Chưa kịp mừng vì lãi suất hạ, giá xăng đã tăng 10%, kéo theo mối lo nhiều mặt hàng “tát nước theo mưa”. Giới chuyên gia lo ngại khả năng đạt mục tiêu lạm phát một con số sẽ rất khó.
Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường và Giá cả, (Bộ Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh giá cả thế giới leo thang, 70% xăng dầu trong nước phụ thuộc nhập khẩu, thì tăng giá bán lẻ là điều tất yếu. Tuy nhiên, với mức tăng tới 10%, khả năng lạm phát tăng là điều khó tránh.
Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng thiết yếu như sữa, gas đã có mức tăng mạnh. Chưa đầy 3 tháng, gas đã có 4 lần được điều chỉnh. Cuối tháng 2, với lý do tác động tỷ giá và chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhãn sữa bột đã tăng phổ biến 10-20%. Mặt bằng giá mới được thiết lập, chưa kịp định thần thì nhiều người dân đã bất ngờ khi thấy giá xăng dầu đồng loạt tăng 600 – 2.100 đồng một lít. Sau lần điều chỉnh 5% vào cuối năm 2011, giá điện cũng đang rập rình biến động.
Ông Long phân tích, CPI tháng 3 được tính toán đến 15 hằng tháng, trong khi giá xăng dầu được điều chỉnh từ 7/3, nên chỉ số giá tháng 3 sẽ bị ảnh hưởng. Chuyên gia này nhớ lại, thời điểm tháng 7/2008, giá xăng tăng đến 4.500 đồng mỗi lít, CPI lên gần 23%. Tháng 2/2011, xăng tăng 2.900 đồng thì lạm phát cả năm cũng hơn 18%. “Mức tăng 2.100 đồng cho mỗi lít xăng vừa qua sẽ tác động không nhỏ đến lạm phát”, ông Long thẳng thắn.
Giá xăng tăng 2.100 đồng mỗi lít từ chiều qua. Ảnh: Tuệ Minh. |
Chính phủ đặt ra mục tiêu lạm phát năm 2012 là dưới một con số, tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm con số này đã là 2,36%, như vậy, áp lực 10 tháng còn lại không vượt quá ngưỡng 6,64%. “Áp lực này là rất lớn trong bối cảnh giá xăng, dầu, gas và sắp tới là điện có khả năng tăng”, ông Long dự báo.
Bộ Tài chính cho rằng, nếu tính đủ thì giá bán xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng khoảng từ 4.200 đồng đến 6.500 đồng mỗi lít tùy theo từng chủng loại. Mức tăng 600- 2.100 đồng mới chỉ bằng từ 12,56% đến 40,95% mức đáng ra phải điều chỉnh theo quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tổng số tiền giảm thu Ngân sách Nhà nước do thuế nhập khẩu thấp hơn so với Barem quy định để giữ bình ổn giá xăng dầu trong năm 2011 ước khoảng 20.000 tỷ đồng; trong 2 tháng đầu năm 2012 ước khoảng 3.900 tỷ đồng.
Theo tính toán của tổ điều hành liên bộ, việc tăng giá xăng ngày 7/3 sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng cả năm 0,85%, trong trường hợp giữ giá đến hết năm. Cụ thể, vòng 1 trực tiếp 0,24%; vòng 2: tác động đến các ngành sử dụng xăng dầu 0,61%.
Tuy nhiên, giới chuyên gia phản biện, con số này chưa chính xác bởi thực tế đây mới chỉ xét về mặt lý thuyết. Tác động xăng dầu đối với CPI còn căn cứ vào giá cả nhiều mặt hàng và các thông số đầu vào cơ bản. “Nếu dựa vào những bài học tăng giá xăng dầu trước đó thì rõ ràng CPI sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn”, một chuyên gia về tài chính cho hay.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, xăng dầu tăng khoảng 10% là quá cao. Thêm vào đó, Bộ Tài chính chưa công khai các phương án tăng giá xăng dầu cho người dân hiểu nên rất “khó thuyết phục”.
Mới đây, Bộ Công Thương cho biết, giá cả một số mặt hàng trên thế giới tăng đã tác động đến việc một số mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam giảm cả về lượng và giá trị. Cụ thể, giá xăng dầu tăng 18,5% thì lượng nhập khẩu nhập giảm 31,7%, kim ngạch giảm 19%.
Bà Lan cho rằng, trong bối cảnh giá cả xăng dầu leo thang, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu thì chuyện xăng dầu nội địa tăng là điều khó tránh khỏi. Nhưng trường hợp ngược lại, trong khi giá cả thế giới biến động, doanh nghiệp giảm nhập khẩu gây sức ép để đòi tăng giá là bất hợp lý. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn công khai minh bạch thông tin và thẳng thắn đối thoại với người dân về việc điều chỉnh giá xăng dầu.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lo ngại, mức tăng cao này sẽ tác động tâm lý rất lớn đến người dân. Bởi xăng, dầu là một trong những nguyên liệu đầu vào cơ bản của nhiều ngành, khi mặt hàng này biến động sẽ kéo nhiều thứ tăng theo. Chỉ sau khi giá xăng dầu tăng 1 ngày, cước vận tải đã rậm rịch tăng 5-10%, nhiều hãng taxi cũng cho biết sẽ tăng cước khoảng 5% trong một tuần nữa. Do đó, theo ông Doanh cần có một lộ trình tăng giá dần dần để tránh gây sốc cho thị trường.
Ông Doanh nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn một loạt bất ổn như mối lo lạm phát, bội chi ngân sách lớn, lãi suất cao, Chính phủ phải hết sức thận trọng trong việc điều hành kinh tế để kiềm chế lạm phát. Mối lo ngại về kịch bản lạm phát năm 2011 đang tái hiện với đầu năm giá cả ồ ạt tăng để rồi cuối năm chật vật kiềm chế.
Vị chuyên gia này phân tích, có thể lấy Singapore làm bài học. Giá xăng dầu tại Singapore tăng chóng mặt nhưng lạm phát của quốc đảo sư tử này chỉ ở mức trên 3%. Trong khi đó lạm phát năm 2011 của Việt Nam lên tới hơn 18%. “Điều quan trọng nhất là phải xem lại vai trò của chính sách tiền tệ, thay vì lấy việc tăng giá xăng hay điện. Bởi khi giá xăng điện tăng sẽ kéo theo nhiều mặt hàng ‘tát nước theo mưa'”, ông Doanh lo ngại.
Hoàng Lan