Tính toán lộ trình điều chỉnh giá điện

177

Không nêu cụ thể thời điểm, song Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định, đang yêu cầu EVN tính toán giá thành sản xuất và thực tế vận hành kể từ khi giá than cho điện tăng để có lộ trình điều chỉnh.

Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo định kỳ tháng 4 chiều 6/5, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay, tháng 5, EVN sẽ đáp ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt trong trường hợp không có biến động bất thường.

Từ ngày 20/4, giá bán than bán cho điện đã được phép điều chỉnh bằng với giá thành sản xuất than của năm 2011. Sau khi điều chỉnh, mức giá mới bằng 85%-87% giá thành sản xuất than của năm 2013 tùy chủng loại. Ông Cường cho hay, chỉ sau ngày ngày giá bán than cho điện tăng, ngành điện mới bị ảnh hưởng. “Chúng tôi đang yêu cầu EVN tính toán chi phí phát sinh trong thời gian kể từ thời điểm giá bán than cho điện tăng”, ông Cường khẳng định.

Ảnh: Hoàng Hà
EVN cần tính toán giá thành sản xuất điện cũng như thực tế vận hành. Ảnh: Hoàng Hà

Lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cho biết, EVN cần tính toán giá thành sản xuất điện cũng như thực tế vận hành để từ đó đối chiếu với Quyết định 24 làm lộ trình điều chỉnh. “EVN đang tính toán và chưa báo cáo và Bộ Công Thương nên chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể”, ông Cường nói.

Theo Bộ Công Thương, tại miền Trung và Tây Nguyên đang trải qua những đợt hạn hán nghiêm trọng, mực nước tại các hồ thủy điện đang xuống gần mực nước chết. Điện mua từ Trung Quốc tối đa theo điều kiện tải khu vực và chất lượng điện áp. Sản lượng điện tháng 4 ước đạt 10,22 tỷ kWh, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 38 tỷ kWh tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Theo ông Cường, tháng 5 chưa có nước về các hồ, EVN phải khai thác tối đa than, khi và mua điện của Trung Quốc để không phải phát dầu. Ông Cường cho hay, nguồn điện mua của Trung Quốc không phải đắt nhất, do đó, theo nguyên tắc, khi nguồn nước về sớm thì EVN sẽ cắt giảm các nguồn điện đắt tiền như chạy dầu. “Đây là kế hoạch và có thể thay đổi. Công tác điều hành tăng giảm mua điện của Trung Quốc cũng như chạy các nguồn khác phải linh hoạt để đảm bảo cung ứng điện cho hợp lý”, ông Cường chia sẻ.

Tháng 4/2011, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 24 về việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Việc điều chỉnh giá điện phải được căn cứ trên cơ sở chi phí đầu vào, nhiên liệu, tỷ giá tại thời điểm tính toán biến động… để xác định giá bán lẻ hiện hành và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi. Nếu chi phí đầu vào như nhiên liệu, tỷ giá… tăng từ 5% trở lên, giá điện được điều chỉnh tương ứng, sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp nhận. Khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh tối thiểu là 3 tháng.

Còn theo Thông tư 31, giá điện sẽ được tính toán kiểm tra hàng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào cơ bản gồm tỷ giá, giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện phát của các tháng đã qua. Trước ngày 20 hàng tháng, căn cứ trên các thông số đầu vào cơ bản thực tế được xác định, EVN kiểm tra, tính toán chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào ở trên.

Năm ngoái giá điện bán lẻ tăng 2 lần, vào 1/722/12, mỗi lần tăng 5%, từ mức bình quân 1.304 đồng mỗi kWh lên 1.437 đồng.

Theo Vnexpress