Doanh nghiệp FDI chuyển hướng nhập khẩu

147

Nhiều DN FDI đang chuyển hướng sang nhập khẩu – Ảnh: D.Đ.M
Một hiện tượng không tốt cho nền kinh tế đang xảy ra khi nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển hướng từ sản xuất sang nhập khẩu.

Theo Bộ Công thương, từ đầu năm đến hết tháng 11, tốc độ gia tăng nhập khẩu của DN FDI là 40% so 20% của DN trong nước, đạt 33 tỉ USD, chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Ồ ạt

Năm 2008, Sony VN tuyên bố đóng cửa nhà máy và chuyển sang kinh doanh thương mại thuần túy bằng cách nhập khẩu sản phẩm Sony sản xuất từ các nước khác. Nhiều tập đoàn điện máy khác thì một mặt vẫn duy trì hoặc mở rộng sản xuất ở VN, mặt khác đẩy mạnh nhập khẩu, thành lập các công ty phân phối để tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước. Có thể kể đến như Canon, Sharp, LG, Samsung…

Theo cam kết AFTA, thuế nhập khẩu ô tô có xuất xứ từ ASEAN sẽ giảm từ ngày 1.1.2011, khi đó sẽ có nhiều dòng ô tô được nhập khẩu vào VN. Đại diện Ford VN cho biết sẽ nhập khẩu dòng xe nhỏ Fiesta trong năm tới từ Thái Lan. Nhà máy ô tô Honda VN vận hành nhiều năm nay nhưng tới giờ vẫn chỉ dừng lại ở việc lắp ráp hai mẫu xe là Civic và CRV. Mới đây, Honda VN công bố sẽ nhập khẩu dòng xe Accord và bán rộng rãi trên thị trường ngay trước tết. Cùng động thái đó, Toyota VN cũng tuyên bố sẽ nhập khẩu dòng xe Yaris.

Tương tự, nhiều loại xe máy được các hãng tên tuổi nhập khẩu như Honda, Yamaha, Suzuki, Vespa… Theo Bộ Công thương, trong 11 tháng qua VN nhập khẩu gần 90.000 xe gắn máy nguyên chiếc, trị giá 112 triệu USD, trong đó có hơn 31.500 xe từ Thái Lan. Những tháng cuối năm, lượng xe nhập khẩu sẽ tăng cao, riêng tháng 10 nhập khẩu 10.000 xe gắn máy có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Ý, tăng gần 21%, giá trị chừng 11,6 triệu USD.

Hệ lụy

Việc nhiều DN FDI chuyển sang nhập khẩu đã làm gia tăng nhập siêu, khiến cán cân thanh toán thương mại thâm hụt trong khi DN FDI thu lợi từ việc nhập khẩu đó và chuyển hóa lợi nhuận về nước. Không chỉ vậy, theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng DN FDI nhập khẩu sẽ khiến sản xuất trong nước không phát triển, từ đó, sản phẩm của các DN VN sẽ không đủ sức cạnh tranh; mục tiêu công nghiệp hóa không đạt được. Thậm chí có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khác về sản xuất, kinh doanh, việc làm của người dân trong nước bị ảnh hưởng.

Trên thực tế, xu hướng này được dự báo từ trước, bởi theo cam kết WTO, DN FDI có quyền nhập khẩu 100% từ năm 2009. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ quá trình hội nhập kinh tế của VN với ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc… Các thỏa thuận mở cửa thị trường trong các hiệp định thương mại cho phép DN nước ngoài nhập khẩu có mức thuế từ 0 – 5%. Rõ ràng, trên cơ sở mức thuế như vậy, các DN FDI có lợi hơn nếu nhập khẩu. Hơn nữa, chúng ta cũng cần nhìn lại mình khi chi phí sản xuất ở VN vẫn còn cao bởi những nút thắt như thủ tục hành chính dù đã được cải thiện nhưng còn mất thời gian; nguồn nhân lực thiếu hụt; cơ sở hạ tầng như đường, điện… còn kém. Bà Lan còn e ngại, khả năng chuyển hướng của DN Hàn Quốc ở VN sẽ rõ rệt hơn trong thời gian tới bởi từ nay đến 2017, hiệp định thương mại giữa hai nước sẽ được thực hiện. “Cách thiết thực nhất để hạn chế tình trạng chuyển hướng là phải cải thiện điều kiện sản xuất của họ ở VN. Chúng ta cũng xem lại năng lực cạnh tranh sản xuất công nghiệp của mình”, bà Lan nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, xu hướng này chứng tỏ cơ cấu kinh tế VN có vấn đề. Qua đó cần xem xét kỹ lưỡng về vấn đề hội nhập, mở cửa thị trường và giảm thuế liệu sẽ tác động như thế nào đến nhập khẩu; việc chuyển dịch sản xuất của DN FDI ảnh hưởng ra sao đến cơ chế điều hành xuất nhập khẩu trong những năm tới.

Theo Thanh Niên Online