cường quản lý thu chi ngân sách, ngừng các khoản chi chưa thật cấp bách, nội dung chưa thiết thực như chi liên hoan, tổng kết, hội nghị, đoàn ra, đoàn vào, chi mua sắm tài sản… Các sở tài chính cũng cần rà soát để trình các cấp bãi bỏ các loại phí, lệ phí không hợp lý để giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Cục trưởng cục thuế phải thực hiện kiểm tra kê khai thuế, kiên quyết loại trừ các khoản thưởng không hợp lý, chống việc tăng giá bất hợp lý. C.V.K. |
Ngoài những doanh nghiệp tham gia bình ổn, các doanh nghiệp có kênh phân phối cũng đã chủ động dự trữ hàng hóa. Hệ thống siêu thị Metro đã chuẩn bị lượng hàng thực phẩm trị giá 1.100 tỉ đồng. Hệ thống siêu thị Big C và một số đơn vị khác cũng đã chuẩn bị đủ lượng hàng hóa và cam kết giữ giá cả ổn định, không tăng đột biến.
Với vai trò tiếp nhận và cung ứng hàng hóa cho thị trường, ông Nguyễn Đăng Phú, phó giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, cho biết lượng hàng về chợ đầu mối từ ngày 22 đến 27 tháng chạp thường tăng 30-50%, chủ yếu là rau củ và thịt heo, tăng bình quân khoảng 5% so với năm ngoái.
Trong nỗ lực ổn định thị trường cuối năm, Bộ Công thương chỉ đạo Sở Công thương TP.HCM tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp cam kết giữ giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, ximăng, thực phẩm thiết yếu hằng ngày… không tăng trong dịp tết. Bên cạnh tám nhóm hàng thiết yếu, TP.HCM cần tập trung đảm bảo cung cầu các nhóm hàng khác có sức mua tăng cao trong dịp tết như bánh kẹo, mứt tết…, không để thiếu hàng cục bộ, giá tăng cao.
Về xây dựng hệ thống phân phối cũng như lưu thông hàng hóa, bà Hồ Thị Kim Thoa cho rằng các doanh nghiệp chủ động xây dựng hệ thống phân phối, Sở Công thương xúc tiến với ban quản lý các chợ hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm mặt bằng giá rẻ, phấn đấu ở đâu có chợ, ở đó có hàng bình ổn. Sở Giao thông vận tải có biện pháp ưu tiên xe chở hàng hóa đến các siêu thị, trung tâm thương mại trong giờ cao điểm, không để xảy ra tình trạng gián đoạn trong cung cấp hàng, tạo khan hiếm giả tạo. Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chi cục Quản lý thị trường ưu tiên triệt để công tác kiểm tra về giá, tăng tỉ lệ kiểm tra giá cả từ 10% hiện nay lên mức cao hơn.
NHƯ BÌNH
Ông NGUYỄN TIẾN THỎA (cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính): Nhiều doanh nghiệp đăng ký tăng giá không hợp lý Theo dự báo của chúng tôi, CPI tháng 12-2010 sẽ tăng khoảng 1,5%, kéo CPI cả năm lên 11%. Năm nay, phí giáo dục tăng cao, đây là khiếm khuyết của điều hành. Đáng lẽ phí này nên tăng dàn ra trong nhiều năm, tăng mạnh một lúc ảnh hưởng tiêu cực đến lạm phát. Vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức 16 đoàn đi kiểm tra các doanh nghiệp trong diện phải kê khai, đăng ký giá, trong đó có các doanh nghiệp lớn về sữa, thương mại, thép… Kết quả có bốn doanh nghiệp vi phạm về đăng ký giá, đoàn kiểm tra đã đưa ra mức phạt mỗi doanh nghiệp 7 triệu đồng, đồng thời cảnh cáo, đề nghị đăng ký lại giá. Sau khi thông tư số 122/2010 về quản lý giá có hiệu lực từ ngày 1-10, đến nay đã có 49 doanh nghiệp đăng ký giá về Bộ Tài chính với 30 doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh giá, trong đó điều chỉnh giảm có gas và một số đề nghị tăng. Nhiều đề nghị tăng giá chúng tôi thấy không hợp lý, đã đề nghị kiên quyết không cho tăng như phân bón. Điển hình là urê, qua kiểm soát thấy không có yếu tố đầu vào nào tăng nhưng họ vẫn đề nghị tăng để tăng lợi nhuận. Như vậy là không được. Đáng quan tâm là giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, từ ngày 1-10 đã không còn kiểu tăng giá bừa bãi như trước. Về phương hướng điều hành giá năm 2011, chúng tôi khẳng định sẽ giữ ổn định, không tăng giá than, điện trong quý 1-2011. Thông tin giá điện tăng 30-40% chưa thể khẳng định. Phương án giá chưa được gửi sang Bộ Tài chính nhưng quan điểm của Cục Quản lý giá là phải tính toán cụ thể các mức đóng góp của thủy điện, nhiệt điện, tính tác động hai vòng của việc tăng giá điện đến nền kinh tế để tìm ra mức tăng hợp lý. Về triển khai cửa hàng bình ổn giá, theo tôi, dù cơ bản đã có tác dụng nhưng với cách làm hiện nay còn hạn chế. Hàng vẫn ở cửa hàng lớn, địa điểm chưa thuận lợi. Hầu như trong chợ truyền thống không có hàng bình ổn. Người dân quen đi chợ, họ không đến điểm bán hàng bình ổn vì xa và không biết ở đâu. Việc tuyên truyền công khai còn hạn chế, tác dụng có mức độ, cần thay đổi. Nhiều doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất để bình ổn thì triển khai chậm, đi mua vét, không có hợp đồng trước nên giá vẫn cao. Doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá cần ký kết hợp đồng, đi tìm nguồn hàng để thật sự giúp đảm bảo nguồn hàng, bình ổn được giá. C.V.KÌNH ghi |
Theo Tuổi Trẻ Online