‘Kinh tế có xu hướng xấu đi trên nhiều phương diện’

128

Doanh nghiệp bi quan, nhà đầu tư không dám bỏ vốn còn người dân không sẵn sàng chi tiêu nên tổng cầu và tổng cung khó cải thiện trong năm nay – theo nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân.

Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân khai mạc tại Nha Trang sáng ngày 5/4 với nội dung thảo luận chính là Tái cơ cấu nền kinh tế – một năm nhìn lại. Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là vấn đề lớn của một quốc gia và cần thực hiện dài hơi. 2012 là năm nền kinh tế bắt đầu tiến hành tái cơ cấu và đến nay, theo ông những kết quả đạt được mới là bước đầu. “Với những kết quả khiêm tốn, có cơ sở để đánh giá rằng một năm qua, quá trình tái cơ cấu chưa đạt được những bước tiến thực tiễn mong đợi”, ông Giàu nhận định.

Diễn đàn kinh tế mùa xuân tổ chức tại Nha Trang. Ảnh: Bạch Hường.
Diễn đàn kinh tế mùa xuân tổ chức tại Nha Trang. Ảnh: Bạch Hường.

Là chuyên gia đầu tiên đăng đàn, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng nền kinh tế sẽ còn tiếp tục bất ổn nếu cứ loay hoay trong các giải pháp cứu chữa ngắn hạn, thay vì tạo ra thay đổi thực sự trong cơ cấu – những gì đã không làm được trong năm ngoái. Theo ông, nền kinh tế còn bất ổn, cơ sở tăng trưởng vẫn tiếp tục bị xói mòn, nguy cơ khủng hoảng gia tăng nhanh.

“Phải chăng đây là lý do giải thích tình hình kinh tế quý I/2013 không hề được cải thiện mà vẫn trong xu hướng tiếp tục xấu đi. Xu hướng này có thể là một chỉ báo quan trọng cho việc dự đoán tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013”, ông Thiên lo ngại.

Thực tế được ông Thiên đưa ra là tình hình khó khăn rất chậm được cải thiện, nếu không nói là có xu hướng xấu đi trên nhiều phương diện. Lòng tin vào tính vững chắc và triển vọng rõ ràng của các kết quả chặn đà suy giảm tốc độ tăng trưởng và khôi phục các cơ sở ổn định vĩ mô vẫn đang rất yếu.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Bùi Tất Thắng – Viện Chiến lược phát triển – cho rằng kinh tế năm 2013 sẽ tiếp tục khó khăn do niềm tin nền kinh tế đang bị suy giảm. “Nhà đầu tư không đưa vốn, người tiêu dùng cũng không sẵn sàng chi tiêu nên tổng cầu và tổng cung năm 2013 khó cải thiện”, ông Thắng lý giải. Theo đại diện từ Viện Chiến lược phát triển, kinh tế năm 2013 khó khôi phục nhanh và nên nghĩ tới phương án khó đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Theo nhìn nhận của ông Bùi Tất Thắng, nền kinh tế Việt Nam hiện ở trong “bẫy tăng trưởng thấp” với tình trạng cắt giảm các đòn bẩy tài chính, thị trường bất động sản đóng băng, hệ thống ngân hàng còn yếu kém, đầu tư của các công ty giảm sút và niềm tin kinh doanh ở mức thấp. Vì vậy, theo ông, việc triển khai các biện pháp gây dựng lòng tin của người dân và doanh nghiệp qua Nghị quyết 01 và 02 là cần thiết. “Trong dài hạn, việc khôi phục niềm tin cần gắn với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, để đưa nền kinh tế trở lại lộ trình tăng trưởng bền vững”, ông Thắng cho biết.

Tại Diễn đàn, phần lớn chuyên gia “chê” tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm và chưa có điểm đột phá. Ông Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội nêu rõ: “Tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước như Vinashin, Vinalines vẫn chưa có gì, tái cấu trúc ngân hàng qua xử lý nợ xấu và hợp nhất ngân hàng vẫn chậm”. Theo ông, hiện nay áp dụng cách thức tiến hành tái cơ cấu ngược khi có 3 đề án tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nước trước rồi mới có đề án tái cơ cấu tổng thể. “Chúng ta đã nghe rất nhiều chuyện kêu cứu (ngân hàng, bất động sản) nhưng cần phải thay đổi tư duy, mải lo cứu mà không lo đẩy mô hình tốt sẽ khó tạo dựng niềm tin cho nền kinh tế, doanh nghiệp và xã hội”, ông Sơn bình luận.

Còn theo nguyên Phó chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Đức Kiên, chính cơ quan quản lý là nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém trong cơ cấu và lạc hậu về mô hình tăng trưởng thời gian qua. “Ví dụ việc cho hình thành quá nhiều các dự án khu đô thị, đua nhau mở rộng không gian, đưa thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh… Nếu nghiêm túc thì phải quy rõ trách nhiệm cấp nào, cơ quan nào, thậm chí cá nhân nào thay vì nói chung chung, không ai chịu trách nhiệm”, ông Kiên thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Với cung cách quản lý này, ông Kiên cho rằng thị trường bất động sản đóng băng không có gì lạ. Trước khủng hoảng, Việt Nam từng say sưa vui mừng khi nói có hơn 500.000 doanh nghiệp, với vốn đăng ký hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Kiên, Việt Nam đã kiểm soát kém hoặc không có kiểm soát và để ra đời các doanh nghiệp quá dễ dãi. Họ chỉ cần đăng ký, tự khai, tự báo cáo thành tích. Thực tế cho thấy trên 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ hoạt động nhờ 85-90% vốn của ngân hàng và người khác, thậm chí 10-15% gọi là của doanh nghiệp nhưng không ít trường hợp hữu danh vô thực. “Do đó, khi thắt chặt chính sách tài chính – tiền tệ thì các doanh nghiệp chết và khó khăn là đương nhiên”, ông Kiên kết luận.

Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân được tổ chức bởi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ý kiến, đánh giá của các chuyên gia tại diễn đàn này giúp Ủy ban có cái nhìn toàn cảnh hơn khi chuẩn bị báo cáo tình hình kinh tế xã hội trình Quốc hội trong kỳ họp vào tháng 5.