Kiểm soát tập đoàn: Thủ tướng ‘bớt’ quyền, bộ tăng trách nhiệm

142

Thủ tướng chỉ thực hiện 5 quyền trong số 10 quyền quan trọng đối với các tập đoàn, tổng công ty. Trong khi đó, các bộ ngành lại tăng thêm 7 quyền kiểm soát và giám sát hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Dự thảo Nghị định về thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo để lấy ý kiến các bộ ngành.

Bộ quản lý chuyên ngành có nhiệm vụ cảnh báo Thủ tướng về hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Ảnh: TTXVN.

Theo dự thảo này, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ chịu sự quản lý chặt chẽ hơn trước. Trong đó, việc thành lập mới, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể hoặc phá sản đối với cả doanh nghiệp con là công ty TNHH một thành viên cũng chịu sự quản lý của Nhà nước. Trước đây, quyền kiểm soát với các vấn đề trên chỉ thực hiện với tập đoàn, công ty mẹ. Ngoài ra, Thủ tướng sẽ “rút” bớt quyền quản lý đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Ngược lại, các bộ ngành có liên quan lại được tăng thêm quyền hạn quản lý để việc kiểm soát đối với các doanh nghiệp đang sử dụng vốn nhà nước.

Thủ tướng sẽ chỉ giữ 5 trong số 10 quyền quan trọng đối với các công ty TNHH một thành viên, gồm: Quyền thành lập doanh nghiệp mới, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản; Phê duyệt bổ sung, sửa đổi điều lệ công ty; Quyết định mục tiêu, chiến lược, kế hoạch phát triển đầu tư trong 5 năm; quyết định cơ cấu tổ chức công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm cách chức hoặc khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc hoặc giám đốc doanh nghiệp. Đồng thời, Thủ tướng cũng quyết định mức vốn điều lệ hoặc bổ sung vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của công ty.

Trong khi đó, các bộ chủ quản sẽ được trao thêm quyền kiểm soát như được phép bổ nhiệm hoặc cách chức, khen thưởng đối với các chức danh kiểm soát viên; thay đổi cơ cấu sở hữu làm mất quyền chi phối đối với công ty con có trên 50% vốn góp. Người đứng đầu bộ, ngành cũng được quyền ký quyết định tăng lương đối với các chức danh Chủ tịch hội đồng thành viên, kiểm soát viên và một số chức danh khác….

Ngoài ra, bộ chủ quản cũng chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc kiểm tra, giám sát đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, bộ chủ quản cũng thực hiện chức năng cảnh báo Thủ tướng về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Dự thảo này cũng quy định rõ chức năng nhiệm vụ của từng bộ ngành có liên quan. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm giám sát việc giải thể, chuyển đổi sở hữu, yêu cầu phá sản doanh nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nghề… Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát kết quản sản xuất kinh doanh, vấn đề tài chính, phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ. Đồng thời giám sát việc tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vốn vào các lĩnh vực nóng như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, chuyển dịch vốn. Cơ quan này cũng có nhiệm vụ cảnh báo Thủ tướng về tính hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp…

Như vậy, việc giám sát các hoạt động doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện trên nguyên tắc bộ chủ quan chịu trách nhiệm cao nhất. Các đơn vị khác có liên quan thực hiện việc đánh giá và giám sát trong phạm vi chức năng nhiệm vụ do Chính phủ giao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết điểm khác biệt của dự thảo lần này là bổ sung thêm nghĩa vụ đối với doanh nghiệp sở hữu phần vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác.

Theo Vnexpress