Bác sĩ của bản làng

217

Suốt 22 năm qua, bác sĩ Mấu Văn Phi – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Vĩnh miệt mài khám, chữa bệnh giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nghĩa cử của ông không đơn thuần là làm việc thiện, mà xuất phát từ cái tâm với đồng bào, với mong muốn thay đổi nhận thức của người dân trong cách phòng và điều trị bệnh.

Khám bệnh miễn phí

Hơn 10 năm trước, trong một lần công tác ở huyện Khánh Vĩnh, tôi đã được nghe chuyện bác sĩ Mấu Văn Phi (người Raglai) khám bệnh cho người dân không lấy tiền. Hồi đó, ông đang là Phó Chủ tịch UBND huyện. Bây giờ, dù giữ cương vị Bí thư Huyện ủy, ông vẫn khám, chữa bệnh đều đặn cho đồng bào trong huyện.

Bác sĩ Phi chuẩn bị túi thuốc để đi khám bệnh cho người dân.

 

Có mặt tại nhà ông vào một ngày nghỉ cuối tuần, vừa ngồi uống với chúng tôi chén trà, ông nhận được cuộc điện thoại của người nhà ông Pi Năng Thắng (thôn Đa Râm, xã Khánh Thượng). Ngay lập tức, ông xách túi thuốc lên đường. Vượt qua hơn 15km đường đèo dốc, ông đến nhà người bệnh. Ông Pi Năng Thắng (83 tuổi) bị bệnh viêm phổi nặng từ nhiều năm nay. Sau khi thăm khám, bác sĩ Phi đã phát cho ông một số loại thuốc và cẩn thận dặn dò cách dùng. “Tôi đã được bác sĩ Phi khám bệnh từ nhiều năm nay nên mỗi lần đau, tôi lại gọi bác sĩ Phi tới nhà. Bác sĩ Phi là người đồng bào nên hiểu và thương hoàn cảnh của tôi lắm”, ông Pi Năng Thắng nói.

Bác sĩ Phi khám bệnh cho ông Pi Năng Thắng.

 

Rời nhà ông Pi Năng Thắng, bác sĩ Mấu Văn Phi lại tất tả trên chiếc xe máy cũ đến khám bệnh cho bà Phạm Thị Đào (70 tuổi) cùng ở xã Khánh Thượng. Đây cũng là một bệnh nhân lâu năm của bác sĩ Phi. “Đối với người dân nơi đây, bác sĩ Phi vừa là ân nhân, vừa như người thân trong gia đình. Ông chữa bệnh không lấy tiền, nhiều lúc còn tặng gạo, tặng tiền cho những bệnh nhân có hoàn cảnh éo le”, bà Đào cho biết.

Mẹ anh Hà Phước (thôn Gia Rít, xã Giang Ly) thường xuyên ốm đau, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên không phải lúc nào anh cũng có thể đưa mẹ đến các cơ sở y tế được. Từ 10 năm nay, gia đình anh thường xuyên liên hệ bác sĩ Phi đến khám bệnh. Anh chia sẻ: “Nếu bệnh nhẹ, bác sĩ cho thuốc uống, còn bệnh nặng thì liên hệ giúp với cơ sở y tế để đưa người nhà đến chữa bệnh. Bác sĩ Phi khám, chữa bệnh mà không lấy tiền, chúng tôi rất biết ơn bác sĩ”.

Nặng tình với đồng bào

Bác sĩ Mấu Văn Phi chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình có 5 người con, cha mất sớm, một mình mẹ nuôi các anh em ăn học. Sau khi bố tôi mất, hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn lắm. Mẹ không muốn tôi đi học mà ở nhà làm rẫy để phụ giúp nuôi các em. Nhưng nhớ lời bố dặn phải cố gắng học và đi theo ngành y để chữa bệnh cho mọi người; cùng với đó, hàng ngày tận mắt chứng kiến nhiều cảnh đau lòng khi người dân mắc bệnh mà không có bác sĩ chữa chạy, tôi càng quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn”.

Bác sĩ Phi nói cho người dân hiểu về tình hình bệnh tật.

 

Năm 1990, sau khi học hết cấp 3, ông thi đỗ vào Trường Đại học Y Tây Nguyên. Suốt 7 năm theo học, dù được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí, nhưng ông vẫn phải đi làm thêm đủ nghề để có tiền ăn học. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận vào làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh. Lúc mới về công tác, ông thấy phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn giữ nhiều hủ tục, như: Mời thầy cúng về làm phép chữa bệnh; xem bệnh tật là do con ma rừng gây ra… Vì thế, có những loại bệnh sốt rét, tiêu chảy, cảm cúm thông thường, nhưng do không được chữa trị kịp thời đã dẫn tới những trường hợp đau lòng. Vậy nên, hễ nghe thấy ai ốm đau, ông không quản ngại đường xa, đêm tối đến tận nhà khám, chữa bệnh miễn phí. Trong những lúc khám bệnh, ông cũng nói cho đồng bào biết nguyên nhân của bệnh để người dân hiểu. Mưa dầm thấm lâu, thấy ông chữa khỏi bệnh nên đồng bào dần tin tưởng, hễ người nhà bị bệnh lại gọi cho ông chứ không gọi thầy cúng nữa.

Để có kinh phí mua thuốc và phương tiện khám, chữa bệnh cho người dân, ngoài tiền lương, ông còn tranh thủ vận động một số nhà hảo tâm ủng hộ. Đặc biệt, việc làm của ông nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người thân trong gia đình. Bà Cao Thị Hải – vợ bác sĩ Phi chia sẻ: “Lúc mới cưới nhau, điều kiện kinh tế của hai vợ chồng cũng vất vả lắm, nhưng thấy anh làm việc tốt giúp đồng bào nên tôi ủng hộ. Thấy anh yêu nghề, lại nặng tình với đồng bào, tôi cố gắng thay chồng chăm lo việc gia đình để anh yên tâm”.

Khi bước chân vào ngành Y tế, từ thực tế khám, chữa bệnh của mình, ông đã có những đề xuất thiết thực, như: luân phiên đưa bác sĩ về khám, chữa bệnh trực tiếp cho người dân ở những khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện; triển khai thực hiện việc loại trừ dần các dịch bệnh phổ biến trên địa bàn… Để việc khám bệnh cho người dân được tốt hơn, bác sĩ Phi đã sắp xếp thời gian, công việc để theo học chuyên khoa I của Trường Đại học Y Huế. Tấm bằng tốt nghiệp là minh chứng cho sự nỗ lực đó của ông.

Hiện tại, dù không còn công tác trong ngành Y tế, nhưng tình cảm, trách nhiệm của ông đối với tình hình sức khỏe của người dân vẫn nguyên vẹn như ngày đầu. “Mình còn sức khỏe và có điều kiện hơn thì mình đến với đồng bào. Chứ đồng bào bị bệnh làm sao đến với mình được”, ông tâm niệm. Hơn thế nữa, khi giữ cương vị lãnh đạo của huyện, ông càng có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến tình hình y tế nơi đây. Đến nay, điều kiện vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được đầu tư theo hướng ngày càng hiện đại. Đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao trình độ chuyên môn và y đức; hoạt động khám, chữa bệnh từ tuyến huyện đến tuyến xã được nâng lên. Năm 2020, huyện Khánh Vĩnh đạt tỷ lệ 32 giường bệnh, 6,8 bác sĩ, 1,29 dược sĩ/10.000 dân; 100% xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

 

Bác sĩ Mấu Văn Phi từng được Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xã hội, từ thiện.

 

báo Khánh Hòa