Ảnh ấn tượng về kinh tế thế giới năm 2012

116

IPO thất bại của Facebook, biểu tình chống tăng giá xăng ở Indonesia, tình trạng thất nghiệp tại Mỹ hay mặt nghèo nàn của Thượng Hải đều được thể hiện rất ấn tượng trong loạt ảnh do Wall Street Journal bình chọn.

Một em bé trượt ván trên con đường vắng vẻ tại dự án nhà dang dở có tên Enclave ở DeLand, bang Florida (Mỹ) ngày 24/1. DeLand thuộc Hạt Volusia, một trong những nơi có tỷ lệ bị thu hồi nhà thế chấp lớn nhất bang Florida. (Ảnh: Wall Street Journal)

Cảnh sát đứng thành rào chắn trước lối vào Văn phòng Nội các Bỉ khi bị các lính cứu hỏa phun nước trong cuộc biểu tình chống cải cách lương hưu hồi tháng 2. Bỉ là một trong 17 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu và cũng phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng khi cuộc khủng hoảng nợ tại đây đã kéo dài sang năm thứ 4. (Ảnh: Zuma Press)

Một phụ nữ đạp xe chở đầy thùng xốp trên đường phố Thượng Hải (Trung Quốc). Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng ì ạch suốt 7 quý qua khi cả nhu cầu nội địa và quốc tế, đặc biệt từ Âu – Mỹ, giảm sút. (Ảnh: AFP)

Người dân Ấn Độ chen chúc nộp đơn tại một trung tâm giới thiệu việc làm ở Allahabad. Ấn Độ cũng tăng trưởng yếu hơn dự kiến do lãi suất cao, khủng hoảng nợ châu Âu và đầu tư giảm sút khi các nhà đầu tư lo ngại về tham nhũng và chính sách. (Ảnh: AP)

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke phát biểu trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 3. Ông cho biết bài kiểm tra năng lực tài chính (stress test) gần đây với hệ thống ngân hàng là để đảm bảo họ không che giấu những khoản lỗ khổng lồ. (Ảnh: AP)

Một quả bom xăng bị ném ra đường khi cảnh sát Jakarta (Indonesia) ngăn cản sinh viên nước này biểu tình phản đối kế hoạch tăng giá xăng gần 30% của chính phủ. Sau đó, Indonesia đã phải hủy bỏ kế hoạch này. Nhờ chính sách trợ giá, giá xăng tại đây hiện vẫn thuộc hàng thấp nhất thế giới. (Ảnh: Wall Street Journal)

Một người đàn ông kéo chiếc xe chở đầy ghế mây trên đường phố Thượng Hải. (Ảnh: AFP)

Mark Zuckerberg, nhà sáng lập mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, rung chuông mở cửa phiên giao dịch tại Nasdaq, từ trụ sở của Facebook ở Menlo Park, California ngày 18/5. Tuy nhiên, lỗi hệ thống tại Nasdaq hôm đó đã khiến các giao dịch cổ phiếu của Facebook trở nên hỗn loạn ngay trong ngày IPO. (Ảnh: AP)

Ông trùm tài chính R. Allen Stanford được chuyển đến một tòa án tại Houston (Mỹ) để xét xử ngày 14/6. Stanford bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt 7 tỷ USD của các nhà đầu tư để thỏa mãn thú ăn chơi xa xỉ và phải nhận án 110 năm tù. (Ảnh: Bloomberg)

Rajat Gupta, cựu thành viên HĐQT Ngân hàng Goldman Sachs, rời tòa án bang Manhattan ngày 15/6. Ông bị kết tội tiết lộ bí mật ngân hàng cho bạn mình là một giám đốc quỹ đầu tư. Đây được coi là chiến thắng vang dội của các công tố viên nước này trong việc xử lý giao dịch nội gián tại Wall Street. (Ảnh: WSJ)

Bob Diamond, cựu CEO Ngân hàng Barclays (Anh) rời văn phòng của Quốc hội Anh tại London ngày 4/7. Ông đã từ chức sau khi Barclays bị các nhà chức trách phạt 290 triệu bảng (453 triệu USD) vì tham gia vào scandal thao túng lãi suất liên ngân hàng London (Libor). (Ảnh: Bloomberg)

Cậu bé Abdul Samad (13 tuổi) đang vác một động cơ cũ trong xưởng ôtô ở Mumbai (Ấn Độ). Kinh tế đói kém đã đẩy hàng chục triệu trẻ em nước này vào cảnh lao động khổ sai trong các nhà máy, xí nghiệp với mức lương rẻ mạt. (Ảnh: WSJ)

Một người thợ Ấn Độ phải thắp nến để cắt tóc cho khách hàng. Cuộc khủng hoảng năng lượng tại đây đã bùng phát sau khi ba đường dây điện nước này bị hỏng, khiến 620 triệu người dân phải chịu cảnh tối tăm trong nhiều ngày. (Ảnh: AP)

Các giao dịch viên của Knight Capital theo dõi cuộc phỏng vấn của đài truyền hình với CEO Thomas Joyce hồi tháng 8. Knight đã phải huy động thêm vốn sau khi sự cố kỹ thuật tại NYSE khiến công ty này thiệt hại tới 440 triệu USD và làm giá cổ phiếu giảm hơn một nửa. (Ảnh: Wall Street Journal)

Hàng trăm người lao động tham gia một hội chợ việc làm tại New York (Mỹ) hồi tháng 8. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện vẫn gần 8%. (Ảnh: AFP)

Theo Vnexpress