Sân khấu giữa trùng khơi

95

Đến với Trường Sa, Nhà giàn DK1 trong những ngày tháng 5, chúng tôi được tận mắt chứng kiến sức sống mãnh liệt ở nơi đầu sóng ngọn gió. Dẫu còn không ít khó khăn, nhưng nơi ấy vẫn vang lên những lời ca, tiếng hát vui tươi để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi người…

Biểu diễn văn nghệ tại đảo Cô Lin

 

Đến với Trường Sa, các tiết mục văn nghệ dành tặng cán bộ, chiến sĩ là món quà tinh thần không thể thiếu của mỗi đoàn công tác. Tham gia Đoàn công tác số 8 đến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 mới đây, ngoài sự góp mặt của các thành viên Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, nhiều đại biểu đã đóng góp các tiết mục văn nghệ để động viên, cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Tại buổi giao lưu văn nghệ của đoàn với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thị trấn Trường Sa, tiết mục “Bức tranh thổ cẩm” do chị Trần Thị Bích Cảnh (Đoàn công tác tỉnh Sơn La) thể hiện đã để lại ấn tượng mạnh. “Thông thường, tiết mục này được các nghệ sĩ biểu diễn múa tập thể, nhưng tôi đã chuyển sang múa đơn. Khi tham gia biểu diễn, tôi đã cố gắng thể hiện được vẻ đẹp của phụ nữ Thái và bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Dù chỉ tập luyện ít thời gian song tôi rất hạnh phúc khi nhận được sự cổ vũ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân”, chị Cảnh tâm sự.

Chị Trần Thị Bích Cảnh biểu diễn điệu múa Thái “Bức tranh thổ cẩm”.

 

Sự góp mặt của các nghệ sĩ đến từ Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng luôn khiến không khí của các buổi giao lưu trở nên sôi động, náo nhiệt lạ thường. Các chiến sĩ trẻ hòa mình cùng âm nhạc làm dịu đi cái nóng oi ả ngay trong những ngày hè. Trong chuyến hải trình, điểm đến cuối cùng của chúng tôi là Nhà giàn DK1/7. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, những con sóng cao từ 2,5 đến 3,5m đã khiến đoàn công tác không thể đặt chân lên nhà giàn. Do vậy, những lời ca, tiếng hát của các nghệ sĩ tặng cán bộ, chiến sĩ được thể hiện theo cách đặc biệt. Đó là hệ thống liên lạc VHF trên Tàu Trường Sa 571 được kết nối với Nhà giàn DK1/7. Không thể thả neo, Tàu Trường Sa 571 phải đi vòng quanh nhà giàn. Thông qua hệ thống VHF, các đại biểu đã ân cần gửi lời thăm hỏi, động viên đến cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại nhà giàn.

Vượt qua những con sóng bạc đầu, từ cabin Tàu Trường Sa 571, tiếng hát của các nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cất lên khiến ai cũng bồi hồi, xúc động. Sân khấu của những nghệ sĩ chỉ là thiết bị bộ đàm và ống nghe hệ thống liên lạc VHF. Trên boong Tàu Trường Sa 571, chúng tôi hướng về những người lính nhà giàn bồng súng hiên ngang giữa biển trời lộng gió. Trong khoảnh khắc ấy, ca sĩ Hải Lý (Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng) đã xúc động hát bài “Gần lắm Trường Sa”. Lời bài hát như nói hộ tình cảm của chúng tôi và đồng bào cả nước luôn hướng về vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lần đầu tiên đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1/7, ca sĩ Xuân Hân (Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng) đã không thể kìm được những giọt nước mắt khi trình bày bài hát “Quê hương tình yêu và tuổi trẻ”. “Được tận mắt chứng kiến những người lính làm nhiệm vụ tại đây, tôi mới thấy mình cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể góp một phần sức lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ca sĩ Xuân Hân chia sẻ cảm xúc sau khi cất tiếng hát tại sân khấu đặc biệt này. Tuy không thể đặt chân lên Nhà giàn DK1/7, không được trao cho nhau những cái bắt tay động viên, thế nhưng trái tim của chúng tôi đều hướng về cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại nhà giàn.

Qua hệ thống VHF, Thiếu tá Nguyễn Văn Đông – Chính trị viên Nhà giàn DK1/7 xúc động nói, thời gian qua, đồng bào cả nước luôn quan tâm, động viên, tạo mọi điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn yên tâm công tác. Với quyết tâm còn người còn nhà giàn, những lời ca, tiếng hát sẽ tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ trong sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

THÀNH LONG – báo Khánh Hòa