Chính phủ quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế

191

Xác định nhiệm vụ hàng đầu là tái cơ cấu nền kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình Quốc hội trong phiên khai mạc sáng nay dự báo nhiều chuyển biến trong hoạt động quản lý và điều hành của Chính phủ trong năm 2012.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/10. Ảnh: VTV
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/10. Ảnh: VTV

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các đại biểu đã nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội 2011, kế hoạch phát triển giai đoạn 2011 – 2015 và riêng cho năm 2012.

Đánh giá về tình hình kinh tế 2011 với nhiều khó khăn, Chính phủ cho rằng điểm nổi bật là những bất ổn đầu năm đã chuyển biến theo hướng tích cực trong những tháng cuối. An sinh xã hội được đảm bảo, nhất là ở vùng nông thôn. Tuy vậy, cơ quan điều hành cho rằng những kết quả đạt được chỉ là bước đầu, chưa đảm bảo tính ổn định, bền vững, nhất là trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp.

Bước sang năm 2012, Chính phủ xác định mục tiêu trọng tâm vẫn sẽ là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Do vậy, cơ quan điều hành cho rằng khẳng định quyết tâm kiểm soát lạm phát ở mức một con số (9 tháng đầu năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 16,63%), GDP 6 – 6,5% (ưu tiên hơn cho phương án 6%), nhập siêu khoảng 11,5 – 12%, bội chi ngân sách khoảng 4,8% GDP và sẽ giảm dần trong những năm sau.

Cũng trong năm 2012, Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu là tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát động phong trào tiết kiệm trong toàn xã hội (cả sản xuất và tiêu dùng) để giảm dần chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư. Song song với đầu tư cho nông nghiệp – nông thôn, cơ quan điều hành cũng cho biết sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, giữ lãi suất ở mức hợp lý…

Một nguyên tắc quan trọng khác cũng được Chính phủ đề cập trong kế hoạch điều hành lần này là phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị sức mua của tiền đồng, tăng dần dự trữ ngoại hối… Việc điều hành giá cũng được nhắc đến với chủ trương sát với thị trường nhưng cần có lộ trình, tránh dồn dập, tạo ra cú sốc về tâm lý.

Riêng với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ xác định 3 khu vực trọng tâm là đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước (tập trung vào các Tập đoàn, Tống công ty) và hệ thống tài chính (tập trung vào ngân hàng).

Về đầu tư, Chính phủ dự kiến tiếp tục thực hiện tinh thần của Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công, giảm vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Riêng với các dự án đang dang dở, không thể tiếp tục bố trí vốn, có thể chuyển sang các hình thức đầu tư khác như PPP, BOT, BT… để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân.

Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ có những thay đổi thực sự về mô hình quản lý và hoạt động kinh doanh khi Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp này chỉ tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, tránh đầu tư dàn trải. Bản thân Chính phủ cũng sẽ có những thay đổi quan trọng về mô hình quản lý cũng như đại diện vốn tại các doanh nghiệp này.

Các doanh nghiệp Nhà nước từ nay cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc công khai kết quả hoạt động kinh doanh, đồng thời được đặt ở vị thế bình đẳng như bất cứ doanh nghiệp nào khác trong nền kinh tế.

Đối với hệ thống ngân hàng, Thủ tướng khẳng định sẽ tiến hành cải tổ theo hướng tăng hợp lý về quy mô, giảm nhanh về số lượng ngân hàng yếu kém, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu và an toàn hệ thống. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ có cơ chế để các ngân hàng có khả năng có thể phát triển mạnh, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2015, bất chấp những khó khăn trước mắt, Chính phủ dự kiến vẫn đặt mục tiêu tăng GDP khoảng 6,5 – 7%. Tuy thấp hơn mục tiêu mà Đại hội XI của Đảng đề ra (7-7,5%) nhưng so với 2 phương án trình Thường vụ Quốc hội đầu tháng 10, cơ quan điều hành vẫn kiên định chọn mục tiêu cao hơn.

Với mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, theo tính toán của Chính phủ, đến năm 2015, quy mô GDP của Việt Nam theo giá thực tế sẽ đạt 4,5 – 4,6 triệu tỷ đồng (180 – 184 tỷ USD), tương đương 49 – 50 triệu đồng cho mỗi người dân trong một năm.

Để thực hiện mục tiêu này, 3 nhiệm vụ hàng đầu được Chính phủ đề ra là kiềm chế lạm phát – ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu và phát triển các lĩnh vực của nền kinh tế (theo hướng hiện đại hóa nông – lâm – ngư nghiệp và công nghiệp). Cùng với đó là nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, tăng cường tiềm lực quốc phòng…

Theo Vnexpress