Những định hướng quan trọng về đường lối chống “giặc nội xâm”

54

Theo nhiều cán bộ, đảng viên, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tác phẩm có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, cả lý luận và thực tiễn về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng.

Định hướng quan trọng về đường lối, lý luận và thực tiễn trong đấu tranh chống “giặc nội xâm” là ý kiến của nhiều cán bộ, đảng viên khi đọc cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ra mắt.

Đặc biệt, trong lực lượng công an nhân dân, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhìn nhận là “cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.

LAN TỎA NIỀM TIN, ĐOÀN KẾT, THỐNG NHẤT TƯ TƯỞNG, HÀNH ĐỘNG

Nêu ý kiến về cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Thiếu tướng, PGS. TS. Đinh Ngọc Hoa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân đã khẳng định đây là tác phẩm có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt cả lý luận và thực tiễn về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Cuốn sách ‘Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 

 

Theo Thiếu tướng Đinh Ngọc Hoa, giá trị tác phẩm có thể khái quát, thể hiện ở nhiều điểm nổi bật. Một trong những điểm đó là tác phẩm đã làm sáng rõ, phong phú, sâu sắc giá trị lý luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Có thể thấy, cuốn sách đã hệ thống hóa sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó làm sáng rõ, phong phú, phát triển về mặt nhận thức lý luận về tham nhũng, tiêu cực, đó là “căn bệnh nguy hiểm”, là “giặc nội xâm”.

Tham nhũng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước, gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang dày công xây dựng.

Thiếu tướng Đinh Ngọc Hoa cho rằng tác phẩm đã lan tỏa niềm tin, sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng, hành động trong thực tiễn. Ngay sau khi được công bố, tác phẩm đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng sâu rộng, sự đón nhận của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, các học giả, nhà khoa học, nghiên cứu lý luận.

Tác phẩm đã luận giải đúng, đi thẳng vào vấn đề phức tạp, gai góc với dẫn chứng sinh động, khoa học; phát triển, làm phong phú thêm lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng vào điều kiện thực tiễn công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng trong sạch vững mạnh.

Cuốn sách thể hiện tư tưởng nhất quán, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những phát triển tư duy lý luận mới về công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đủ sức thuyết phục của Tổng Bí thư.

Những định hướng, giải pháp được rút ra có giá trị thực tiễn thiết thực, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm vững, quán triệt, tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Cuốn sách lan tỏa tinh thần, niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, sự tin tưởng vào trọng trách đứng đầu, nêu gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với quyết tâm: “Phải có cái roi, cái đòn để anh không thể, không dám và không muốn tham nhũng” và “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”; “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”…

Cũng theo Thiếu tướng Đinh Ngọc Hoa, Học viện Chính trị Công an nhân dân là đơn vị có chức năng đào tạo trình độ đại học, sau đại học về công tác Đảng, công tác chính trị và công tác xây dựng lực lượng; trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trọng yếu của ngành, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp của lực lượng Công an nhân dân.

Học viện tập trung quán triệt sâu sắc giá trị lý luận, thực tiễn cuốn sách của Tổng Bí thư, nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên về vị trí, vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới; tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ về công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Học viện Chính trị Công an nhân dân tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh, đi trước một bước gắn với thực hiện Kế hoạch số 118-KH/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

“CẨM NANG” ĐỂ VẬN DỤNG TRONG ĐIỀU TRA TỘI PHẠM THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Nhìn dưới góc độ quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cá nhân Tổng Bí thư tại các hội nghị, phiên họp Ban Chỉ đạo được hệ thống trong cuốn sách, Đại tá Nguyễn Quang Phương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) khẳng định những quan điểm này đã định hướng cho toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp nói chung và cơ quan tư pháp nói riêng, trong đó có cơ quan điều tra nhận thức, nhận diện đúng đắn, là chỗ dựa vững chắc để triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng, qua đó đạt được những kết quả nổi bật trong từng giai đoạn.

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Đại tá Nguyễn Quang Phương cho rằng bên cạnh việc duy trì nhịp độ, khí thế đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Đảng, Ban Chỉ đạo, công tác điều tra án tham nhũng có điểm mới là làm rõ bản chất, yếu tố tư lợi, chiếm đoạt tài sản và tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý nghiêm tội phạm theo đúng tinh thần chỉ đạo: “Không có vùng cấm và không có ngoại lệ”.

Đã chứng minh tham nhũng, tiêu cực vẫn còn rất phức tạp, có sự đan xen giữa khu vực công và tư, có sự cấu kết giữa công chức với doanh nghiệp, lợi dụng chính sách để trục lợi, điển hình vụ là Việt Á, vụ AIC, vụ “chuyến bay giải cứu”… Đồng thời, xử lý triệt để đối tượng phạm tội, kể cả bỏ trốn với tinh thần “trốn cũng không thể thoát tội.”

Từ kết quả điều tra, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực theo định hướng chỉ đạo của Đảng, của Ban Chỉ đạo không những góp phần xử lý nghiêm minh đối tượng phạm tội mà còn có nhiều kiến nghị, đề xuất góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để kịp thời khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế, tài chính, quản lý xã hội, không để các đối tượng lợi dụng phạm tội.

Kết quả đó khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không gây cản trở phát triển kinh tế-xã hội mà góp phần phát triển bền vững hơn, tránh đổ vỡ hệ thống tài chính, chứng khoán, ngân hàng…

“Với những giá trị lý luận và thực tiễn của cuốn sách, nhất là những vấn đề gợi mở, định hướng nhiều giải pháp quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sẽ là tư liệu, “cẩm nang” để vận dụng, thực hiện trong thực tiễn, nhất là công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, tiêu cực của lực lượng Cảnh sát Kinh tế trong thời tới, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Đại tá Nguyễn Quang Phương khẳng định./.

HẠNH QUỲNH (TTXVN)

 

tuyengiao.vn