Thủ tướng: ‘Ngân hàng đừng để Chính phủ lo lắng nhiều’

188

Ghi nhận ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa hoàn toàn yên tâm về an toàn và hiệu quả trong hoạt động ngân hàng.Ngành ngân hàng tổ chức hội nghị tổng kết sớm hơn mọi năm và được Thủ tướng đặc biệt quan tâm, tới dự. Ông dành hơn một tiếng cuối buổi tổng kết sáng 17/12 để đánh giá về tình hình vĩ mô và góp ý thẳng thắn với Ngân hàng Nhà nước cũng như hệ thống ngân hàng thương mại, sau khi lắng nghe phần trình bày của Thống đốc Nguyễn Văn Bình cùng lãnh đạo 3 ngân hàng lớn nhất hệ thống (BIDV, Vietcombank và Vietinbank).

Thống đốc Bình nhìn nhận kinh tế tăng trưởng 6% và lạm phát giữ 18% có đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng, các ngân hàng đã phải thắt lưng buộc bụng hy sinh cho mục tiêu chung. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận nỗ lực này và khẳng định ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những mặt chưa được, cần rút kinh nghiệm trong điều hành chính sách tiền tệ, quản lý nhà nước với các ngân hàng cũng như hoạt động của toàn hệ thống.

“Thực hiện chính sách tiền tệ năm qua có nhiều điều cần rút kinh nghiệm, thực tế có những khó khăn nảy sinh do chính quá trình điều hành chính sách tiền tệ. Quản lý nhà nước cũng có nhiều hạn chế yếu kém”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong báo cáo tổng kết năm, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận công tác chỉ đạo, điều hành của mình năm qua cũng có một số điểm chưa hợp lý, nhất là việc áp dụng chung tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống, gây khó cho ngân hàng lành mạnh, mà lại không hạn chế được những ngân hàng cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà thậm chí cho rằng các biện pháp mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước những tháng đầu năm đã được thực hiện quá mạnh và dồn dập, gây khó khăn cho thị trường.

“Trong khi đưa ra nhiều chỉ đạo cứng rắn như siết trần lãi suất huy động, hạn chế tăng trưởng tín dụng, nhưng kỷ cương, kỷ luật thực hiện không nghiêm, khiến những cái không bình thường lại trở thành bình thường, cạnh tranh không lành mạnh và rủi ro cho toàn hệ thống”, ông Hà nói.

Ông dẫn chứng nhiều ngân hàng lách trần lãi suất 14% khiến các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh phải chịu nhiều thiệt thòi. Tính tới tháng 8, BIDV đã bị rút hơn 17.000 tỷ đồng do lãi suất kém cạnh tranh. Chủ tịch BIDV cũng chỉ ra tình trạng lách giới hạn tăng trưởng tín dụng bằng các nghiệp vụ ủy thác đầu tư, làm xiếc bản cân đối kế toán.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “3 năm nay lúc nào tôi cũng nơm nớp lo sợ đổ vỡ ngân hàng”. Ảnh: Nhật Minh

Ghi nhận những điều lãnh đạo BIDV nói, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tỏ ra không hài lòng về tinh thần thượng tôn pháp luật trong hệ thống ngân hàng. Không dưới 3 lần ông nhắc nhở về tình trạng một số ngân hàng lạm dụng chức năng huy động vốn từ dân cư để rồi cho vay đầu tư nội bộ, dù quy định hiện hành nghiêm cấm điều này.

“Các anh chị thành lập ngân hàng, vốn tự có chỉ là một đồng, pháp luật cho phép huy động 10 đồng để phục vụ sản xuất kinh doanh của toàn xã hội. Nhưng có những ngân hàng cho vay nội bộ tới một phần tư, một phần ba thậm chí một nửa số vốn huy động từ dân cư. Như vậy còn vốn đâu cho xã hội nữa và an toàn làm sao được. Các anh chị không thể lấy tiền huy động của toàn xã hội để cho nhà mình vay hết, để đầu tư cho các dự án của chính mình”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng khuyến cáo các ngân hàng không nên chạy theo lợi nhuận của riêng mình mà làm trái quy định, cần có trách nhiệm hơn với chính mình và với cả xã hội. Theo ông, nợ xấu gia tăng và mất thanh khoản tạm thời chỉ là hiện tượng xảy ra ở một bộ phận không lớn, nhưng đã đe dọa ổn định của toàn hệ thống ngân hàng.

Thủ tướng cũng phê phán tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và thiếu tinh thần hợp tác trong hệ thống ngân hàng. Ông thậm chí còn nhắc đi nhắc lại cụm từ “chặt chém lẫn nhau” khi đề cập tới chuyện các ngân hàng cho vay lẫn nhau với lãi suất tới 40% một năm.

“Đặc điểm của người Việt Nam mình là đùm bọc, chia sẻ với nhau, cùng hội cùng thuyền. Trong lúc khó khăn không hỗ trợ được thì thôi sao phải chặt chém nhau dữ vậy”, Thủ tướng nói.

Trên thực tế, thị trường tiền tệ những tháng gần đây bớt biến động hơn, kỷ cương kỷ luật bước đầu tái lập với việc trần lãi suất huy động được tuân thủ tốt hơn, các chiêu lách tăng trưởng tín dụng đã được hạn chế tối đa.

Tuy nhiên, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cảnh báo nạn lách trần lãi suất huy động có dấu hiệu tái xuất từ nửa đầu tháng 12. Bản thân BIDV gần đây phải chia tay một khách hàng có dư nợ tiền gửi hàng trăm tỷ đồng vì không thể đáp ứng yêu cầu lãi suất 16% một năm.

Theo Thủ tướng, năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời phải rà soát lại toàn bộ thể chế, hệ thống các quy định pháp luật, không để những sơ hở về thể chế dẫn tới yếu kém và mất thanh khoản của hệ thống. Ông nhấn mạnh, tình trạng cho vay cổ đông nội bộ, nợ xấu gia tăng, mất thanh khoản tạm thời ở một số ngân hàng là do lỗi của chính các ngân hàng đó, nhưng cũng có phần trách nhiệm của quản lý nhà nước. Khâu thanh tra giám sát, theo Thủ tướng cần tăng cường hiệu quả hơn, đảm bảo các ngân hàng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và có thể cảnh báo sớm các rủi ro tiềm tàng.

Nhiệm vụ của cả nước năm 2012 vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 10% và Chính phủ phấn đấu điều hành để giữ khoảng 9%. Vì vậy Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng cũng phải tham gia kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước đề ra mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm tới 15-17% nhưng Thủ tướng cho rằng con số hợp lý nên là 15%.

“Lạm phát có giảm được hay không là do các đồng chí. Lạm phát có nguồn gốc từ tiền tệ, giảm được lạm phát hay không là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu toàn ngành ngân hàng phải giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông, đây là yêu cầu hợp quy luật chứ không phải mệnh lệnh hành chính, bởi lạm phát có xu hướng giảm dần.

“Ngân hàng hoạt động phải lo hiệu quả kinh doanh của mình nhưng cũng cần có trách nhiệm hỗ trợ nền kinh tế, khi kinh tế phát triển thì bản thân ngân hàng cũng hưởng lợi. Nếu bây giờ doanh nghiệp đổ vỡ hàng loạt thì không chỉ doanh nghiệp đó thiệt hại mà ngân hàng là nơi hứng chịu đầu tiên”, Thủ tướng nói.

Một nhiệm vụ khác rất quan trọng với ngành ngân hàng, theo Thủ tướng, là phải có chiến lược phù hợp để tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, nâng cao hiệu quả và an toàn trong hoạt động, đồng thời phát triển phù hợp với nhu cầu đa dạng của nền kinh tế. Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục tình trạng nợ xấu, đặc biệt ở những ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ, để không còn những ngân hàng mà ngày nào cũng gây ra nỗi nơm nớp lo sợ mất thanh khoản, đổ vỡ.

Theo Thủ tướng, mọi ngân hàng thương mại cần tái cơ cấu, tự mình kiện toàn chính mình và không làm khó cho hệ thống.

“Nói thật 3 năm nay lúc nào tôi cũng lo ngân hàng đổ vỡ, mất thanh khoản. Tôi đã phải bỏ dở một cuộc họp quan trọng để ngồi nghe phương án hợp nhất 3 ngân hàng vừa rồi. Các anh đừng để Chính phủ phải lo lắng nhiều, để Chính phủ còn dành thời gian quan tâm tới những công việc quan trọng khác”, Thủ tướng nói.

Song Linh

Theo Vnexpress