VNPT quyết sáp nhập MobiFone – VinaPhone

160

Theo đề án mới về tái cơ cấu VNPT, chỉ còn một phương án sáp nhập MobiFone và VinaPhone chứ không có lựa chọn khác. Tuy nhiên, việc sáp nhập vướng rào cản pháp lý và trái chiến lược phát triển ngành.

Ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thông tin, trong đề án tái cấu trúc mới trình Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT sẽ tiến hành sáp nhập MobiFone và VinaPhone làm một. Theo đó, 2 mạng di động này sẽ sử dụng chung hệ thống hạ tầng. Về phía người tiêu dùng, đầu số di động của khách hàng vẫn được giữ nguyên.

Ảnh: X.N
Đề án sáp nhập MobiFone và VinaPhone đang được trình Bộ Thông tin Truyền thông và Chính phủ xem xét. Ảnh: X.N

Nguồn tin từ tập đoàn VNPT cho biết thêm, hiện chưa có kết luận chính thức về việc sáp nhập MobiFone và VinaPhone. “Chúng tôi đã trình đề án lên Bộ Thông tin và Truyền thông. Dù tiến hành theo phương án nào, quyền lợi của tất cả thuê bao thuộc 2 nhà mạng này vẫn được đảm bảo”, ông khẳng định.

Đồng ý kiến như vậy, một lãnh đạo cấp cao của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đề án sáp nhập của VNPT sẽ được trình lên Chính phủ xem xét. Kết luận cuối cùng phải chờ ý kiến của Thủ tướng.

Trước đó, đề án sáp nhập 2 mạng di động của VNPT đã nhận được không ít ý kiến trái chiều của các chuyên gia. Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, để phát triển bền vững và hiệu quả, mỗi thị trường viễn thông quan trọng như di động, Internet băng rộng… phải có ít nhất 3 doanh nghiệp có thị phần tương đồng để tạo thành thế chân vạc, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Điều này đồng nhất với dự thảo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020.

Theo Sách Trắng Công nghệ thông tin năm 2011 trong thị trường di động, Viettel chiếm 36,72% thị phần, MobiFone chiếm 29,11% và VinaPhone chiếm 28,71% thị phần. Các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm hơn 5% thị phần. Như vậy, nếu VNPT thực hiện sáp nhập MobiFone – VinaPhone, thị trường chỉ còn 2 doanh nghiệp lớn nắm giữ đến 95% thị phần và trái với quy hoạch phát triển của ngành viễn thông. Thêm vào đó, thị trường thông tin di động lại quay trở về thời kỳ độc quyền.

Chưa hết, hồi tháng 4/2011, Chính phủ đã ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông. Theo đó, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ.

Trao đổi với VnExpress.net, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho hay việc sáp nhập, thâu tóm, giải thể, tham gia thị trường, cạnh tranh là bình thường trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vấn đề sáp nhập MobiFone và VinaPhone vào thời điểm này cần xem xét kỹ trên 2 khía cạnh.

“Một là liên quan đến môi trường cạnh tranh và pháp lý về vấn đề cạnh tranh, nhất là khi ông chủ của các doanh nghiệp này cơ bản đều là nhà nước. Hai là hiện nay, Nhà nước đang thực thi quyết liệt cải cách doanh nghiệp, các tập đoàn. Sáp nhập phải đảm bảo hiệu quả và góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng”, ông Thành nói.

Trước quy định một tổ chức không được sở hữu đồng thời quá 20% ở 2 mạng di động, hồi tháng 6/2011, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam đã đề xuất 3 phương án tái cấu trúc. Đó là sáp nhập VinaPhone và MobiFone; cổ phần hóa một trong hai mạng di động trên hoặc cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn. Tuy nhiên, sau khi chỉnh sửa, tập đoàn này chỉ trình duy nhất một phương án là sáp nhập MobiFone vào VinaPhone.

Trả lời báo chí chiều ngày 20/3 về thông tin sáp nhập VinaPhone -MobiFone, ông Lê Nam Thắng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông cho biết, lãnh đạo Bộ và Ban Cán sự Đảng Bộ chưa xem xét và cho ý kiến bất cứ phương án nào của VNPT.

Ông Lê Nam Thắng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao nhiệm vụ chỉ đạo tái cơ cấu VNPT nói riêng, các doanh nghiệp viễn thông nói chung. Bộ xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phải làm thật chặt chẽ vì có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đến người lao động và người sử dụng dịch vụ viễn thông. Do vậy các đề án tái cấu trúc nói chung phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, theo đúng quy trình. Sau khi có ý kiến của các đơn vị tham mưu, giúp việc, Bộ sẽ xem xét, quyết định và trình Chính phủ phương án cuối cùng.

Về việc tái cơ cấu tập đoàn VNPT và các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, ông Lê Nam Thắng đưa ra 3 tiêu chí. Thứ nhất, việc cơ cấu phải đảm bảo doanh nghiệp viễn thông hoạt động hiệu quả hơn, có năng suất hơn, khả năng cạnh tranh cao hơn. Thứ hai là việc tái cấu trúc không chỉ mang lại lợi ích riêng cho doanh nghiệp, cụ thể ở đây là VNPT, mà phải đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững hơn, cạnh tranh thật lành mạnh. Thứ ba là quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước phải bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp đó vẫn hoạt động ổn định và không ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, VNPT có thể đưa ra rất nhiều các phương án, song đều phải đảm bảo 3 tiêu chí nêu trên và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Xuân Ngọc

Theo Vnexpress