Theo CBS Money Watch, nếu vàng phát huy hết công dụng chống lạm phát của mình thì từ giờ đến cuối năm, giá vàng chắc chắn sẽ leo lên 2.300 USD.
Chuyên gia phân tích của CBS Money Watch giải thích, trong bối cảnh lạm phát leo thang hồi năm 1980, vàng đạt mức giá cao kỷ lục 850 USD một ounce. Nếu tính theo tỷ giá hiện nay, mức giá này sẽ rơi vào khoảng 2.300 USD một ounce.
Như vậy, ngưỡng 1.600 USD một ounce mà vàng đang hướng tới sẽ không thực sự đáng kể. Nói cách khác, vàng có nhiều khả năng tiếp bước để đạt mức 2.300 USD và có thể cao hơn thế bởi xét về tốc độ lạm phát thì tình trạng hiện nay nghiêm trọng hơn thời điểm năm 1980.
CBS Money Watch nhận định, nếu không xét đến yếu tố lạm phát thì vàng vẫn có lý do để tăng giá bởi trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đứng trước nguy cơ lan sang các nền kinh tế lớn thứ 3, thứ 4 của khu vực như Italy, Tây Ban Nha và thậm chí là ra toàn thế giới, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lại tiếp tục “dội” một gáo nước vào niềm tin của giới đầu tư khi cho rằng, kinh tế Mỹ hiện rất yếu ớt.
CBS Money Watch lạc quan về xu hướng tăng giá của vàng.
Theo ông Bernanke, khả năng hồi phục kinh tế Mỹ vẫn khá bấp bênh và cắt giảm mạnh mẽ thâm hụt có thể tác động xấu tới hồi phục. Giới phân tích nhìn nhận tuyên bố tiêu cực về nền kinh tế của lãnh đạo FED này như một cơ sở để giới đầu tư tiếp tục phải tìm đến nơi trú ẩn an toàn như vàng.
Bên cạnh đó, chứng khoán liên tục sụt giảm cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho giá vàng. Từ mức đỉnh 12.811 điểm xác lập hồi cuối tháng 4, tới nay chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ sụt gần 6%. Chỉ số S&P 500 cùng thời kỳ giảm hơn 6,5% từ mức đỉnh 1.364 điểm. Những phiên trượt dài thời gian gần đây của các sàn có lẽ quá đủ để khiến nhà đầu tư gợi lại quá khứ đau buồn về một cuộc khủng hoảng tài chính, từ đó thúc đẩy họ mua vàng nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho dòng tiền.
Chứng khoán ảm đạm khiến giới đầu tư dồn tiền vào vàng.
Hơn nữa, vàng còn được nâng đỡ bởi nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng cao. Các nhà đầu tư cá thể ở các quốc gia từ lâu tích trữ vàng và họ có khả năng sẽ duy trì mua vào một số lượng lớn. Trung Quốc là một ví dụ. Theo hãng tin Reuters, nhu cầu vàng vật chất và đầu tư liên quan tới vàng ở Trung Quốc đang tăng trưởng “bùng nổ”. Tiêu thụ vàng tại Trung Quốc tăng trưởng hai con số trong 10 năm qua và dự kiến tăng 10 – 15% trong năm 2011. Các chuyên gia phân tích ước tính, Trung Quốc có thể vượt qua Ấn Độ trở thành nhà mua vàng lớn nhất thế giới trong năm nay.
Năm 2010, các Ngân hàng Trung ương mua 73 tấn vàng, sau khi bán ròng 34 tấn năm 2009 và 235 tấn trong năm 2008. |
Ngoài ra, xu hướng “gom” vàng của Ngân hàng Trung ương các nước cũng không có dấu hiệu suy giảm. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các Ngân hàng Trung ương đã mua vào lượng vàng nhiều hơn cả năm 2010 bởi tốc độ chuyển đổi nhanh chóng sang hình thức dự trữ ngoại hối được xem là chính thức này.
WGC cho hay, một số Ngân hàng Trung ương vốn là nhà bán ròng kim loại vàng cách đây một thập niên thì giờ trở thành nhà mua ròng. Hội đồng này không đưa ra con số chi tiết nhưng cho biết hiện tượng mua ròng kim loại quý này sẽ còn kéo dài bởi các Ngân hàng Trung ương đang muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD dự trữ vốn đang suy yếu.
“Đây sẽ là dấu hiệu đầy khích lệ cho thị trường vàng”, Juan Carlos Artigas, giám đốc nghiên cứu đầu tư tại WGC nhấn mạnh.
Theo Bích Diệp (Báo Đất Việt)