Trục kinh tế thế giới đang thay đổi

117
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), 6 nền kinh tế mới nổi là Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Nga, Indonesia và Trung Quốc sẽ chiếm hơn 50% tổng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và sẽ chi phối cơ cấu kinh tế toàn cầu sau năm 2025.
Truc kinh te the gioi dang thay doi

Kinh tế thế giới ngày càng trở nên đa cực rõ nét hơn.

WB cho rằng, nhóm 6 nền kinh tế mới nổi nói trên sẽ tăng trưởng trung bình 4,7% hàng năm từ năm 2011 đến 2025. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển chỉ tăng trung bình 2,3% trong thời kỳ này nhưng vẫn còn vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Riêng tại Mỹ, trong tháng 4 vừa qua, sản lượng chế tạo của nước này giảm lần đầu tiên trong 10 tháng và hoạt động xây dựng nhà ở chậm lại, cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới này có một sự khởi đầu yếu trong quý 2.
Sau 9 tháng tăng liên tiếp, sản lượng chế tạo giảm 0,4% trong tháng 4 do sự gián đoạn nguồn cung linh kiện từ Nhật Bản tác động đến hoạt động sản xuất ôtô. Sản lượng công nghiệp nói chung vẫn ổn định. Nếu không tính đến ôtô và linh kiện, sản lượng chế tạo tăng 0,2%.
Còn theo Bộ Thương mại, lượng nhà xây mới giảm 10,6% trong tháng 4, xuống 523.000 căn. Ước tính, số nhà trên thị trường hiện vào khoảng vào khoảng 8-9 triệu căn. Lĩnh vực này dự kiến sẽ tiếp tục yếu trong 6 tháng tới.
Trong khi đó, do tác động của thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3, Nhật Bản đã rơi trở lại vào suy thoái, khi nền kinh tế sụt giảm quý thứ 2 liên tiếp vào quý 1 vừa qua. GDP 3 tháng đầu năm giảm gần gấp đôi so với dự báo của các nhà kinh tế.
Cụ thể, GDP quý 1 của Nhật Bản giảm 0,9% so với quý trước và sụt 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của thảm họa động đất và sóng thần hôm 11/03. Cả hai số liệu trên đều tệ hơn so với dự báo giảm của giới phân tích trong các cuộc điều tra dư luận trước đó.
Tuy nhiên, WB cho rằng, khu vực đồng tiền chung châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Anh vẫn đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi đã đẩy các trung tâm tăng trưởng kinh tế dịch chuyển giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, mở ra nền kinh tế toàn cầu thực sự đa cực.
Các công ty đa quốc gia của các thị trường mới nổi đang trở thành lực lượng định hình lại công nghiệp toàn cầu. Khi sức mạnh kinh tế chuyển dịch, các nền kinh tế thành công sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng ở các nền kinh tế thu nhập thấp hơn.
WB cũng chỉ ra, một số cực tăng trưởng phụ thuộc xuất khẩu trong khi một số khác lại nhờ nhu cầu tiêu dùng nội địa. Với sự nổi lên của tầng lớp trung lưu và sự chuyển dịch dân số ở nhiều nước Đông Á, xu hướng tiêu dùng mạnh hơn sẽ thắng thế và trở thành nguồn tăng trưởng bền vững.
Giới đầu tư hiện đang đặt câu hỏi về việc liệu thị trường vàng có duy trì được xu hướng tăng giá kéo dài một thập kỷ qua hay không sau khi số liệu mới công bố cho thấy nhà tài phiệt George Soros trong quý 1/2011 đã bán gần như toàn bộ 800 triệu USD đầu tư vào vàng, ngay trước đợt bán tháo vừa qua.
Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối Mỹ, các tên tuổi lớn khác, trong đó có Eric Mindich và Paul Touradji, cũng đang theo chân ông Soros bán ra các khoản đầu tư vào vàng. Wang Tao, nhà phân tích thị trường của Reuters cho rằng, triển vọng ngắn hạn của giá vàng vẫn rất ảm đạm.
Còn Ong Yi Ling, một nhà phân tích của Phillip Futures, giá kim loại này có thể sẽ phải chịu thêm nhiều áp lực hơn nữa nếu giá giảm xuống dưới mức trung bình 1.470 USD/ounce. Tuy nhiên, theo bà, triển vọng dài hạn lại khá sáng sủa và khả năng Hy Lạp phải tái cơ cấu nợ có thể khiến vàng hấp dẫn trở lại.
Theo báo cáo tổng quan thị trường văn phòng khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Colliers International thực hiện vừa được công bố, giá thuê văn phòng tại châu Á vẫn duy trì vững chắc và đạt mức tăng trưởng 1,7% trong quý 1, bất chấp nguồn cung tăng 3 – 4 lần tại tùy khu vực.
Colliers International cho rằng, nhu cầu văn phòng tổng quan khu vực châu Á khá tích cực trong quý 1/2011 nhờ vào khả năng thanh khoản dồi dào. Thị trường được hỗ trợ bởi mức độ tự tin của doanh nghiệp và tỷ số cam kết đa số của một số lượng những chủ đầu tư mới.
Theo ông Mark Lampard, Giám đốc điều hành của bộ phận Giải pháp kinh doanh, Colliers International châu Á Thái Bình Dương với khả năng của những nguồn cung mới, các công ty có lợi thế trong thị trường hiện tại để mở rộng những yêu cầu và nâng cấp chất lượng văn phòng làm việc.
Một số thị trường chứng khoán châu Á có thể đang thu hút sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư tổ chức theo kết quả cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ do Bank of America Merrill Lynch thực hiện. Tuy nhiên, diễn biến chung của các thị trường đều tương đối ảm đạm trong tháng 5.
Lạm phát hiện là một trong những mối lo lắng lớn của nhà đầu tư ở nhiều thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Ngân hàng trung ương các nước này đã liên tục nâng lãi suất để kiểm soát giá cả và ngăn đà lạm phát.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và chính sách tài khóa của Mỹ đã trở thành tâm điểm trong thời gian gần đây và làm lu mờ xu hướng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. Thêm vào đó, chương trình nới lỏng định lượng lần 2 tại Mỹ sắp kết thúc.
Trước bối cảnh này, các nhà quản lý quỹ lại ưa thích các thị trường mới nổi hơn so với các thị trường phát triển. Theo khảo sát, 28% nhà đầu tư tăng tỷ trọng danh mục tại các thị trường mới nổi trong tháng 5, cao hơn so với mức 22% trong tháng 4.
Phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài bốn ngày, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy khẳng định, châu Âu sẽ không để cho đồng Euro sụp đổ và các quốc gia EU cam kết sẽ tiếp tục cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Đây được coi là một động thái nhằm xoa dịu Bắc Kinh trước nỗi lo khủng hoảng nợ tại khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể làm giảm hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu.

Ông Van Rompuy nói, “tất cả các quốc gia EU đang nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách, trong khi các nền kinh tế dễ bị tổn thương đang triển khai nhiều chính sách để thoát khỏi khủng hoảng. Đồng euro sẽ tiếp tục thể hiện vai trò một đồng tiền mạnh và là dự trữ ngoại tệ lớn thứ hai trên thế giới”.
Ông nói thêm, “sự ổn định của Eurozone là mối quan tâm chung của châu Âu và cũng cần nhắc lại là các nền kinh tế đang gặp khó khăn như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha chỉ chiếm tổng cộng 6% GDP Eurozone”.

Viet Bao (Theo VnEconomy)