Trang chủ Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Đắp bồi sức đề kháng cho bộ đội Trường Sa – Tưới...

Đắp bồi sức đề kháng cho bộ đội Trường Sa – Tưới trồng “mầm” cống hiến

65

Để cán bộ, chiến sĩ Trường Sa có bản lĩnh chính trị vững vàng, an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trên những điểm đảo đã tiến hành tốt các khâu, các bước của công tác tư tưởng, tập trung xây dựng môi trường sống, công tác lành mạnh. Đó chính là cách tưới trồng “mầm” cống hiến cho bộ đội Trường Sa.

Tầm soát… biểu hiện lạ

Chúng tôi thật sự xúc động khi được cầm trên tay quyển sổ “Tâm tình đồng đội”-nơi lưu giữ những chuyện vui buồn của các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Lật giở từng trang giấy, chúng tôi bắt gặp những dòng chữ nắn nót của Binh nhất Cao Hoàng Đông, chiến sĩ cụm số 2, đảo Trường Sa: “Vừa mới đây thôi còn là tân binh cầm súng chưa quen tay, giờ đã trở thành người lính nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Thật tự hào khi bố tôi từng là người lính đảo Trường Sa. Tôi như được tiếp thêm động lực, tự nhủ phải cố gắng, vượt qua khó khăn, hoàn thành nghĩa vụ Tổ quốc giao phó”. Theo Đại úy Lý Quý Cường, Chính trị viên cụm số 2, đảo Trường Sa, sổ “Tâm tình đồng đội” là không gian tinh thần sống động, giúp chiến sĩ giãi bày tâm tư, nguyện vọng; đồng thời giúp cán bộ quản lý nắm, hiểu hơn về đời sống tinh thần của bộ đội.

Cùng với cách làm trên, các đơn vị còn chủ động nắm tư tưởng bộ đội thông qua nhiều kênh, nhiều cách khác nhau. Trong đó, phát huy vai trò “tổ 3 người” để phát hiện, giải quyết các biểu hiện lạ là cách làm mang lại hiệu quả thiết thực. Ví như trường hợp chiến sĩ Phạm Thành Lộc, quê ở Bình Dương, lúc mới ra đảo nhận nhiệm vụ có biểu hiện buồn chán, ngại lao động, thường vi phạm chế độ, nền nếp sinh hoạt. Phát huy vai trò “tổ 3 người”, các thành viên biết được chuyện bố mẹ Lộc vừa mới ly hôn. Từ thông tin đó, cán bộ đơn vị đã nhiều lần hội ý để tìm hướng giải quyết, giúp đỡ Lộc tháo gỡ những vướng mắc tư tưởng, tâm lý.

Tiết mục văn nghệ của cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa. 

 

Vào các giờ tăng gia sản xuất, cán bộ đơn vị trực tiếp trò chuyện giúp chiến sĩ Lộc từng bước hiểu ra: Đồng chí, đồng đội xung quanh mình đều có những hoàn cảnh khó khăn và nỗi khổ riêng tư. Thậm chí có đồng chí bố, mẹ hoặc người thân mất nhưng không thể về chịu tang vì phải thực hiện nhiệm vụ Tổ quốc giao phó. Hơn thế, so với nhiều anh em trong đơn vị, Lộc còn có bà, có mẹ để chăm sóc nên cần phải quyết tâm rèn luyện để gia đình tự hào, hãnh diện vì mình. Nhờ đó, sau một thời gian ngắn, Lộc chững chạc trông thấy và là một trong những chiến sĩ đạt kết quả giỏi trong nhiều khoa mục huấn luyện.

Hay như trường hợp Binh nhất Lê Văn Kiệt, quê ở Ninh Thuận. Vốn là người dân tộc Ra Glai, quen cuộc sống núi rừng nên khi ra biển, đảo, Kiệt không quen thời tiết, thường bỏ bữa ăn, hay ốm vặt, quên tập bài. Những lúc ấy, cán bộ chỉ huy cụm số 2 thường xuyên gặp gỡ, tạo điều kiện cho Kiệt được gọi điện thoại chuyện trò với gia đình, động viên Kiệt tập luyện thể dục, thể thao hằng ngày. Vừa gần gũi, sẻ chia, vừa uốn nắn, luyện rèn, qua thời gian, Kiệt tiến bộ trông thấy, hòa nhập với môi trường hoạt động quân sự nơi biển, đảo.

Theo nhiều cán bộ quản lý bộ đội ở Trường Sa, thực hiện đúng, đủ quy trình công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội bao gồm các khâu: Dự báo, nắm, quản lý, định hướng, giải quyết tư tưởng. Đây là quy trình cơ bản, tuy nhiên, tiến hành công tác tư tưởng ở biển, đảo có đặc thù và khó khăn, phức tạp riêng nên phải có cách làm sáng tạo, linh hoạt, gắn với từng đối tượng cán bộ, chiến sĩ. Điều quan trọng nhất là phải phân loại tư tưởng bộ đội, phát huy vai trò tổ tư vấn, quan tâm những trường hợp đặc biệt để kèm cặp; đồng thời tạo bầu không khí gần gũi, đoàn kết, lạc quan trong tập thể quân nhân. Nhờ những giải pháp đó, chỉ sau một thời gian ngắn có mặt trên các điểm đảo, cán bộ, chiến sĩ đã nhanh chóng thích nghi với môi trường đặc thù sóng gió; 100% chiến sĩ có ý thức, trách nhiệm và động cơ đúng đắn trong rèn luyện, phấn đấu, chấp hành tốt kỷ luật; kết quả kiểm tra các nội dung hằng năm đều có 100% đạt yêu cầu, 80% khá, giỏi trở lên, đơn vị an toàn tuyệt đối.

Khơi bầu không khí lạc quan

Đời sống văn hóa tinh thần là yếu tố đặc biệt tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, tư tưởng bộ đội. Đến với quần đảo Trường Sa, chúng tôi có thêm những hình dung mới về công tác chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội. Dẫu không náo nhiệt nhưng bằng chính hoạt động đặc thù, bổ ích đã bồi đắp thêm niềm tin, lý tưởng cách mạng cho bộ đội.

Điều khiến chúng tôi bất ngờ khi đến thăm đảo Đá Đông, đó là trong khuôn viên khá chật hẹp nhưng đảo vẫn có phòng tập thể hình với hệ thống thiết bị khá hiện đại. Trung úy Nguyễn Hữu Đạt, Chính trị viên đảo Đá Đông C tâm sự: “Tuy không có khuôn viên rộng rãi, bốn bề là sóng nước nhưng với hệ thống thiết bị luyện tập này, bộ đội nâng cao được sức khỏe, tinh thần thêm lạc quan”.

Hoạt động trong ngày nghỉ, giờ nghỉ của Bộ đội Trường Sa. 

 

Có mặt tại đảo Trường Sa vào một chiều muộn, những giai điệu da diết từ tiếng đàn guitar của các chiến sĩ trẻ hòa trong tiếng sóng biển khiến nhiều người rưng rưng. Hỏi ra mới biết đó là ca khúc mới mà một chiến sĩ trẻ Đội văn nghệ xung kích đảo Trường Sa sáng tác, rồi chuyền tay nhau. Đại úy Đỗ Xuân Thanh, Chính trị viên cụm số 3, đảo Trường Sa cho biết: “Bộ đội không chỉ cần khỏe về thể chất mà quan trọng hơn là tinh thần phải khỏe khoắn. Đơn vị thường tổ chức các chương trình văn hóa-văn nghệ, thi đấu thể thao. Qua đó giúp cán bộ, chiến sĩ giao lưu, chia sẻ khó khăn, truyền thụ kinh nghiệm, thêm an tâm, gắn bó với đơn vị”.

Khảo sát trên các đảo Trường Sa, Trường Sa Đông, An Bang, Đá Đông… chúng tôi nhận thấy, hoạt động ngày nghỉ, giờ nghỉ của các đơn vị khá phong phú, đa dạng, tổ chức nhiều trò chơi tập thể sát với đặc thù đời sống, sinh hoạt của bộ đội. Ví như ở đảo Đá Đông C, đơn vị nuôi được nhiều chó nên tổ chức trò chơi thi chó chạy, chó của ai về nhất người đó được thưởng quyển sổ tay. Hay ở đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ thi trang trí hoa ốc biển, thi hát karaoke, thi bịt mắt đập lon. Đảo An Bang tổ chức hái hoa dân chủ, thi trồng cây xanh… Ở mỗi điểm đảo đều có góc riêng đặt các tủ sách, báo cho bộ đội đọc, học. Bộ đội Trường Sa cũng luôn quan tâm tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp… Nhờ xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, môi trường sống lành mạnh nên trong mọi hoàn cảnh, Bộ đội Trường Sa vẫn luôn có bản lĩnh vững vàng, có nỗ lực lớn, quyết tâm cao, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

 

Phạm Kiên (qdnd.vn)