Những nhận định sai lệch của USCIRF về tôn giáo ở Việt Nam

77
Đầu tháng 5/2023, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) đã đưa ra các nhận định thiếu khách quan, sai lệch về tình hình tôn giáo Việt Nam, tiếp tục khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt – CPC”. Lợi dụng việc này, các trang mạng phản động đã đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền lợi tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân

 

Với cách nhìn phiến diện, thiếu thiện chí, USCIRF cho rằng chính quyền Việt Nam đã “tăng cường kiểm soát và đàn áp”, “đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng”, “sách nhiễu, bức hại”, “ép buộc”, “tước đoạt tài sản”… Theo đó, những cái gọi là tổ chức/hội/nhóm “tôn giáo độc lập” đã được USCIRF “xướng tên” để “làm ví dụ” như “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”, “Hội đồng Liên tôn Việt Nam”, “Cao Đài Chơn truyền”, “Phật giáo Hòa Hảo độc lập”, “Đạo Dương Văn Mình”, “Pháp Luân Công”, “Đạo Hà Mòn”, “Hội thánh Đức Chúa Trời”… Thực chất, đây là những tổ chức khoác áo tôn giáo, hoạt động trái pháp luật, không được Nhà nước công nhận và không được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo; trong đó có nhiều hội/nhóm tà đạo, giả danh, đội lốt tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam.

Đối với những cá nhân mà USCIRF cho là “tù nhân tôn giáo”. Họ là ai? Đây là một số người Thượng và người Mông theo đạo Tin Lành (Tin Lành Đềga) và một số chức sắc trong các tôn giáo có những hoạt động sai trái, vi phạm cả việc Đạo và Đời, bị xử lý theo pháp luật hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những cá nhân này cũng đã bị các tổ chức tôn giáo kỷ luật, tín đồ lên án, tẩy chay…

Theo giọng điệu của các trang mạng phản động, những “nhận định” của USCIRF được “Giới hoạt động cho tự do tôn giáo Việt Nam bày tỏ sự đồng tình”. Tuy nhiên, cái gọi là “Giới hoạt động cho tự do tôn giáo…” lại chỉ là những kẻ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Chúng ta kiên quyết phản đối những nội dung thiếu khách quan, không chính xác về tình hình tôn giáo ở Việt Nam của USCIRF; đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu phản động, chống phá, “a dua, a tòng”, thiếu thiện chí. Bởi những lý do sau:

Thứ nhất, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Hiến chương Liên hợp quốc, Khoản 7, Điều 2 đã nêu rõ: “Tổ chức Liên hợp quốc không có quyền can thiệp vào công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất kỳ quốc gia nào”. Theo đó, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác cũng là nghĩa vụ đặt ra cho tất cả các thành viên cộng đồng quốc tế.

“Công việc thuộc thẩm quyền nội bộ của quốc gia” là các phương diện hoạt động chủ yếu của nhà nước dựa trên cơ sở chủ quyền quốc gia, bao gồm toàn bộ những hoạt động mang tính chất đối nội, đối ngoại và được tiến hành phù hợp với luật pháp của đất nước đó cũng như pháp luật quốc tế; trong đó có việc quản lý điều hành hoạt động của xã hội theo quy định của pháp luật quốc gia. “Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nôi bộ”bao gồm nhiều nội dung, như: Cấm can thiệp vũ trang và các hình thức can thiệp hoặc đe doạ can thiệp khác nhằm chống lại chủ quyền, nền tảng chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của quốc gia; Cấm dùng các biện pháp kinh tế, chính trị và các biên pháp khác để bắt buộc quốc gia khác phụ thuộc vào mình; Cấm tổ chức, khuyến khích các phần tử phá hoại hoặc khủng bố nhằm lạt đổ chính quyền của quốc gia khác; Cấm can thiệp vào cuộc đấu tranh nội bộ ở quốc gia khác; Tôn trọng quyền của mỗi quốc gia tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá phù hợp với nguyện vọng của dân tộc.

Như vậy, việc pháp luật Việt Nam xử lý các đối tượng có hành vi chống phá Nhà nước, trong đó có các đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá, là công việc nội bộ của Việt Nam. Việc các tổ chức/hội/nhóm hải ngoại lớn tiếng rêu rao, “vinh danh” những kẻ vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không chỉ là hành vi can thiệp một cách vô lý vào công việc nội bộ của một quốc gia độc lập, có chủ quyền, mà còn thể hiện một thái độ thiếu thiện chí, cố tình hướng lái dư luận theo những mục đích xấu.

USCIRF là cơ quan tham vấn độc lập do Quốc hội Mỹ thành lập và là “cánh tay nối dài” của Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm phục vụ cho việc “cải thiện nhân quyền” ở các nước mà Mỹ cho là “cần quan tâm đặc biệt”. Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam liên tục bị USCIRF đề nghị đưa vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt – CPC” bất chấp những thành tựu về đảm bảo các các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong các báo cáo hàng năm về tự do tôn giáo tại Việt Nam, USCIRF thường đưa ra những nhận định sai lệch, rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo trong nước”. Cùng với việc lớn tiếng phê phán “chính quyền và công an Việt Nam vi phạm nhân quyền”, USCIRF còn thể hiện “sự quan tâm đặc biệt” đến những kẻ mà họ gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo” – thực chất đây chỉ là các đối tượng vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khối đại đoàn kết của nhân dân Việt Nam.

Thứ hai, cách nhìn thiếu khách quan, không chính xác về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

Các thông tin USCIRF sử dụng trong báo cáo đều không có nguồn gốc, chủ yếu là những thông tin xuyên tạc, sai sự thật, được thu thập từ các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có tư tưởng thù hận, bất mạn, nuôi dã tâm chống phá Nhà nước Việt Nam.

Có nhiều cách tiếp cận về tôn giáo, dưới góc độ là một tổ chức xã hội, ở Việt Nam có thể phân chia làm hai loại: 1) các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được và chưa được Nhà nước công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; 2) tổ chức giả danh tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trên cơ sở đó, Đảng, Nhà nước ta có quan điểm, chính sách, pháp luật cụ thể như sau:

Với các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cả việc Đạo và việc Đời. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 ghi rõ: “Tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được công nhận là tổ chức tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: 1. Hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 5 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; 2. Có hiến chương theo quy định tại Điều 23 của Luật này; 3. Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; 4. Có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; 5. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; 6. Nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”(1).

Với các tôn giáo, tổ chức tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, hệ thống chính trị các cấp hướng dẫn họ hoạt động theo quy định của pháp luật, địa phương, hỗ trợ về mọi mặt, nhất là mặt pháp lý, xét, công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Đồng thời, chúng ta cũng có các quy định nhằm chấn chỉnh, xử lý khi họ có những sai phạm, vi phạm quy định của pháp luật. Đây cũng là điều mà các thế lực thù địch, phản động vu cáo Đảng, Nhà nước “kiểm soát”, “sách nhiễu”, cấm “bán công khai” về tôn giáo ở Việt Nam.

Với các tổ chức đội lốt, giả danh tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng ta đã xác định rõ trong Nghị quyết: “Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”(2), “Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(3)Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”(4). Điều 24 của Hiến pháp cũng ghi: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”(5)Bộ Luật Hình sự năm 2015 xác định: Người nào thực hiện hành vi: “Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội”(6) nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cũng xác định các hành vi bị nghiêm cấm: “1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”(7).

Như vậy, những thành phần mà các thế lực phản động, thù địch, thiếu thiện chí gọi là “các tổ chức tôn giáo độc lập”, “bị Đảng, Nhà nước Việt Nam phân biệt, đối xử, đàn áp” thực chất là những cá nhân, hội/nhóm cóhoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta; họ câu kết với các tổ chức phản động ở nước ngoài để tán phát các tài liệu phản động; họ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp lực lượng chống đối, gây rối, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội nói chung, sinh hoạt – hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo nói riêng; họ góp phần phá hoại sự bình an, hạnh phúc của nhân dân và tác động xấu đến truyền thống văn hóa dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Chiêu trò lợi dụng tôn giáo để kích động chống phá. (Ảnh minh hoạ)

 

Ở Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới, công dân phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo là công dân Việt Nam nếu có những hành động cản trở công cuộc đổi mới, không “ích nước, lợi dân” đều bị xử lý theo pháp luật. Theo đó, các cá nhân, tổ chức bị xử lý là vì vi phạm pháp luật, chứ không phải là vì theo hay không theo tôn giáo nào. Điều này vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa là cơ sở khẳng định thái độ rõ ràng, dứt khoát của chúng ta trong đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái ác trong xã hội, tạo môi trường sinh hoạt tôn giáo bình thường, lành mạnh cho đồng bào theo tôn giáo.

Thứ ba, thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới bác bỏ mọi sự xuyên tạc.

Tính đến năm 2022, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 4 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo; có hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam); có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), hơn 54 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự(8). Hàng năm, trên cả nước có trên 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; hiện các tổ chức tôn giáo có trên 500 cơ sở khám chữa bệnh, trên 800 cơ sở bảo trợ xã hội, 300 trường mầm non….

Từ năm 2018 – 2021, cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đã cấp phép xuất bản 2.027 ấn phẩm về tôn giáo, tín ngưỡng với 7.006.240 bản in, trong đó có nhiều xuất bản phẩm được dịch ra tiếng Anh, Pháp và tiếng dân tộc thiểu số; có 25 tờ báo, tạp chí của các tôn giáo đang hoạt động(9).

Các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; sửa đổi hiến chương, điều lệ; đăng ký chương trình hoạt động hàng năm… đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Quan hệ quốc tế của các tôn giáo ngày càng mở rộng, việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tăng cường giao lưu, học tập, trao đổi với các tổ chức tôn giáo trên thế giới. Từ năm 2011 đến nay, đã có khoảng gần 2.000 lượt cá nhân tôn giáo xuất cảnh tham gia khoá đào tạo ở nước ngoài, tham dự hội thảo, hội nghị quốc tế liên quan đến tôn giáo; gần 500 đoàn nước ngoài với hơn 3.000 lượt người vào Việt Nam để trao đổi, giao lưu hướng dẫn tại cơ sở thờ tự tại Việt Nam, tham dự các sự kiện tôn giáo do các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tổ chức. Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK, với trên 1000 đại biểu quốc tế đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ và hàng vạn người tham dự. Các lễ hội của Công giáo, Tin lành như: Đại hội đồng Giám mục Á châu; Lễ 100 năm Tin Lành đến Việt Nam; phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Hội thảo “Tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ”...

Bên cạnh đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp của Việt Nam đã đón và làm việc với nhiều tổ chức, chức sắc tôn giáo trong nước và quốc tế cùng các tổ chức nước ngoài như: Viện Can dự Toàn cầu Mỹ (IGE), Tập đoàn truyền thông Đức (WAZ), tổ chức nhân quyền tôn giáo quốc tế… đến trao đổi, tìm hiểu tình hình tôn giáo, chính sách và pháp luật tôn giáo của Việt Nam; trao đổi các vấn đề mà dư luận quốc tế quan tâm. Trong các hoạt động đó, các tổ chức tôn giáo lớn đều bày tỏ thiện chí, ủng hộ, đồng tình với những chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; mong muốn các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam phát huy tinh thần “tốt Đời đẹp Đạo” – đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Từ những lý do nêu trên để chúng ta tiếp tục khẳng định, những “lý lẽ” và cái gọi là “khuyến nghị” của USCIRF “đưa Việt Nam vào danh sách CPC” chỉ là cách nhìn phiến diện, chủ quan, thiếu thiện chí. Các bài viết “a dua” “ăn theo” đăng tải trên các trang mạng phản động thực chất chỉ là sự “thêm bớt”, “xuyên tạc”, cố tình “vẽ rắn thêm chân” của các thế lực phản động, thù địch cũng như những thành phần bất mãn nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Chúng ta cần kiên quyết vạch trần và đấu tranh bác bỏ./.

Thượng tá, ThS. NGUYỄN NGỌC HƯƠNG 

_____________________

(1) (7) Ban Tôn giáo Chính phủ: Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb. Tôn giáo, H, 2018, tr.21-22, 9-10.

(2) (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.50-51, 171.

(4) (5) (6) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Năm 2013 – 1992 – 1980 – 1959 – 1946), Nxb. Lao động, H, 2016, tr.16, 20, 294.

(8) Ban Tôn giáo Chính phủ: Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, H, 2022, tr.12.

(9) Nguyễn Văn Long: Nỗ lực đảm bảo quyền tự do tôn giáo, phản bác luận điệu xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, https://chinhsachcuocsong.vn/no-luc-dam-bao-quyen-tu-do-ton-giao-phan-bac-luan-dieu-xuyen-tac-tinh-hinh-tu-do-ton-giao-o-viet-nam/14993.html.

 

tạp chí Tuyên Giáo