Khởi điểm thuế thu nhập cá nhân: Gấp 10 lần lương tối thiểu?

123

Tiếp tục có thêm nhiều ý kiến của các chuyên gia đề nghị phải nhanh chóng sửa Luật thuế thu nhập cá nhân do luật này đã quá lạc hậu. Trong đó, nhiều ý kiến và ngay cả lãnh đạo Tổng cục Thuế đã đề nghị nên sửa mức khởi điểm chịu thuế (mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế) ở mức gấp 10 lần lương tối thiểu.

 

Giá cả tăng luôn là vấn đề quan tâm của các bà nội trợ. Giá tăng nhưng mức khởi điểm chịu thuế vẫn chưa tăng (ảnh chụp tại siêu thị Big C, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) – Ảnh: Hoàng Thạch Vân

* Ông PHẠM DUY KHƯƠNG (phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế):

Nên dựa trên mức lương tối thiểu

 

 

Mức trượt giá hiện nay ảnh hưởng đến đời sống, đến thu nhập của người lao động và với mức này thì lương cũng không đủ sống. Chỉ có một chút thông tin tăng lương tối thiểu nhưng giá cả đã leo thang. Tuy nhiên, luật hiện vẫn có hiệu lực và Tổng cục Thuế vẫn triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nếu muốn sửa Luật thuế thu nhập cá nhân thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải họp bàn, xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong năm 2011.

Về quan điểm đưa ra mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân, ngay từ thời điểm xây dựng luật tổng cục đã kiến nghị không nên đưa ra mức cố định mà tính mức khởi điểm chịu thuế dựa trên mức lương tối thiểu. Thời điểm đó tổng cục đề nghị mức khởi điểm chịu thuế luôn được tính ở mức gấp 10 lần mức lương tối thiểu. Khi lương tối thiểu tăng thì mức này cũng tăng lên. Tương tự, phần giảm trừ gia cảnh cũng được tính theo phần trăm của mức khởi điểm chịu thuế.

* Luật sư TRẦN XOA (Công ty luật Minh Đăng Quang):

Không nên cố định mức giảm trừ

Đã có ý kiến sửa đổi một số quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân theo hướng tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc từ mức 1,6 triệu đồng lên 2,4 triệu đồng/tháng, hoặc kéo giãn các bậc thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Tuy nhiên, theo tôi, đề xuất này xem ra khá thận trọng và vẫn theo hướng cố định mức giảm trừ do vậy rất dễ dẫn đến lạc hậu.

Rút kinh nghiệm sau hai năm áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân, theo tôi, nên gắn mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc theo mức lương tối thiểu chung. Cụ thể nên gấp 10 lần lương tối thiểu chung/tháng cho người nộp thuế và cho người phụ thuộc là bốn lần lương tối thiểu chung/tháng. Như vậy khi mức lương tối thiểu chung được điều chỉnh thì mức khởi điểm chịu thuế cũng được điều chỉnh phù hợp theo mặt bằng chung. Quốc hội sẽ không phải sửa luật nhiều lần. Việc điều chỉnh theo cách này cũng sẽ tránh được mức giảm trừ không theo kịp mặt bằng giá chung, gây bức xúc cho người nộp thuế như thời gian qua.

Về biểu thuế lũy tiến từng phần hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng quá dày, dẫn đến thiệt thòi cho người nộp thuế. Do vậy, theo tôi, song song với điều chỉnh mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc, Bộ Tài chính cũng nên kéo giãn các bậc thuế, đồng thời nâng mức thu nhập chịu thuế của từng bậc nhằm giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế.

Theo tôi, Bộ Tài chính cũng có thể trình Chính phủ sửa ngay mức thu nhập làm căn cứ xác định là người phụ thuộc vì mức quy định hiện nay rất thấp, chỉ 500.000 đồng/tháng, thấp hơn cả lương tối thiểu chung và không đủ đảm bảo cho cuộc sống ở mức tối thiểu. Rất nhiều người nhận lương hưu ở mức 500.000-700.000 đồng/tháng đang chịu thiệt thòi vì không được tính là người phụ thuộc trong khi vẫn phải sống vào sự chu cấp của người thân. Đây là quy định trong nghị định Chính phủ chứ không có trong Luật thuế thu nhập cá nhân, do vậy Bộ Tài chính có thể trình Chính phủ sửa ngay mà không cần đợi đến kỳ họp Quốc hội.

* TS TRẦN DU LỊCH (đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia):

Không theo kịp giá cả thì nên điều chỉnh

Ở các nước khác, thuế thu nhập cá nhân chỉ bắt đầu tính sau khi đã giảm trừ mức chi phí đủ đảm bảo cho đời sống người lao động. Tuy nhiên ở VN mức tối thiểu để đảm bảo cuộc sống hiện nay là bao nhiêu thì các nhà làm luật đang còn tranh luận. Có ý kiến cho rằng trong giai đoạn đầu người dân làm quen với thuế thu nhập cá nhân chỉ nên đánh thuế ít thôi. Tuy nhiên nhiều ý kiến không đồng tình vì đây là việc liên quan đến công tác hành thu, nếu thu ít thì công tác hành thu không hiệu quả.

Theo tôi, nên theo nguyên tắc là thu nhập đảm bảo tồn tại tối thiểu của người nộp thuế thì không đánh thuế. Nếu mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc không đủ đảm bảo mức sống tối thiểu thì phải điều chỉnh cho phù hợp. Thuế phải tính đến yếu tố trượt giá, nếu trượt giá cao thì mức giảm trừ cũng phải điều chỉnh cho phù hợp. Ở những nước khác, thuế suất cũng phải điều chỉnh liên tục để theo kịp thời giá chứ không thể giữ mãi một mức cố định.

Ở các nước, lương tối thiểu là mức lương đủ đảm bảo người lao động tồn tại, nhưng tại VN chỉ là hằng số nhân hệ số lương chứ không phải tối thiểu để sống. Thực tế không ai lãnh lương tối thiểu để sống.

Theo quy trình làm luật hiện nay, những vấn đề đặc biệt, cấp bách Quốc hội sẽ bàn bạc và thông qua trong một kỳ họp Quốc hội chứ không cần phải chờ đến kỳ họp sau. Thậm chí những vấn đề chưa đưa vào chương trình nhưng nếu thấy cấp bách, ảnh hưởng đến đời sống người dân thì vẫn có thể trình Quốc hội thông qua ngay trong kỳ họp.

 

Hiện hành

Ðề xuất

Phần thu nhập

tính thuế/tháng

(đơn vị: triệu đồng)

Thuế suất

(đơn vị:%)

Phần thu nhập

tính thuế/tháng

(đơn vị: triệu đồng)

Thuế suất

(đơn vị:%)

Ðến 5

5

 

 

Trên 5 đến 10

10

Ðến 30

10

Trên 10 đến 18

15

 

 

Trên 18 đến 32

20

Trên 30 đến 60

20

Trên 32 đến 52

25

 

 

Trên 52 đến 80

30

Trên 60

30

Trên 80

35

 

 

Phương án đề xuất sửa biểu thuế lũy tiến từng phần trong Luật thuế thu nhập cá nhân của luật sư Trần Xoa

Theo Thanh Niên Online