‘Trung Quốc đang thử thách ý chí các nước ASEAN’

178

“Gây ra tranh chấp bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đang đi nước cờ thử thách ý chí các quốc gia ASEAN, chính sách của Mỹ. Nếu họ thành công, những bước khác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục phân tích.

Từ đầu năm 2012 tới nay, Trung Quốc đã có một loạt các động thái trên khắp các mặt trận khác nhau liên quan tới ý đồ độc chiếm Biển Đông, hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”. Tôi không lấy làm lạ về điều này bởi đây là việc Trung Quốc áp dụng từ lâu. Thậm chí, nước này có lúc đã dùng tới lực lượng vũ trang để đánh chiếm, tranh giành lãnh thổ như đánh vào quần đảo Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa vào 1988…

Nhưng điều đáng ngạc nhiên lần này, là việc Trung Quốc chọn thời điểm, vị trí để gây hấn – bãi cạn Scarborough (nơi mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham còn Philippines gọi là Panatag Shoals ). Tôi cho rằng, đây là một nước đi trong ván cờ đầy toan tính để Trung Quốc đi đến mục tiêu của mình. Tôi xin phân tích thêm về vị trí của khu vực này như thế nào để mọi người hiểu thêm về lý lẽ về việc chứng minh chủ quyền của đôi bên.

Bãi cạn Scarborough được Trung Quốc coi là một bộ phận của quần đảo Trung Sa – một trong 4 quần đảo ở Biển Đông được Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình gồm: Tây Sa, Đông Sa, Trung Sa và Nam Sa – theo cách gọi của Trung Quốc). Theo lý lẽ của nước này, Hoàng Nham là một bộ phận của Trung Sa, tức là một bộ phận của lãnh thổ được Trung Quốc tuyên bố từ lâu và đặt tên cho nó. Trung Quốc lập luận bãi cạn thuộc lãnh thổ mình như cách họ lập luận với Tây Sa và Nam Sa (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Trong bối cảnh đang có tranh chấp chủ quyền bãi đá Scarborough/Hoàng Nham với Philippines, Trung Quốc hôm 18/4 điều tàu Ngư Chính 310 tới tăng cường tuần tra quanh khu vực này. Trong ảnh là tàu Ngư Chính 310 hoạt động gần bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Ảnh: Nddaily.

Vậy, xét về mặt địa chất và địa lý, liệu có đúng đây là một bộ phận của “Trung Sa”? Thực chất, nơi mà Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa cũng là một bãi ngầm, phương Tây gọi là bãi ngầm san hô Macclesfield (Macclesfield Bank). Đây không phải là quần đảo đúng nghĩa như quy định trong Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).

Trong khi đó, Scarborough cũng chỉ là một vành đai san hô đặc trưng của Biển Đông, cũng như Thái Bình Dương. Vị trí của nó nằm giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon (Philippines). Khi thủy triều lên thì bãi này hầu như bị ngập và triều xuống thì có một vài điểm nổi lên. Vì vậy, theo quy định của UNCLOS 1982 thì đây chỉ là bãi cạn, vành đai san hô chứ không phải là các đảo, chứ chưa nói có thuộc Trung Sa hay không.

Vì thế, chỉ có thể coi đây là một bộ phận của thềm lục địa của quốc gia liên quan, tương tự như các bãi cạn thuộc thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippinnes mà hiện đang có các công trình, thiết bị nhân tạo được xây dựng để phục vụ cho việc thăm dò nghiên cứu và khai thác tài nguyên thềm lục địa và vùng đặc quyền về kinh tế của các quốc gia này.

Còn xét về mặt pháp lý, mọi người đều đã quá quen với luận điểm “chủ quyền lịch sử không thể tranh cãi” của Trung Quốc đối với “Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa, Đông Sa” ở giữa Biển Đông, bởi vì người Trung Quốc “đã phát hiện, khám phá, khai khẩn” các quần đảo này từ hàng ngàn năm nay.

Tất nhiên, việc chứng minh ai đúng ai sai, đúng đến mức độ nào thì hãy cứ đưa ra cơ quan tài phán quốc tế như Tòa án luật biển (ITLOS). Philippines cũng đã đề nghị Trung Quốc điều này song Trung Quốc không đồng ý.

Vấn đề đáng chú ý ở đây là tại sao vào thời điểm này Trung Quốc lại chọn vị trí này để tiến hành tranh chấp với Philippinnes, quốc gia có Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, phải chăng Trung Quốc muốn thử thách thái độ của Mỹ?

Thực chất, điều mà ai cũng phải thừa nhận là Trung Quốc coi lực lượng đáng ngại nhất tại vùng biển phía Tây Thái Bình Dương là lực lượng quân sự của Mỹ. Trung Quốc luôn không muốn quốc tế hóa, không muốn các nước lớn can thiệp vào các diễn biến ở Biển Đông. Một điều rõ ràng là trước đây, khi thực hiện các hành động quân sự ở Biển Đông, Trung Quốc đều tính đến yếu tố Mỹ và họ đã thành công khi Mỹ không quan tâm hay không can thiệp vào.

Vì thế, có thể nói, đây là nước cờ mạo hiểm, phải chăng Trung Quốc muốn thăm dò xem trong hình hình hiện nay (khi lực lượng quân đội Mỹ – vốn đang bị phân tán ở nhiều điểm nóng khắp thế giới, đồng thời kinh tế Mỹ có nhiều vấn đề) thì liệu Mỹ có thể can thiệp nếu xảy ra xung đột?

Ngoài ra, ở đây còn một điều khiến tôi băn khoăn. Trung Quốc luôn không muốn các nước lớn can thiệp nhưng việc Trung Quốc hành động như thời gian vừa qua lại đang tạo cơ hội cho các nước lớn “nhảy vào” Biển Đông. Đây cũng là điều mâu thuẫn với quan điểm từ trước tới nay của Trung Quốc.

Có thể thấy, ý đồ của Trung Quốc cho tới nay còn nhiều điểm chưa bộc lộ hết. Tuy nhiên, điều rõ ràng và dễ thấy rằng, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ chiến lược tìm mọi cách hiện thực hóa tham vọng đường lưỡi bò, chiếm 80% diện tích Biển Đông. Gây ra tranh chấp bãi Scarborough vào thời điểm này chính là Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện bước đi khó nhất trong chiến lược hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò”.

Trung Quốc đang đi nước cờ thử thách ý chí các quốc gia ASEAN, quyết tâm của Mỹ. Nếu họ hành công, những bước khác sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Vậy trong hoàn cảnh hiện nay ASEAN cần làm gì? Điều đáng lo ngại là phản ứng của ASEAN cho tới thời điểm này mờ nhạt quá, thậm chí đang có sự im lặng, ngoại trừ Việt Nam có tuyên bố mang tính nguyên tắc về vụ việc tại bãi cạn Scarborough. Tất nhiên, chúng ta cần hiểu và thông cảm cho những mối quan hệ phức tạp về lợi ích trong quan hệ kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự giữa các nước với Trung Quốc.

Theo tiến sĩ Trần Công Trục, ASEAN cần có tiếng nói đủ mạnh để tránh tổn thất lợi ích chính đáng của mình. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Tuy nhiên, nếu sự im lặng vẫn tiếp diễn thì chắc chắn Trung Quốc sẽ càng mạnh dạn hơn trong các bước đi của mình. Lợi ích chính đáng của khối ASEAN vì thế sẽ bị tổn thất. Nếu tiếng nói, hành xử của ASEAN không đủ mạnh và nếu Trung Quốc thành công trong vụ này thì chuyện xảy ra khi Trung Quốc tiếp tục nhảy vào tranh chấp ở các khu vực khác là điều dễ nhìn thấy trước. Và khi đó, sự can thiệp của các nước lớn vào khu vực sẽ càng sâu hơn, an ninh khu vực vì thế chắc chắn sẽ càng phức tạp.

Tôi cho rằng, trong tình thế hiện nay, ASEAN cần phải có tiếng nói, không chỉ về nguyên tắc mà phải xuất phát từ chân lý, từ cơ sở khoa học khách quan, cơ sở pháp lý để ủng hộ cái đúng, bác bỏ cái sai, bác bỏ ý đồ không căn cứ vào cơ sở khoa học cũng như luật pháp quốc tế và những thỏa thuận đã đạt được giữa các nước có liên quan trong khu vực.

Hơn nữa, nếu ASEAN muốn tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế thì chính ASEAN phải có tiếng nói, bởi nếu các quốc gia có lợi ích trực tiếp mà không lên tiếng thì làm sao quốc tế có thể giúp đỡ?

Vệc Trung Quốc đưa dàn khoan khổng lồ, tàu chế biến hải sản “khủng”, tàu sân bay ra Biển Đông… chứng tỏ nước này sẽ có những bước tiếp theo để thực hiện ý đồ tiếp tục lấn sâu xuống phía nam Biển Đông. ASEAN vì thế cần quan tâm đúng mức tới sự kiện, không phải quan tâm để hình thành khối quân sự đối lập với Trung Quốc mà là quan tâm để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, vì an ninh, hòa bình,ổn định của khu vực và thế giới.

Theo Vnexpress