USD tuột giá, thực phẩm cứ tăng

133

Khi vàng, USD cùng các ngoại tệ khác cứ chực vọt lên so với VND, có lẽ cũng cần nhìn ra thị trường tiền tệ thế giới để nhận diện xu hướng năm 2010 đang hết và năm 2011 đang đến.

Bên cạnh đó, cuộc chiến chống lạm phát cũng là câu chuyện dài trong bối cảnh giá cả leo thang.

 

Giá thực phẩm ở Trung Quốc tăng đến 11,7% trong tháng 11. Trong ảnh: những bà nội trợ mua rau củ tại một ngôi chợ ở Bắc Kinh ngày 25-11 – Ảnh: Reuters

Trong thị trường tư vấn đầu tư cá nhân, Bob Livingston là một nhà tư vấn trên mạng. Hôm 9-12, Bob Livingston cảnh báo việc USD hạ giá một cách “kiên định” kết hợp với gánh nặng công nợ quốc gia Mỹ đang đưa nước Mỹ đến bên bờ vực của sự hỗn loạn tài chính.

FED cứ tiếp tục in tiền!

Giáo sư Robert Mundell, giải Nobel kinh tế 1999, đã báo động trên The Wall Street Journal (1-10-2010): “Chúng ta chưa bao giờ ở trong tình trạng bất ổn như thế này trong toàn bộ lịch sử tiền tệ. Chúng ta đang ở giai đoạn chót của kim tự tháp lừa đảo lớn nhất thế giới vốn đã được nặn lên để làm bốc hơi tài sản của người dân thường”.

 

Đầu thập niên 2000, giá vàng ở mức 300 USD/ounce. Cuối năm 2006, trước khi những dấu hiệu rối loạn tài chính đầu tiên xuất hiện, vàng vượt qua ngưỡng 600 USD/ounce. Gần đây, giá vàng đã lập kỷ lục 1.431,25 USD/ounce. Và xu hướng tăng này chưa dừng lại. Theo phân tích của nhà báo, chuyên gia tài chính Gerard Horny (Slate.fr 12-12-2010), dù Chính phủ Mỹ thành công trong việc phục hồi nền kinh tế bằng các chính sách ngân sách và tiền tệ của mình, lạm phát vẫn sẽ tăng trở lại như đang xảy ra ở Trung Quốc.

Cái “kim tự tháp lừa đảo” mà Nobel kinh tế Robert Mundell nhắc đến là gì? Đó là hệ thống chính trị của Mỹ với định đề lập pháp kiềm chế hành pháp, nhất là khi lập pháp có lúc trong tay đảng đối lập. Bob Livingston giải thích: “Chớ có trông mong một đợt thịnh vượng đột xuất do lẽ các cử tri Mỹ mới vừa xếp lại các ghế trong thượng viện tại Washington…

Thực tế đớn đau là tiền tệ quốc gia chúng ta (Mỹ) mới gần đây đã đánh mất 1/3 trị giá của nó so với các đồng tiền khác. Bất cứ ai đang ôm USD hay tài sản mà mệnh giá tính theo USD giống như đang mang bom hẹn giờ… Trong những tuần lễ gần đây, Cục Dự trữ liên bang (FED) lại báo trước sẽ in thêm 600 tỉ USD tiền mới từ nay đến tháng 7-2011.

Ấy thế mà trước đó, chúng ta mới chỉ được loan báo rằng bất quá tổng số vốn tung ra để cấp cứu nền kinh tế sẽ không hơn 787 tỉ USD, song tiểu ban ngân sách hạ viện lại kiểm tra ra rằng thật ra số tiền thâm thủng lên đến 862 tỉ USD. Các nhà đầu tư lớn như Trung Quốc nhanh chóng nhận ra rằng chúng ta nay không còn lối thoát và cách duy nhất mà Washington có thể làm là in tiền”. Ngay trước truyền hình C-Span của quốc hội, ông Obama đã phải lên tiếng: “Chúng ta đang cạn tiền mặt. Chúng ta đang vận hành kinh tế trong thâm thủng nghiêm trọng”.

Thật ra, FED đã thành công trong các mục tiêu của mình là ổn định giá cả khi chỉ số lạm phát vào tháng 10 chỉ 0,6%. Tuần san The Economist (9-12) của Anh thậm chí đã khen FED: “Với lạm phát căn bản gần sát 0%, hơn là tiến đến mức 2%, những kẻ chỉ trích không có mấy cơ sở để tiếp tục tấn công FED”.

Chống lạm phát kiểu Trung Quốc

Một bài báo khác của The Economist mô tả cách Trung Quốc quản lý kinh tế như sau: “Wal-Mart ở Trung Quốc không giống Wal-Mart ở nơi khác. Các siêu thị Wal-Mart bán cả rùa và cóc. Ở Côn Minh, Wal-Mart có sáu siêu thị, và Wal-Mart giờ đây, cũng như các đối thủ khác, phải đăng ký và giải thích bất cứ sự tăng giá nào cho chính phủ hay 48 giờ trước khi tăng giá”. Chính sách kiểm soát giá cả “phi chính thống” này là một phần của cuộc chiến chống lạm phát của Trung Quốc, vốn đang ở mức 4%/năm.

Theo The Economist, đó là một thành tích khi mà ở Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Việt Nam, cuộc chiến chống lạm phát ầm ĩ cả năm nay. Ngân hàng HSBC sau khi tiến hành khảo sát trong toàn khu vực đã nhận thấy rằng áp lực giá cả ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, đang ở mức cao nhất trong hơn chục năm qua. Từ tháng 6, giá nông sản tăng cao. Một số ý kiến cho rằng đó là do thời tiết xấu năm nay, đặc biệt trận lũ tháng 10 vừa qua ở Hải Nam (Trung Quốc) gây mất mùa. Song điểm lại tin tức thấy giá thực phẩm đã tăng từ ít nhất hai năm qua ở Trung Quốc. Năm 2008, giá nông sản ở Trung Quốc tăng 21% (BBC ngày 16-4-2008), trong khi năm 2007 tăng 17,6% (Christian Science Monitor ngày 16-11-2007).

Những tin tức mới nhất chiều chủ nhật 12-12 cho thấy chỉ số tiêu dùng CPI ở Trung Quốc đã vượt qua ngưỡng 5% khi lên đến mức 5,1%, từ mức 4,4% tháng trước (China Economic Update 12-12-2010). Thực tế, giá thực phẩm tăng đến 11,7% trong tháng 11, trong khi giá các mặt hàng khác chỉ tăng 1,9%. Đáng lưu ý là giá nhà đất tăng 7,7% tại 70 thành phố lớn nhất so với cùng kỳ năm trước. Chính vì thế Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã buộc các ngân hàng phải dành ra khoản dự trữ bắt buộc lên đến 18,5%.

Thế nhưng có một cách chống mất giá tiền bạc đang thịnh hành ở Trung Quốc là mua vàng. Trang web Gold Forecaster chuyên dự báo về vàng ngày 5-12-2010 cho biết Chính phủ Trung Quốc đã cấp giấy phép nhập khẩu vàng cho nhiều ngân hàng và nhà nhập khẩu hơn nữa, thay vì để hệ thống phân phối bấy lâu nay chỉ thông qua trung gian năm ngân hàng lớn nhất. Nay thì tất cả các ngân hàng ở Trung Quốc đều được phép phân phối vàng.

Sự phát triển này song song với sự hình thành một tầng lớp trung lưu trong những năm qua đã làm việc cật lực và dành dụm được đến 40% thu nhập của họ. Vàng là một kênh “tiết kiệm” của tầng lớp này bên cạnh các ngân hàng. Trong hai năm qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã mua vào 400 tấn vàng từ các công ty nhập khẩu vàng, riêng năm 2010 là 280 tấn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tự sản xuất 340 tấn trong năm nay. Câu hỏi mà Gold Forecaster đặt ra là năm 2011 và sau đó nữa, điều gì sẽ xảy ra ở thị trường vàng Trung Quốc?

USD tuột giá, euro cũng thế. Vàng và lương thực tăng giá. Đó là vài xu hướng chính trên thế giới có khả năng tác động lớn trong năm sắp hết và năm tới.

Theo Tuổi Trẻ Online