Đọc sách ở Trường Sa

47

Dẫu còn nhiều khó khăn về các phương tiện thông tin, truyền thông, nhưng ở mỗi đảo trên huyện đảo Trường Sa đều có không gian riêng để mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân đọc sách, báo, nghe thông tin thời sự, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho quân dân nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Sau mỗi giờ luyện tập trên thao trường, tuần tra canh gác trên đảo, chiến sĩ Trần Quang Cường (cụm chiến đấu 2, đảo Trường Sa) lại đến phòng đọc sách của đơn vị để tìm tòi, bổ sung thêm kiến thức. Từng là sinh viên năm thứ nhất của một trường cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng với tình yêu biển đảo, anh đã viết đơn xin đi nghĩa vụ quân sự. Anh chia sẻ, không chỉ riêng anh mà các chiến sĩ khác cùng đơn vị cũng rất ham mê đọc sách. Khi đi làm nhiệm vụ ngoài đảo Trường Sa, điều kiện không thể như ở đất liền, cũng không có Internet, đổi lại đơn vị có một phòng đọc sách khá phong phú với nhiều cuốn sách hay.

Cùng nhau đọc sách.

 

Thượng tá Nguyễn Công Chính – Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết, để nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội, ngoài các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các cụm chiến đấu trên đảo đều xây dựng phòng đọc sách để sau mỗi giờ tập luyện trên thao trường, cán bộ, chiến sĩ có thể thư giãn, tìm tòi học hỏi ở đây. Từ đó, hình thành và lan tỏa văn hóa đọc, giúp bộ đội am hiểu pháp luật, tự trang bị cho bản thân kiến thức về kinh tế, xã hội, văn hóa… Hiện trên đảo Trường Sa có hơn 3.000 đầu sách về các lĩnh vực và một số báo, tạp chí.

Đến các đảo An Bang, Trường Sa Đông, Đá Đông, Đá Tây…, chúng tôi đều thấy có phòng riêng đặt các kệ sách, báo, hoặc các kệ sách đặt tại phòng họp giao ban, phòng truyền thống Hồ Chí Minh của đơn vị. Phong trào đọc sách ở mỗi đảo ngày càng đi vào nề nếp; không chỉ được duy trì trong cán bộ, chiến sĩ mà đã lan tỏa tới các cư dân sinh sống trên đảo. Thiếu tá Nguyễn Hồng Tiến – Chính trị viên đảo Trường Sa Đông cho biết, xây dựng văn hóa đọc cho người lính rất quan trọng, từ việc đọc sách sẽ trang bị cho bộ đội hành trang để khi hoàn thành nghĩa vụ, họ sẽ có được kiến thức hữu ích về đời sống, pháp luật, cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Để kích thích niềm đam mê đọc sách, bên cạnh việc tổ chức đọc báo, điểm báo mỗi ngày, hàng tháng, đơn vị thường tổ chức các buổi sinh hoạt giới thiệu những quyển sách hay, bổ ích, phù hợp với nhận thức, sở thích của mỗi người. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo cùng nhau trao đổi, bình luận về những cuốn sách mình tâm đắc, dần dần lan tỏa và tạo nên phong trào đọc trong đơn vị…

Chiến sĩ cụm chiến đấu 2, đảo Trường Sa say sưa đọc sách.

 

Tìm hiểu được biết, sách ở Trường Sa chủ yếu là nguồn ở trên cấp bổ sung định kỳ và quà tặng của các cơ quan, tổ chức, chính quyền các địa phương gửi tặng. Định kỳ 6 tháng một lần, Phòng Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân sẽ luân chuyển sách ở các điểm đảo với nhau để bộ đội được đọc nhiều loại sách hơn. Những cuốn sách ở Trường Sa được bộ đội, nhân dân nâng niu, trân trọng. Vì thế, tủ sách ở mỗi đơn vị chiến đấu đã trở thành trung tâm kiến thức của lính đảo.

THÀNH NAM – báo Khánh Hòa