‘Nhiều dự án casino gặp vướng mắc về pháp lý’

165

Khẳng định việc cho mở casino là cần thiết nhằm phát triển các trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam nhưng theo Chủ tịch VCCI – Vũ Tiến Lộc, hoạt động này đang được cơ quan quản lý giám sát một cách thận trọng.

Gọi vốn và cho phép casino hoạt động tại Việt Nam là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt trong giới đầu tư. Gần đây, khi Tập đoàn Lasvegas Sand của Mỹ dự định đầu tư tới 6 tỷ USD vào Việt Nam nhưng với điều kiện phải cho người Việt được vào chơi thì chủ đề này càng thêm nóng.

Bên cạnh đó, chủ đề về casino cũng dành được mối quan tâm lớn trong hội nghị xúc tiến đầu tư 2012 vừa diễn ra tại Quảng Ninh tuần trước. Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Vũ Tiến Lộc cho biết việc phát triển loại hình du lịch, kết hợp với vui chơi có thưởng mà cụ thể là casino không phải là vấn đề xa lạ đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch VCCI - Vũ Tiến Lộc cho rằng vướng mắc lớn nhất của kinh doanh casino ở Việt Nam là vấn đề nhận thức và hành lang pháp lý. Ảnh: Nhật Minh
Chủ tịch VCCI – Vũ Tiến Lộc cho rằng vướng mắc lớn nhất của kinh doanh casino ở Việt Nam là vấn đề nhận thức và hành lang pháp lý. Ảnh: Nhật Minh

Theo ông Lộc, trong khu vực Đông Á hiện có trên 200 điểm casino được cấp phép hoạt động. Ngay tại một quốc gia láng giềng của Việt Nam là Campuchia hiện cũng có 14 điểm. “Thực tế đã cho thấy việc cho phép casino hoạt động đã mang lại những lợi ích tích cực về mặt kinh tế, chẳng hạn như Las Vegas đã biến vùng sa mạc phía Tây Nam nước Mỹ thành những đô thị sầm uất, mang về mỗi năm hàng chục tỷ USD”, ông Lộc cho biết.

Trước thực tế đó, Chủ tịch VCCI cho rằng trong năm tới, Việt Nam cần phát triển một số trung tâm du lịch – giải trí phức hợp (trong đó có casino) có quy mô quốc tế. Tuy vậy, với tư cách là nước đi sau, Việt Nam cần có những bước đi thận trọng, có lợi nhất, đồng thời tránh được tối đa những tác động xấu đến xã hội.

Chưa kể dự án tại Vân Đồn (Quảng Ninh), ông Lộc cho biết hiện Việt Nam đã cấp phép cho một số khu liên hợp giải trí – trò chơi có thưởng với quy mô khác nhau như tại Phú Quốc, New City (Phú Yên), Silver Shores, Furama (Đà Nẵng), Nam Hội An, Hoàng Đồng (Lạng Sơn), Hồ Tràm, Saigon Atlantic (Vũng Tàu)… Tuy vậy, tất cả các dự án này đều đang gặp nhiều vướng mắc vì chưa có một thể chế pháp lý đầy đủ cho hoạt động casino.

Cũng theo thông tin từ Chủ tịch VCCI, hiện Bộ Tài chính đã xây dựng và đang trong quá trình lấy ý kiến về quy chế quản lý kinh doanh trò chơi có thưởng. Theo đó, hoạt động này sẽ được xếp vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được hoạt động ở loại hình đã đăng ký… Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ có chế tài phù hợp để đảm bảo khách quan, trung thực và quyền lợi giữa các bên.

“Tôi cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay khi cho phép casino hoạt động là nhận thức của xã hội và hành lang pháp lý. Tuy vậy, nếu làm tốt thì lợi ích kinh tế mang lại sẽ không chỉ riêng cho casino mà cho cả ngành du lịch”, ông Lộc nhận định.

Chủ tịch GM Hong Kong. Ảnh: Nhật Minh
Chủ tịch GM Hong Kong – Tetsu Asano cho rằng lợi ích mà kinh doanh casino mang lại nhiều hơn những điểm tiêu cực. Ảnh: Nhật Minh

Chia sẽ quan điểm với đại diện VCCI, ông Tetsu Asano – Chủ tịch GM Hong Kong (tập đoàn đang đầu tư vào nhiều dự án casino tại Việt Nam) cho rằng có bài học thành công của các quốc gia trên thế giới khi cho phép kinh doanh trò chơi có thưởng. Chẳng hạn như việc người dân tại Macao (Trung Quốc) được hưởng nhiều phúc lợi từ nguồn thu tại casino, hay đóng góp của các sòng bạc vào GDP của Singapore tăng mạnh chỉ sau 2 năm mở cửa (theo AFP, 2 casino tại Sentosa và Marina Bay đóng góp 14,7% GDP cho Singapore trong năm 2010).

“Nói một cách công bằng thì việc mở cửa sòng bạc chắc chắn sẽ tác động đến xã hội. Tuy nhiên, so với những yếu tố tiêu cực, thì tích cực rõ ràng sẽ nhiều hơn”, ông Tetsu Ano chia sẻ.

Nhật Minh

Theo Vnexpress