‘2012 vẫn là năm khó khăn của ngân hàng’

116

Nợ xấu tăng cao, nỗi lo thanh khoản cùng với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nhất là tái cơ cấu ngành ngân hàng đang trong giai đoạn bước đầu… khiến các nhà băng tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2012.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á dự báo, năm 2012 sẽ tiếp tục khó khăn, thách thức hơn cả 2011. Bởi theo ông, đó là năm mà quá trình tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ đang ở bước đầu, còn trên thế giới thì khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn đang diễn ra.

Nợ xấu cũng là một mối lo cho các nhà băng trong năm 2012. Ảnh: Lệ Chi

Trong bối cảnh đó, mục tiêu hoạt động của ngành ngân hàng 2012 theo định hướng của Chính phủ vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. “Như vậy, lãi suất, tăng trưởng tín dụng …tiếp tục là một bài toán khó giải cho các ngân hàng trong kỳ kinh doanh của năm nay”, ông Bình nói.

Trước những khó khăn trên, vị tổng giám đốc này cho biết, 2012 DongA Bank sẽ lấy việc tăng vốn là ưu tiên hàng đầu để tiếp tục gia tăng năng lực tài chính và khẳng định vị trí dẫn đầu về công nghệ ngân hàng. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng đặt mục tiêu đưa tổng tài sản năm 2012 lên 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 1.650 tỷ đồng.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông Trịnh Văn Tuấn nhận định, tình hình hoạt động cũng như sự phát triển của ngành tài chính – ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Vì là năm đầu thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc ngành ngân hàng cho nên ông đánh giá 2012 vẫn là một năm không dễ dàng đối với các nhà băng.

Theo ông Tuấn, ổn định thì mới có thể phát triển; còn khi bất ổn, các tổ chức đều phải tập trung vào việc đảm bảo thanh khoản, duy trì hoạt động được an toàn. Và như thế, các cổ đông khó có thể đặt kỳ vọng cao vào cỗ máy sinh lời hiệu quả.

Trong khi đó, một chuyên gia là thành viên trong Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhìn nhận, việc sử dụng mệnh lệnh hành chính để buộc các ngân hàng chỉ được huy động với lãi suất không vượt quá trần hiện nay chỉ là giải pháp mang tính tình thế, không mang tính thị tường. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần thiết phải sử dụng giải pháp mạnh tay đó để đạt được những mục tiêu về kinh tế lớn hơn.

Theo đó, ông này cho rằng đây sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các ngân hàng tiếp tục gặp khó trong việc thu hút tiền gửi bằng Việt Nam đồng trong năm 2012. Thêm vào đó, chính sách tiền tệ thận trọng cũng khiến nguồn cung tiền ra thị trường hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến thanh khoản của các nhà băng.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng chỉ ra nhiều bất cập của hệ thống ngân hàng đã được bộc lộ trong thời gian qua như thanh khoản yếu kém cùng với tình hình nợ xấu cao. “Nợ nhóm 2 hiện đang có xu hướng gia tăng, nếu các khách hàng tiếp tục chậm trả nợ đối với nhà băng sẽ khiến cho ngân hàng buộc phải chuyển nhóm nợ. Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ trích dự phòng sẽ gia tăng và lợi nhuận nhà băng sẽ giảm xuống”, ông nói.

Ngân hàng ANZ cũng cho biết, các số liệu kinh tế đầu năm 2012 cho thấy nền kinh tế vẫn tiếp tục xu hướng phát triển chậm với chỉ số lạm phát giảm một cách rõ ràng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt đầu mong muốn giảm lãi suất. Tuy nhiên, nhà băng này cho rằng, trước tiên Ngân hàng Nhà nước nên đánh giá những áp lực giá cả do tác động của Tết; và nếu việc nới lỏng được đảm bảo, nên cẩn trọng để có thể đạt được các mục tiêu đề ra…

Còn theo báo cáo về kinh tế vĩ mô châu Á quý I năm 2012 của khối nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC, tới cuối năm nay, lạm phát được dự báo sẽ giảm xuống còn một chữ số nhờ vào tác động mạnh của hiệu ứng cơ sở. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, do đó nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất quy định từ 14% xuống 13% trong quý I/2012 và sau đó tiếp tục giảm còn 9% vào cuối năm 2012.

 

Thanh Lê

Theo Vnexpress