Trung Quốc khó vượt Mỹ về quyền lực kinh tế

135

Theo nghiên cứu của Hội đồng tình báo Mỹ (NIC), Trung Quốc sẽ vượt Mỹ thành nền kinh tế số một thế giới trước năm 2030, nhưng Mỹ vẫn là “anh cả” của kinh tế toàn cầu, nhờ độc lập về năng lượng.

Tầm ảnh hưởng của Nga, cũng như các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, sẽ dần suy yếu. Mỹ được hưởng lợi từ việc có thể tự cung tự cấp khí gas tự nhiên và áp dụng công nghệ khai thác mới. Việc này cho phép họ độc lập về năng lượng, thậm chí còn là nước xuất khẩu ròng về nhiên liệu.

Bản báo cáo 166 trang này cho biết: “Sẽ không một nước nào có được quyền bá chủ toàn cầu. Quyền lực sẽ chuyển giao cho các mạng lưới và liên minh trong một thế giới đa cực”. Báo cáo này là sản phẩm bốn năm thu thập dữ liệu và phân tích của NIC.

Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2030. Ảnh: China Daily
Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2030. Ảnh: China Daily

Cơ quan này cũng dự đoán tầng lớp trung lưu thế giới sẽ tăng lên, ngày càng được giáo dục tốt hơn, hưởng dịch vụ chăm sóc y tế và công nghệ truyền thông hiện đại hơn, như Internet và smartphone. NIC cho rằng: “Việc giới trung lưu toàn cầu tăng lên sẽ gây ra sự chuyển dịch mang tính chất nền tảng. Lần đầu tiên, phần lớn dân số thế giới không bị nghèo đi. Và tầng lớp trung lưu sẽ là thành phần kinh tế – xã hội quan trọng nhất với các quốc gia”.

Tuy nhiên, báo cáo trên cũng nhận định tương lai đang rất “mù mịt”. Cơ quan này đã liệt kê rất nhiều “những người thay đổi cuộc chơi” có ảnh hưởng nhất đến bộ mặt toàn cầu từ nay đến năm 2030. Đó là kinh tế thế giới đang khủng hoảng, yếu kém về quản trị, xung đột giữa các quốc gia, nội chiến, ảnh hưởng của các công nghệ mới và mối băn khoăn liệu Mỹ có thể “làm việc với các đối tác mở để tái tạo hệ thống thế giới”.

Kịch bản sáng sủa nhất cho toàn cầu tính đến năm 2030, theo báo cáo trên, là Mỹ – Trung tăng cường hợp tác chính trị. Hai nước này có thể cùng nhau giải quyết rất nhiều vấn đề trên thế giới, điển hình là việc Ấn Độ và Pakistan chạy đua vũ trang hạt nhân.

Trường hợp tồi tệ nhất, là kinh tế toàn cầu chững lại, ảnh hưởng đến nguồn tài chính của người dân khắp các nước. Việc này có thể là hậu quả của một trận dịch bệnh, khiến các quốc gia phải đóng cửa biên giới và cô lập kinh tế. Đáng lo ngại nhất là nếu chiến tranh xảy ra tại châu Á, nhiều nước sẽ sử dụng cả vũ khí hạt nhân.

NIC nhận định dân số tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ già đi, khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại. Báo cáo kết luận “thế giới sẽ phụ thuộc nhiều vào các nước đang phát triển hơn là các nền kinh tế truyền thống ở châu Âu”. Đó là Trung Quốc, Brazil, Colombia, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Vnexpress