Quốc hội bàn chuyện tái cơ cấu nền kinh tế

142

Đề án tái cơ cấu tổng thể do Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo sẽ lần đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội “mổ xẻ” trong phiên làm việc sáng nay (19/4).

Với độ dài hơn 32 trang, đề án Tái cơ cấu nền kinh tế được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư thực hiện với mục tiêu chính là làm rõ những quan điểm, định hướng và giải pháp chủ yếu để thực hiện cơ cấu lại các ngành sản xuất – dịch vụ điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế trong giai đoạn từ nay đến 2020.

Đề án tái cơ cấu nền kinh tế sẽ lần đầu tiên được mổ xẻ. Ảnh: TheDiplomat

Đề án tái cơ cấu nền kinh tế sẽ lần đầu tiên được mổ xẻ.

Ảnh: TheDiplomat

Đề án được xây dựng với 4 phần, đi từ việc đánh giá những thành tựu, yếu kém cơ bản của kinh tế Việt Nam, tới việc xác định các mục tiêu tổng quát, hệ thống các giải pháp và tổ chức thực hiện, cơ quan soạn thảo nêu rõ quan điểm tái cơ cấu “vừa tuần tự tiệm tiến, vừa tăng tốc đột phá”. Theo đó, các ngành kinh tế có công nghệ cơ bản ít thay đổi sẽ được tái cơ cấu bài bản, vững chắc, trong khi chủ trương tăng tốc, đột phá sẽ được áp dụng đối với các ngành có công nghệ thay đổi nhanh.

Đề án cũng xuất hiện nhiều điểm đáng chú ý như chỉ ra 7 nhóm ngành được ưu tiên phát triển trong trung và dài hạn, cùng với các ngành có ưu thế truyền thống, thâm dụng lao động mà trước mắt vẫn cần chú trọng. Cơ quan soạn thảo cũng làm rõ một số tư tưởng như vai trò của Nhà nước và thị trường trong việc đầu tư, dẫn dắt nền kinh tế, tư tưởng cơ bản về việc điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm phục vụ tái cơ cấu…

Trao đổi với báo chí trước thềm phiên họp của Thường vụ Quốc hội, một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết mong muốn trên hết của cơ quan soạn thảo khi thực hiện đề án là tìm được sự đồng thuận chung, từ đó tiếp tục thảo luận, tìm ra những giải pháp căn cơ nhất để tái cơ cấu kinh tế. Trong khi đó, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, một trong những người chắp bút cho đề án, lại kỳ vọng đề án sẽ mang lại những định hướng lớn để Việt Nam có thể tiến hành một cách cơ bản quá trình tái cơ cấu kinh tế

“Kết quả của tái cơ cấu kinh tế là hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn”, ông Cung cho biết.

Trao đổi với VnExpress.net, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cơ quan trực tiếp thẩm tra, cho rằng cái được lớn nhất mà dự thảo đề án mang lại là lần đầu tiên khái quát được một cách đầy đủ những điểm mạnh – yếu của kinh tế Việt Nam, và bước đầu đề ra được các giải pháp tái cơ cấu.

Tuy vậy, với quan điểm cá nhân, Tiến sĩ Kiên cho rằng dự thảo đề án phần nào chưa đáp ứng được kỳ vọng về một công trình có khả năng làm “xương sống” cho quá trình cải cách kinh tế. Được coi là một sản phẩm nhằm cụ thể hóa các quan điểm về kinh tế trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI nhưng nhiều tư tưởng trong đề án lại có phần “dưới tầm” hoặc “lệch pha” so với quan điểm của Đại hội Đảng.

Một ví dụ được Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đưa ra chính là việc lựa chọn một số nhóm ngành ưu tiên: “Theo Nghị quyết Đại hội Đảng, những ngành như luyện kim hay đóng tàu không được đưa ở vị trí số một. Nhưng tại đề án lần này, những ngành ấy lại giữ vị trí hàng đầu”. Theo Tiến sĩ Kiên, chính những “điểm gợn” này cần được phân tích mổ xẻ tại Quốc hội để hoàn thiện trước khi thông qua và đưa đề án vào thực thi.

Tính bức thiết của một đề án tái cấu trúc nền kinh tế được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra từ các kỳ họp cuối năm 2008, đầu năm 2009 – ngay khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra. Chính phủ sau đó đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì xây dựng và báo cáo nhưng suốt nhiều kỳ họp sau đó của Quốc hội, đề án này vẫn chưa thể hoàn thành bất chấp nhiều lần “đòi nợ” gắt gao của các đại biểu.

Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII, diễn ra cuối năm ngoái, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hứa trước Quốc hội về việc trình đề án tổng thể nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với mô hình tăng trưởng tại kỳ họp sau. Dự thảo đề án này vừa được Bộ Kế hoạch & Đầu tư hoàn thành vào ngày 28/3 vừa qua, sẽ được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi đưa ra thảo luận rộng rãi tại nghị trường trong kỳ họp tới.

Nhật Minh

Theo Vnexpress