“TRỒNG NGƯỜI” TRÊN HUYỆN ĐẢO TRƯỜNG SA

87
Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hiện đang có 3 trường tiểu học ở các đảo: Trường Sa, Song Tử Tây và Sinh Tồn. Với tình yêu nghề, yêu trẻ và tinh thần trách nhiệm, những thầy giáo trên các đảo đã thầm lặng cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp “trồng người” trên các đảo xa tiền tiêu của Tổ quốc.
NHỮNG LỚP HỌC “ĐẶC BIỆT” GIỮA TRÙNG KHƠI
Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, với không gian rộng rãi, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang giữa sắc xanh của những cây phong ba, bàng quả vuông… có đầy đủ phòng chức năng như lớp học, thư viện, phòng nghỉ giáo viên… Tuy nhiên, không giống như những trường học khác ở đất liền, ngôi tường này chỉ có một lớp học “đặc biệt” vì số lượng học sinh không đông nhưng lại học ở nhiều trình độ khác nhau, từ mẫu giáo đến lớp 5. Tất cả các em đều do thầy giáo Bành Hữu Tình đảm nhiệm giảng dạy.
Tham dự một giờ học cùng thầy trò Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa mới thấy việc “gieo chữ” nơi đảo xa không hề đơn giản. Sau khi mở đầu buổi học bằng những bài hát về biển, đảo quê hương, thầy Tình bắt đầu hướng dẫn nội dung bài học cho các em học sinh. Hết giảng Toán cho bạn này rồi lại quay sang dạy bạn khác làm Tiếng Việt hay hướng dẫn bạn nhỏ hơn cách tô màu… Có lúc đang dạy các anh chị lớn, thầy lại phải dỗ dành một bé mẫu giáo khóc do chưa quen trường, lớp.
Chia sẻ cùng chúng tôi trong giờ nghỉ giải lao, thầy giáo Bành Hữu Tình tâm sự: Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (Khánh Hòa), tôi có 3 năm dạy học ở một huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, sau đó về dạy học ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Hơn 13 năm giảng dạy trong đất liền, tôi vẫn khao khát được đến với Trường Sa, được mang những kiến thức của mình góp phần vào sự nghiệp “trồng người” nơi đầu sóng, ngọn gió. Ước mơ đó trở thành hiện thực khi cuối năm 2018, tôi được ra Trường Sa và gắn bó với các em nhỏ đến bây giờ.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hiện nay huyện đảo Trường Sa đã có 3 trường tiểu học ở các đảo: Trường Sa, Song Tử Tây và Sinh Tồn. Tại mỗi trường, thường xuyên có từ 1-2 thầy giáo đảm nhiệm công tác giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho các em.
Các em sẽ học ở đảo đến hết lớp 5, sau đó được gửi vào học tiếp tại đất liền. Theo các giáo viên ở Trường Sa, do đặc thù trên đảo học sinh ít, nên phải học ghép với các lớp học “đặc biệt”, học sinh cùng lúc học ở nhiều trình độ khác nhau. Do vậy, thầy giáo phải bố trí “xoay vòng”. Như khi thầy giảng bài cho các anh chị đang học chương trình lớp 4 thì các em khác sẽ tự ôn, hoặc làm bài tập. Đồng thời, giáo viên vừa là người thầy vừa là “bảo mẫu” chăm sóc, dỗ dành, giáo dục các em nhỏ hơn.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, một cư dân của đảo Trường Sa chia sẻ: “Tôi có hai con, cháu gái năm nay 7 tuổi, còn cháu trai hơn 2 tuổi, tất cả đều là học sinh của thầy Tình. Thầy rất trách nhiệm trong dạy dỗ, chăm sóc bọn trẻ. Nhờ đó, vợ chồng tôi yên tâm tham gia các hoạt động sản xuất, huấn luyện trên đảo”.
TẤT CẢ VÌ NHỮNG “CÔNG DÂN NHÍ”
Nói đến sự nghiệp “trồng người” ở huyện đảo Trường Sa chính là nói đến tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh của những người thầy giáo nơi đây. Họ đang ngày đêm thầm lặng, cống hiến tuổi xanh cho Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các “công dân nhí” trên đảo được học tập, vui chơi như các bạn cùng trang lứa trong đất liền. Nhiều người gọi họ là những “giáo viên đa năng”, “bảo mẫu” đặc biệt…
Ra đảo sinh sống cùng bố mẹ từ nhỏ, trẻ em ở Trường Sa ít có điều kiện giao tiếp xã hội như trẻ trong đất liền. Với tình yêu nghề, yêu trẻ, các thầy đã cố gắng cập nhật kiến thức xã hội và chuyên môn nghiệp vụ, từ đó tổ chức giảng dạy dưới nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế ở đảo. Cùng với đó, những giáo viên ở đây đã sáng tạo, tận dụng mọi thứ trên đảo như sách, báo, điện thoại, tivi, các hình ảnh trực quan sinh động… tích hợp vào tiết dạy để nội dung bài học thêm sinh động, tạo tâm lý hứng thú cho các em.
Các buổi ngoại khóa như vui chơi, văn nghệ, thăm chùa, thăm các chú bộ đội, kể chuyện lịch sử… cũng được tổ chức thường xuyên với sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức, lực lượng trên đảo để giúp các em tự tin trong giao tiếp, hình thành kỹ năng làm việc nhóm…
Song song với học chữ, học sinh Trường Sa còn được những người lính Hải quân ở các đảo huấn luyện thể chất như hướng dẫn tập thể dục nâng cao sức khỏe, tổ chức các trò chơi vận động, tham gia một số hoạt động quân sự như chào cờ Tổ quốc trước cột mốc chủ quyền, vui chơi, đón khách từ đất liền ra thăm, hát múa cùng bộ đội ở đảo. Ngoài ra, học sinh và ngư dân cũng thường xuyên được các bác sĩ ở đảo chăm sóc sức khỏe, tổ chức khám định kỳ và đột xuất.
Xa đất liền, xa gia đình và người thân, điều kiện còn nhiều thiếu thốn, song các thầy giáo ở Trường Sa luôn hết mình với việc dạy dỗ, chăm sóc các em học sinh. Với họ, được dạy học ở Trường Sa thực sự là niềm vinh dự, tự hào lớn lao.
Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc ở Trường Tiểu học Song Tử Tây chia sẻ: “Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng, nơi ông cha ta đã phải bỏ biết bao xương máu để giữ gìn, bảo vệ. May mắn khi được giảng dạy cho các học sinh nơi đây, điều tôi gửi gắm trong mỗi bài giảng của mình đó là sau này lớn lên, dù làm gì và ở đâu, các em hãy luôn là những người có ích cho xã hội, tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc và là những tuyên truyền viên về Hoàng Sa, Trường Sa, nơi các em đã từng sinh sống, học tập”.
Theo đồng chí Lương Xuân Giáp, Chủ tịch HĐND huyện Trường Sa, thầy, trò tại các đảo đã luôn chủ động, sáng tạo, tích cực trong dạy và học. Giáo viên tận tình, thực hiện đúng chương trình nội dung, kế hoạch giảng dạy của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phụ huynh phối hợp cùng thầy hỗ trợ con ôn bài tại nhà. Kết thúc năm học, các cháu đều đạt học sinh khá, giỏi và hạnh kiểm tốt. Những năm qua, cả 3 trường Tiểu học Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn đều được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương. Kết quả đó có được là nhờ phần công sức không nhỏ của những người thầy đang ngày đêm nỗ lực “gieo chữ” ở Trường Sa.
Tạm biệt Trường Sa, tạm biệt lớp học “đặc biệt” cùng những thầy giáo đầy tâm huyết, vẫn nghe văng vẳng những vần thơ mộc mạc trong bài “Quê em ở Trường Sa” do các em học sinh ở Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa đọc tặng khi chia tay đoàn công tác: “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển…”.
Quang Đạo (Chinhphu.vn)