Quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được ghi nhận, bảo đảm bằng pháp luật quốc gia và quốc tế. Thực chất, không có quốc gia nào trên thế giới chấp nhận “nhân quyền cao hơn chủ quyền” và trong từng quốc gia luôn có giai cấp đóng vai trò trung tâm. Thế nên, những ai cổ xúy cho quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “quyền con người là phi giai cấp” là hoàn toàn sai trái, cần phải bác bỏ.
Sự phi lý của luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”
Quyền con người (nhân quyền) là tổng hợp các quyền và tự do cơ bản để đánh giá địa vị pháp lý của cá nhân. Quyền con người và pháp luật luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó, quyền con người là vấn đề quan trọng của mọi hệ thống pháp luật; khi thực tiễn lịch sử đã minh chứng quyền con người chỉ có thể ghi nhận và bảo vệ bằng pháp luật.
Quyền con người vốn là vấn đề thuộc lĩnh vực đạo đức, song trong bối cảnh tồn tại giai cấp đối kháng, quyền con người luôn bị một số quốc gia phương Tây chính trị hóa. Lâu nay, các nước phương Tây thường rêu rao cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “quyền lực nhà nước ở một quốc gia không được đàn áp nhân quyền”. Về thực chất, quan điểm này đã đối lập quyền con người với chủ quyền quốc gia. Họ lập luận một cách phi lý rằng, vấn đề quyền con người không thuộc công việc nội bộ của một nước.
Thậm chí, một số nước phương Tây còn quy chụp rằng: “Việc Việt Nam nhấn mạnh chủ quyền quốc gia cao hơn tất cả, trên thực tế là lấy danh nghĩa duy trì chủ quyền quốc gia để duy trì quyền lực thống trị của Đảng Cộng sản Việt Nam”(!).
Việc cho rằng “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là hoàn toàn phi lý. Bởi lẽ, muốn hiện thực hóa được các quyền con người phải có các tiền đề, điều kiện nhất định. Điều kiện tiên quyết là đất nước phải được độc lập, chủ quyền quốc gia phải được tôn trọng theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Thực tiễn lịch sử Việt Nam và nhiều nước trên thế giới trải qua đấu tranh giành độc lập, giữ vững chủ quyền dân tộc đã chứng minh, đất nước bị nô lệ thì người dân không có tự do, các quyền con người sẽ bị chà đạp nghiêm trọng. Do vậy, các dân tộc bị áp bức đã quyết tâm giành và giữ nền độc lập.
Tất yếu, chủ quyền quốc gia không tách khỏi nhân quyền và nhân quyền không thể cao hơn chủ quyền. Cho nên có thể khẳng định: Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người.
Mặt khác, để bảo đảm quyền con người, trước hết và chủ yếu thuộc trách nhiệm của mỗi quốc gia. Trách nhiệm có tính chất pháp lý này đã được Liên hợp quốc quy định trong các văn kiện nhân quyền quốc tế, chẳng hạn như: Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24-10-1970 đã đưa ra Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật Quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó khẳng định các nguyên tắc, như nguyên tắc chủ quyền quốc gia, nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia, nguyên tắc không can thiệp vào những vấn đề thuộc thẩm quyền của các quốc gia khác.
Chính Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh: “Không quốc gia nào, kể cả Liên hợp quốc, có quyền can thiệp vào công việc thực chất thuộc thẩm quyền quốc gia”. Xét cho cùng, trong luật pháp quốc tế, quốc gia giữ vị trí quan trọng nhất. Do vậy, “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là một đòi hỏi phi lý.
Trên thế giới đã có nhiều nước lớn nhân danh “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, dẫn đến nhiều hệ lụy như bất ổn chính trị, xáo trộn sự ổn định xã hội, kinh tế không phát triển. Điều đó chỉ nhằm phục vụ lợi ích cho các thế lực cường quyền.
Hơn ai hết, mỗi người dân Việt Nam đều thấu hiểu độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là đòi hỏi hàng đầu trong việc bảo đảm và thực thi quyền con người. Bản chất của Nhà nước Việt Nam là nhà nước vì con người và bảo vệ quyền con người. Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, ngay sau khi giành được độc lập, quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp năm 1946 ghi nhận và sau đó tiếp tục được củng cố, mở rộng trong các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và 2013.
Điều 3 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục khẳng định: “Hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”.
Do vậy, quyền con người luôn cần phải được bảo vệ bằng chủ quyền quốc gia. Thực tiễn và cơ sở pháp lý đó không một ai, không một thế lực nào có thể bác bỏ được.
Không có cái gọi là “quyền con người là phi giai cấp” trên thế giới
Hiện nay, có một số nhà khoa học nhân danh “tự do học thuật” đã lớn tiếng rêu rao luận điểm “quyền con người là phi giai cấp” làm cho không ít người mơ hồ về vấn đề này. Thực chất, những người đưa ra luận điểm này cố tình đánh tráo khái niệm, đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xa rời bản chất giai cấp công nhân; phá vỡ sự thống nhất giữa tính đảng và tính khoa học trong nghiên cứu khoa học. Ý đồ sâu xa hơn, các “học giả” đưa ra luận điểm “quyền con người là phi giai cấp” nhằm phủ nhận quan điểm của Đảng ta về quyền con người.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, trong xã hội có phân chia giai cấp đối kháng, bản chất quyền con người và thực hiện quyền con người luôn mang tính giai cấp sâu sắc. Bởi lẽ, con người sinh ra vốn đã có đặc quyền, đó là quyền tự nhiên.
Các quyền này tồn tại dưới dạng những nhu cầu, do chính phẩm giá con người quy định. Nhưng để trở thành quyền, những nhu cầu ấy cần phải được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Song, pháp luật luôn gắn liền với nhà nước, luôn bị chi phối bởi các thể chế chính trị cụ thể. Cho nên, nội dung của pháp luật luôn nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội. Khi pháp luật thừa nhận quyền của giai cấp thống trị cũng đồng thời hạn chế quyền của giai cấp đối lập, không thể có quyền trừu tượng siêu giai cấp, quyền con người phi giai cấp chỉ là ảo tưởng.
Bên cạnh đó, sự tồn tại của giai cấp thống trị luôn gắn liền với sự tồn tại của xã hội. Nhằm bảo vệ địa vị thống trị và do kết quả đấu tranh giai cấp nên bất kỳ giai cấp thống trị nào cũng đều buộc phải thừa nhận những mức độ nhất định về quyền của các giai cấp khác. Sự phát triển của lịch sử nhân loại luôn khẳng định sự kế thừa và phát triển của các giai đoạn lịch sử về sau đối với giai đoạn trước, luôn vận động theo quy luật tiến tới những giá trị tiến bộ, văn minh, nhân đạo, nhân văn. Do vậy, tính giai cấp luôn gắn liền với tính nhân loại của quyền con người.
Trong phạm vi quốc gia, quan điểm giai cấp thể hiện ở các chính sách bảo vệ hệ thống chính trị và chế độ xã hội hiện hữu, bảo vệ lợi ích giai cấp cầm quyền và các giai cấp, tầng lớp xã hội đã đấu tranh bảo vệ xã hội đó. Trên phạm vi quốc tế, tính giai cấp của quyền con người được thể hiện trong cuộc đấu tranh giữa lực lượng cách mạng, tiến bộ với các lực lượng phản động, phản tiến bộ.
Trong thế kỷ 20, tính giai cấp của quyền con người được biểu hiện bằng cuộc đấu tranh giữa hệ thống tư bản chủ nghĩa với hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN). Hiện nay, cuộc đấu tranh này biểu hiện dưới hình thức thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và đấu tranh chống lại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của thế lực phản động đối với các nước đi theo con đường XHCN và độc lập dân tộc.
Trong xã hội Việt Nam, tính giai cấp của quyền con người thống nhất với tính nhân loại, tính phổ cập của quyền con người. Điều đó đã được thể hiện rõ trong các văn kiện pháp lý quan trọng như: Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013, cùng với hơn 13.000 văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã dành hẳn chương II để hiến định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 2013 là dấu mốc quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, vì Hiến pháp đề cập toàn diện các quyền con người và cách thức tổ chức, bộ máy bảo đảm và bảo vệ quyền con người.
Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của hầu hết điều ước quốc tế chủ yếu về quyền con người, trong đó có hai công ước quốc tế về quyền con người năm 1966. Theo quy định của Luật Nhân quyền quốc tế, khi điều ước quốc tế có hiệu lực đối với các quốc gia thành viên thì quốc gia phải tận tâm thực hiện điều ước, theo nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện điều ước quốc tế.
Như vậy, ở Việt Nam, quyền con người của tất cả mọi người đều được tôn trọng và bảo đảm, không có sự phân biệt giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, giới tính. Điều 16 Hiến pháp năm 2013 hiến định: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Thực chất bảo đảm quyền con người ở Việt Nam nằm trong mục tiêu xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định nhất quán phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cốt lõi của việc thực hiện và bảo đảm quyền con người là trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn “lấy dân làm gốc”.
Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Xã hội XHCN là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng trong xã hội”.
Như vậy có thể khẳng định rằng, quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là giá trị chung của các dân tộc. Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, quyền con người là một phạm trù lịch sử và biến đổi trong lịch sử; là kết tinh của xã hội loài người trên 5 phương diện: Tái sản xuất vật chất, tinh thần, con người, nhu cầu và ý thức.
Suy cho cùng, quyền con người gồm các quyền sống, quyền lao động và quyền tự do. Các quyền này thể hiện 3 phương diện cơ bản nhất của đời sống xã hội của con người: Con người trước hết phải được tồn tại (quyền sống); con người phải được hoạt động (quyền lao động) và con người phải được khẳng định, được phát triển (quyền tự do). Quyền con người gắn với nhà nước và pháp luật, giành lấy quyền con người là mục tiêu cơ bản của cách mạng XHCN.
Ngày nay, quyền con người được xem là thước đo sự tiến bộ và trình độ văn minh của các xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển và bản sắc văn hóa. Đồng thời, quyền con người chứa đựng những giá trị chung toàn nhân loại, nhưng chỉ trong điều kiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; các quyền sống, quyền lao động, quyền mưu cầu hạnh phúc mới bảo đảm cho mỗi người và cho mọi dân tộc.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định bảo đảm quyền con người thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN ở nước ta, là trách nhiệm của hệ thống chính trị. Bảo đảm quyền con người của nhân dân Việt Nam, đồng thời tôn trọng quyền con người của các dân tộc khác nhằm thúc đẩy hòa bình, phát triển ở mỗi quốc gia và trên thế giới thông qua đối thoại, hợp tác quốc tế.
Đại tá, TS NGUYỄN HỮU PHÚC, Chủ nhiệm Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị