Mười dự báo cho kinh tế thế giới 2011

138

Kinh tế thế giới năm 2011 trong con mắt của CNBC có nhiều tín hiệu lạc quan cho Mỹ, nhưng vẫn ảm đạm khi nhìn sang châu Âu.

1. FED dừng nới lỏng tiền tệ trong tháng 6

Ben Bernanke, ông chủ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED. Ảnh: CNBC

 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, trước nhiều luồng phản đối, cộng thêm tình hình kinh tế khả quan hơn, sẽ quyết định dừng gói nới lỏng tiền tệ thứ hai vào tháng 6. Việc GDP nước này tăng trưởng 3% cũng làm giảm bớt áp lực lên ngân hàng trung ương. Vào cuối năm, thị trường có thể một lần nữa xôn xao với khả năng FED nâng lãi suất cơ bản, được dự báo sẽ diễn ra vào đầu năm 2012.

2. Chứng khoán Mỹ càng leo thang
Kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục cùng đà tăng trưởng trên khắp thế giới là động lực khiến các nhà đầu tư không ngần ngại mua vào. CNBC còn dự đoán Dow Jones sẽ chạm mốc 14.000 điểm vào cuối năm sau.

3. Giá dầu vượt 100 USD

Các nhân viên giao dịch hàng hóa trên sàn giao dịch hàng hóa New York. 
Ảnh: CNBC

 

Cách đây vài tháng, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC nhận xét mỗi thùng dầu có giá từ 70 đến 80 USD là hợp lý. Sau đó, khi thị trường vượt quá mức này, OPEC lại phát biểu 80 đến 90 USD là công bằng cho cả người mua lẫn bán. Đến những ngày cuối năm, thị trường thế giới vượt lên trên 91 USD một thùng mà OPEC vẫn tỏ ra khá bàng quan, không định có hành động gì để kiềm chế giá cả. Cùng lúc đó, khi kinh tế toàn cầu khởi sắc hơn, nhu cầu năng lượng phục vụ sản xuất sẽ tăng cao và từ đó đẩy giá nhiên liệu, bao gồm dầu thô lên các mức cao mới.

4. Vàng tiếp tục đắt đỏ
Cả vàng và bạc đều tiếp tục leo thang trong nửa đầu năm 2011 khi các nền kinh tế phương Tây chưa hoàn toàn phục hồi, còn nhà đầu tư thì không ngừng tìm kiếm phương thức mới bảo toàn tài sản. Trong đó, đà leo thang của bạc có xu hướng vượt trội hơn so với vàng. Đến nửa cuối 2011, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn sẽ khiến thị trường vàng tăng trưởng chững lại, trong khi giá bạc tiếp tục đi lên. nhờ nhu cầu dùng cho ngành công nghiệp gia tăng.

5. Nguy cơ lạm phát càng hiện rõ 

Lạm phát trở thành một trong những mối lo chính tại nhiều nước trong năm 2011. Ảnh: CNBC


Đến cuối năm 2010, vẫn còn nhiều chuyên gia bàn về vấn nạn giảm phát. Tuy nhiên, nếu đến Trung Quốc những ngày này, người ta sẽ thấy giá cả leo thang mới là nỗi lo chính của người dân. Không chỉ riêng Trung Quốc mà tại nhiều nước khác, từ thực phẩm đến quần áo ngày một đắt đỏ khiến các bà nội trợ méo mặt. Trong năm 2011, ví người tiêu dùng sẽ tiếp tục nhẹ đi.

6. Bức tranh việc làm ảm đạm
Năm ngoái, CNBC đã đúng khi dự báo rằng việc đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 9% trong năm 2010 là “nhiệm vụ bất khả thi”. Sang 2011, bức tranh việc làm tiếp tục được dự báo u ám. Các công ty Mỹ bắt đầu tuyển dụng nhân sự, nhưng số lượng việc mới bổ sung chỉ đủ để bắt kịp tốc độ tăng trưởng dân số. Do đó, tỷ lệ thất nghiệp nhiểu khả năng vẫn ở mức cao từ 8,5 đến 9%.

7. Đồng euro càng suy yếu

CNBC cho rằng tỷ lệ hoán đổi giữa euro và USD sẽ ngày càng tiến về gần mức 1:1. Ảnh: CNBC

 

Cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong năm mới. Sẽ có thêm quốc gia tại khu vực đồng tiền chung phải tái cấu trúc nợ và nhận giúp đỡ từ bên ngoài. Đồng euro vì thế suy yếu thêm, tiến gần đến tỷ lệ 1:1 so với đôla Mỹ. Trong cuộc khủng hoảng này, chỉ có Đức, nền kinh tế lớn nhất EU là được hưởng lợi, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng trưởng mạnh.

8. Người tiêu dùng tăng mua trở lại
2010 là năm các nhà bán lẻ lao đao vì người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tăng cao đột ngột trong mùa mua sắm cuối năm khiến giới phân tích hy vọng vào sức mua trong năm mới. Do đó, CNBC dự báo doanh số bán lẻ năm nay sẽ khá hơn, thậm chí ngày càng phục hồi về mức bình thường trước khủng hoảng.

9. Những sức ép mới lên giới ngân hàng

Nhiều nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Anh đã ráo riết thắt chặt quy định ngân hàng, đi trước cả khi bộ chuẩn mới Basel III đi vào thực thi. Ảnh: CNBC

 

Những quy định mới để nâng cao tính an toàn sẽ kéo giới nhà băng vào một cuộc đua tăng vốn trong năm mới. Trong cuộc đua này, sẽ có không ít kẻ thua cuộc chấp nhận bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khiến nhiều ngân hàng không thu hồi được nợ nần.

10. IPO Trung Quốc hạ nhiệt
Thị trường IPO Trung Quốc sẽ hạ nhiệt sau một năm sôi sùng sục. Nhiều nhà đầu tư từ Mỹ dần bớt mặn mà khi họ nhận ra thị trường này có yếu tố bong bóng.

Theo vnexpress