NHA TRANG: THÚC ĐẨY HIỆU QUẢ GIÚP ĐỠ, GIÁO DỤC THANH THIẾU NIÊN CHẬM TIẾN, YẾU THẾ TRÊN ĐỊA BÀN

70
Thanh niên vi phạm pháp luật, chậm tiến không chỉ là gánh nặng của gia đình mà còn là nỗi lo chung của toàn xã hội. Tiếp cận, giáo dục, cảm hóa thanh niên (TN) chậm tiến là việc làm khó, tuy nhiên, nhiều năm qua, các cấp bộ đoàn trong thành phố đã có những cách làm linh hoạt, hiệu quả, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội.
Trước thực trạng một bộ phận thanh niên sau khi chấp hành xong án phạt tù không có việc làm ổn định lại tiếp tục phạm pháp, Ban Thường vụ Thành đoàn Nha Trang đã xác định công tác tiếp cận, hướng nghiệp, dạy nghề, giúp đỡ và tạo cơ hội cho thanh niên chậm tiến, thanh niên yếu thế được tái hòa nhập cộng đồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, Ban Thường vụ Thành đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn trực thuộc tổ chức cho đoàn viên, thanh niên ký cam kết không vi phạm pháp luật, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thanh thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật và để cộng đồng chia sẻ với những thanh niên chậm tiến, nhất là những thanh niên mới được mãn hạn tù trở về địa phương. Cùng với đó, các cơ sở đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như thăm hỏi, động viên, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của gia đình và thanh niên sau khi chấp hành xong án phạt tù, giúp họ xóa bỏ mặc cảm và giới thiệu việc làm phù hợp nếu có nhu cầu…
Năm 2023, tại thành phố Nha Trang, trong thời gian qua các tổ chức đoàn trên địa bàn thành phố cũng đã xây dựng và triển khai một số mô hình, giải pháp, hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ TTN yếu thế như kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe; thành lập các mô hình câu lạc bộ theo sở thích, xây dựng các khu vui chơi ở các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp TTN yếu thế tham gia; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề miễn phí, hỗ trợ vay vốn nguồn giải quyết việc làm, mô hình khu dân cư không có TTN mắc tệ nạn xã hội; hoạt động khám tư vấn sức khỏe miễn phí, tuyên truyền trang bị kiến thức và kỹ năng xã hội cho TTN phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS…
Giáo dục, cảm hóa TTN chậm tiến là việc làm khó và cần một quá trình lâu dài. Vì vậy, trong thời gian tới Ban Thường vụ Thành đoàn tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn đưa công tác cảm hóa thành việc làm thường xuyên với quyết tâm và sự vào cuộc mạnh mẽ, gắn với sơ kết, tổng kết, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến; sáng tạo, mềm dẻo, khéo léo trong cách tiếp cận, giáo dục, cảm hóa từng đối tượng TTN chậm tiến để hoạt động này ngày càng có hiệu quả và thực chất, giúp TTN chậm tiến nhận thức được hành vi của mình, thay đổi lối sống theo hướng tốt đẹp.
Ngọc Long