Tiền gửi 12 tháng chưa được thỏa thuận lãi suất

138

Ngày đầu tiên thả nổi lãi suất dài hạn, các ngân hàng vẫn chưa mặn mà đàm phán với khách, có nơi còn áp thấp hơn cả tiền gửi ngắn hạn. Mức cao nhất dành cho tiền gửi từ 12 tháng hiện dừng ở 11% một năm.

Mới 9h sáng, Hội sở chính ngân hàng Á Châu (ACB) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM, đã đông khách đến giao dịch. Vài người đến vì đáo hạn sổ, nhưng phần đông muốn hỏi thăm lãi suất kỳ hạn dài. Kể từ sáng nay, người gửi tiền dưới 12 tháng chỉ được hưởng lãi suất tối đa 9% một năm, thay vì 11% của tuần trước và thấp hơn 5% so với cách đây 3 tháng. Nếu gửi dài hạn, theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, khách được quyền đàm phán lãi suất với nhà băng.

Tuy nhiên, nhân viên Hội sở ACB cho biết, lãi suất tối đa cho tất cả kỳ hạn của nhà băng hiện vẫn là 9% một năm. Chị Lan, một khách hàng dự định đến rút trước hạn khoản tiền 300 triệu kỳ hạn 3 tuần để chuyển sang gửi 12 tháng với hy vọng được thỏa thuận mức lãi suất cao hơn. Nhưng chị đành bỏ ý định sau khi nhân viên cho biết lãi suất từ 12 tháng chỉ còn 8%.

Nhân viên nhà băng cũng khẳng định, không thỏa thuận lãi suất với các khoản gửi dài hạn, vì xu hướng sắp tới, lãi có thể tiếp tục hạ xuống theo tốc độ lạm phát kỳ vọng 7-8%. “Tôi đành bỏ ý định rút trước hạn và vẫn giữ nguyên kỳ hạn 3 tuần như hiện tại”, chị chia sẻ.

Khá đông khách hàng đến giao dịch tại Hội sở ACB sáng nay. Ảnh: Lệ Chi

Một số nhà băng quy mô nhỏ có phần ưu ái hơn nhưng cũng không tới mức chèo kéo hoặc chấp nhận lãi suất quá cao. Lúc 9h30, tại một chi nhánh của Ngân hàng Sài Gòn (SCB), trên đường Cống Quỳnh, quận 1, nếu khách gửi theo kiểu thông thường, lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn dài cũng chỉ 9%, nhưng nếu gửi theo chương trình khuyến mãi của nhà băng vừa mới triển khai ngày hôm nay (điều kiện là số tiền gửi tối thiểu 20 triệu đồng, kỳ hạn 12-24 tháng) lãi suất cao nhất là 10%. “Đây là mức rất ưu đãi của nhà băng dành cho khách. Với khách quen hoặc khách gửi số tiền lớn cũng không thể cao hơn mức này”, nhân viên nói.

Tại một phòng giao dịch của Ngân hàng Nam Á trên đường Cao Thắng, quận 3, với những khoản tiền gửi dưới 12 tháng được nhân viên thông báo lãi suất tối đa 9%. Riêng những khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, khách được hưởng mức 10,9%, còn từ 13 tháng trở lên là 11%.

Ngay cả khi có một vị khách định gửi 500 triệu đồng, nhân viên cũng không đưa ra ưu đãi nào khác, mà khuyên gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên để được hưởng mức tối đa 11%. “Đây là mức quá ưu đãi tại thời điểm này. Giờ chẳng chỗ nào huy động cao hơn nữa đâu, vì dài hạn xu hướng lãi suất sẽ đi xuống”, nhân viên nói.

Trao đổi với phóng viên, người khách trên cho biết, đây là lượng tiền nhàn rỗi của gia đình chưa biết kinh doanh gì nên thường mang vào ngân hàng gửi để hưởng lãi. Sáng nay, ngày đầu tiên trần lãi suất huy động dài hạn được dỡ bỏ nên chị đi tham khảo xem lãi suất ở ngân hàng nào cao thì gửi.

Chị đang gửi ở một ngân hàng thương mại cổ phần khác với lãi suất 11% cho kỳ hạn 3 tuần, đã cộng tất cả các khoản thưởng, khuyến mãi. Tuy nhiên, số tiền này chỉ còn hai ngày nữa là đáo hạn nhưng nhà băng cho biết mức lãi mới chỉ còn 9% cho kỳ hạn ngắn, còn dài hạn thì tối đa là 10%. “Tôi vẫn đang thoả thuận với Nam Á. Nếu ngân hàng họ chịu tăng thêm lãi suất lên 11% cho kỳ hạn 12 tháng thì tôi sẽ rút tiền từ nhà băng kia qua gửi”, chị nói.

Tại Hà Nội, một phòng giao dịch Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) trên phố Đào Tấn, nhân viên cho biết, lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn năm đang là 10%, giảm 1% so với trước. Theo nhân viên, nhà băng này không thỏa thuận lãi suất với các khoản gửi dài hạn, vì xu hướng sắp tới, lãi sẽ hạ về 7 – 8% chứ không thể cao mãi. “Nếu không gửi ngay bây giờ, một thời gian nữa, lãi suất có thể xuống thấp hơn”, nhân viên này chia sẻ.

Một số ngân hàng quanh khu vực Cầu Giấy sáng nay không trưng biển lãi suất, nhưng theo khảo sát của VnExpress.net, mức cao nhất áp dụng cho các khoản gửi trên một năm cũng chỉ 10% một năm. Riêng một số ngân hàng quy mô nhỏ, lãi suất kỳ hạn dài thậm chí còn thấp hơn gửi ngắn hạn. Nhân viên giao dịch của một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ trên phố Trần Đăng Ninh cho biết, lãi suất cao nhất đang áp dụng là 9% một năm, kỳ hạn 12 tháng. Với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất xuống chỉ còn 8% một năm.

Chị Thùy Dương, nhân viên một nhà băng khác trên phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy cho hay, lãi suất cao nhất áp dụng cho khoản gửi trên 1 năm là 10,5%. “Giờ chẳng chỗ nào huy động cao hơn nữa đâu, vì dài hạn, xu hướng lãi suất sẽ đi xuống, mà ngân hàng không cho vay ra được, nên cũng không muốn huy động dài hạn quá nhiều”, chị Dương nói.

Tuy nhiên, có phần ưu đãi hơn cho khách hàng, nhà băng này áp dụng quay số trúng thưởng. Với khoản gửi 700 triệu đồng, khách sẽ được phát hơn 400 mã số dự thưởng để quay số. Giải thưởng cao nhất là một chuyến du lịch nước ngoài, ngoài ra còn có tiền mặt lên tới cả triệu đồng… Do đó, dù không được cộng thêm lãi suất, nhưng tính ra, khách gửi dài hạn có thể được nhận lãi cao nhất trên 10,5% một năm.

So với cảnh giao dịch sôi động hôm thứ sáu, sáng nay, sự ồ ạt đã có phần giảm đi. Anh Trung, bảo vệ một ngân hàng trên phố Nguyễn Khánh Toàn cho biết, hôm 8/6, khách đến đảo sổ tiết kiệm rất đông vì sợ lãi suất giảm xuống vào 11/6, đến thứ bảy thì chững lại. “Còn sáng nay, khách đến cũng nhiều, nhưng giao dịch diễn ra nhanh hơn so với các hôm trước”, anh nói.

Đến đảo sổ tiết kiệm sang kỳ hạn dài trên 1 năm là phương án được một số khách hàng trung tuổi ở Hà Nội lựa chọn. Tại một ngân hàng trên phố Cầu Giấy, nhân viên cho biết, sáng nay, nhiều người tất toán sổ tiết kiệm đã chọn gửi kỳ hạn dài hơn sau khi được tư vấn lãi suất sẽ càng giảm xuống.

Lãnh đạo Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) cho biết, thực ra, trước khi trần huy động ngắn hạn điều chỉnh giảm xuống 9%, lãi suất niêm yết của nhà băng cũng đã thấp hơn so với trần 11%. Một số kỳ hạn khác vẫn bằng với trần huy động 11%, nhưng đa phần đều thấp hơn nếu khách gửi tiền lĩnh lãi hàng tháng.

Do đó, hiện nay dù trần huy động đối với kỳ hạn dài trên 12 tháng đã bỏ nhưng ACB vẫn áp dụng mức cao nhất là 9%, thậm chí thấp hơn. “Lạm phát dự báo sẽ còn xuống thấp, trong khi thanh khoản của ngân hàng hiện nay tương đối ổn định nên không cần thiết phải đẩy lãi suất lên cao’ vị lãnh đạo này nói.

Lãnh đạo Ngân hàng cổ phần Techcombank cũng chia sẻ, hiện các ngân hàng vẫn chưa thể mạnh dạn cho vay vốn trung dài hạn, vì thế không dại gì phải cạnh tranh nhau huy động lãi suất cao.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước TP HCM, tính đến 31/5, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt hơn 900.000 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối tháng trước, tăng 1,5% so với cuối năm 2011 và tăng 12,3% so với cùng kỳ.

“Lợi ích của người gửi tiền vẫn được đảm bảo, với những người có tiền mà không muốn đầu tư kinh doanh, 9% là lợi tức hấp dẫn nếu so với kỳ vọng lạm phát 7-8% năm nay”, Phó tổng giám đốc ACB chia sẻ.