Doanh nhân Việt muốn khai thác sự nổi tiếng của Buford

132

Phạm Đình Nguyên, chủ mới của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ dự định khai thác sự nổi tiếng của Buford cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

– Công việc đầu tiên của ông khi trở thành chủ mới thị trấn Buford?

– Tôi phải ký hợp đồng mới với hàng loạt các đơn vị cung cấp dịch vụ như bảo hiểm, chống trộm, báo cháy, điện thoại, điện nước… Hợp đồng mới có hiệu lực ngay ngày 7/5 (ngày chuyển đổi sở hữu từ chủ cũ sang chủ mới) để không bị gián đoạn.

Ngoài ra, để tiếp tục có thu nhập từ việc cho thuê dựng hệ thống ăng ten điện thoại và chỗ để hộp thư Cục bưu chính Mỹ, tôi cũng phải thông báo và ký lại hợp đồng. Từ dịch vụ cho thuê này, mỗi tháng tôi có thêm thu nhập cố định 1.200 USD.

Ngay khi thắng cuộc đấu giá, cô Rosie Weston, (đại diện cho bên mua là tôi) đã gặp một số công ty tư vấn để thay mặt chủ thị trấn mới làm tiếp các thủ tục liên quan đến pháp lý. Tôi đã ký hợp đồng với công ty luật Hirst Applegate, LLP để lo tất cả các vấn đề pháp lý. Preferred Management – công ty chuyên về quản lý tài sản sẽ thay mặt tôi kiểm tra, xúc tiến sửa chữa điện nước, hệ thống sưởi, cháy nổ, chống trộm… Họ cũng là người quản lý tất cả nguồn thu chi liên quan đến thị trấn.

* Hình ảnh mới về thị trấn Buford do người Việt sở hữu

Với việc chuyển giao sở hữu thị trấn, ông Phạm Đình Nguyên chính thức trở thành tân thị trưởng Buford của Mỹ. Ảnh do ông Nguyên cung cấp.
Với việc chuyển giao sở hữu thị trấn, ông Phạm Đình Nguyên chính thức trở thành tân thị trưởng Buford của Mỹ. Ảnh do ông Nguyên cung cấp.

– Ông lấy nguồn tiền từ đâu để thanh toán cho việc mua thị trấn Buford khi không chuyển được từ Việt Nam sang?

– Khó khăn lớn nhất là việc huy động tiền vay từ anh em, bạn bè, người thân ở Mỹ. Tuy nhiên, việc này đã được giải quyết trước khi tham gia đấu giá. Sau đó thì tôi không gặp khó khăn gì nữa. Tất cả tiền đều chuyển từ trong nước Mỹ.

Khó khăn bây giờ là tôi phải kiếm tiền trả nợ. Nói chung, vì tiền vay từ bạn bè người thân theo kiểu “tình thương mến thương”, lãi suất thấp, trả trong vòng 5-10 năm, nên tôi không bị nhiều sức ép như vay ngân hàng.

– Ông đang ở Việt Nam, làm thế nào để quản lý thị trấn Mỹ?

– Việc này lúc đầu tưởng phức tạp nhưng ở Mỹ lại đơn giản, vì đã có những công ty quản lý tài sản như Preferred Management mà tôi đã thuê. Họ thay mặt cho chủ nhà giải quyết hết mọi vấn đề liên quan đến tài sản. Mọi chi phí đều có hóa đơn rõ ràng; và ở Mỹ, hoàn toàn không có chuyện “kê” lên thêm. Nghe “quản lý tài sản” thì to tát nhưng chi phí hàng tháng cũng chỉ 400-500 USD.

– Kế hoạch tương lai của ông với Buford?

– Mọi ý định, kế hoạch của chúng tôi đang ở dạng mở. Tôi đang thiên về hướng khai thác giá trị nổi tiếng của Buford để quảng bá cho những thương hiệu hiện có của công ty tôi tại Việt Nam. Đồng thời, tôi đang phát triển một số thương hiệu mới gắn kết với Buford, cho những sản phẩm có thể tiếp cận các thị trường ngoài Việt Nam. Điều này hoàn toàn khả thi với danh tiếng của Buford.

– Cơ hội kinh doanh với thị trấn Buford nằm ở đâu?

– Cơ hội liên quan đến thị trấn Buford thì nhiều nhưng không hẳn là phải “bằng da bằng thịt” theo kiểu mở một nhà hàng, xây một nhà nghỉ qua đêm dạng model, hoặc kinh doanh một trạm dừng chân cho xe tải (truck stop) mà một vài người đã từng nói khi thấy tôi thắng đấu giá… Nó nằm ở việc khai thác thương hiệu Buford và những giá trị vô hình của thị trấn này.

Điều tưởng bất lợi nhất cho Buford như thị trấn chỉ có một người, chỉ bằng cái lỗ mũi (4 hecta), nằm ở “chỗ khỉ ho cò gáy” – lại là điều làm nên danh tiếng của Buford. Tất cả những tờ báo lớn, truyền hình đều đưa tin về sự kiện đấu giá này. Nếu không vì “nhỏ nhất nước Mỹ’ thì truyền thông của Mỹ và quốc tế chẳng tốn chi giấy mực.

– Việc sở hữu thị trấn Mỹ ảnh hưởng như thế nào đến kinh doanh của ông tại Việt Nam?

– Tôi nghĩ rất là tích cực. Tự nhiên tôi trở thành nổi tiếng. Có nhiều bậc đàn anh cũng như anh em bạn bè lâu không gặp, họ gọi điện chúc mừng. Thậm chí có người còn tạo điều kiện hỗ trợ cho công ty của tôi làm phân phối. Có khi tôi đi vào siêu thị, cả những cô bán hàng và khách hàng còn chỉ trỏ: “Ông này mua thị trấn Mỹ nè! Nhìn ổng trẻ hơn là nhìn trên báo!”

Mua thị trấn Buford cũng giúp cho việc kinh doanh của công ty tôi tại Việt Nam thêm thuận lợi, đặc biệt là giai đoạn thiết lập mối quan hệ. Trước đây, khi tôi gặp gỡ giới thiệu về công ty cũng như đặt vấn đề làm phân phối, phát triển thị trường, rất khó. Bây giờ, chưa biết như thế nào nhưng khi đề nghị thì nhiều người cũng sẵn lòng muốn gặp “Thị trưởng Buford”.

Tất nhiên cũng có những lời xầm xì, dè bỉu theo kiểu “chơi trội đây” hay “đánh bóng tên tuổi đó mà”, thậm chí còn thẳng thừng “khùng hết chỗ nói”. Tôi nghĩ, mọi người đều có quan điểm cá nhân của mình. Tôi tôn trọng ý kiến cá nhân đó.

– Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết công ty của ông cho đến nay chưa đăng ký chức năng xuất khẩu hay xúc tiến thương mại. Nếu muốn dùng Buford làm bàn đạp đưa hàng ra nước ngoài thì phải kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu. Ông bình luận gì về điều này?

– Như tôi nói, việc mua Buford là quyết định mang tính cá nhân, hoàn toàn không liên quan gì đến công ty mà tôi làm tổng giám đốc. Vì vậy, chúng tôi chưa cần đăng ký kinh doanh xuất khẩu hay xúc tiến thương mại. Cho đến lúc này, Buford cũng chỉ mang tính chất sở hữu cá nhân mà thôi. Đến khi có những kế hoạch cụ thể cho công ty, chúng tôi sẽ xúc tiến giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp lý, thủ tục.

Buford là thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ chỉ có một công dân và một trạm xăng, cửa hàng, ngôi nhà bé. Thị trấn được bán đấu giá hồi đầu tháng 4, thắng đấu giá 900.000 USD là một doanh nhân Việt – ông Phạm Đình Nguyên, Tổng giám đốc Công ty phân phối IDS.

 

Phan Anh

Theo Vnexpress