APEC 21 (2013): Đẩy mạnh thương mại đa phương

131
Hôm nay (7/10), Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 sẽ khai mạc tại Bali, Indonesia.
 
Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam – Indonesia và mang theo một thông điệp rõ ràng APEC là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
APEC 21 (2013): Đẩy mạnh thương mại đa phương
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dẫn đầu phái đoàn Mỹ dự Hội nghị APEC 21. 
 
Tại hội nghị này, Chủ tịch nước sẽ có bài phát biểu quan trọng chính thức công bố đăng cai Hội nghị cấp cao lần thứ 25 vào năm 2017. 
Điều đó một lần nữa khẳng định APEC không chỉ là một diễn đàn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, an ninh mà còn là một kênh hiệu quả để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác và làm sâu sắc quan hệ song phương với các thành viên, trong đó có hầu hết là những đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam.
 

 Hội nghị cấp cao APEC 21 (2013) với chủ đề “Châu Á – Thái Bình Dương tự cường: Động lực của tăng trưởng toàn cầu” sẽ tập trung trao đổi các nội dung: Tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay và vai trò của APEC trong việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương; Tầm nhìn APEC về kết nối trong trong cấu trúc quốc tế và khu vực đang định hình; Tăng trưởng bền vững gắn với công bằng; An ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng.

Phát biểu trước khi lên đường đến Indonesia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Thủ tướng New Zealand John Key nhấn mạnh, việc diễn đàn này tập trung vào hội nhập khu vực đã tạo một chương trình nghị sự kinh tế mang tính xây dựng, cùng với Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về an ninh và kinh tế.

 
Trong ngày hôm nay (7/10), Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu tại hội nghị, song trước đó, ông Tập Cận Bình đã công bố những điều quan trọng mà ông sẽ đề cập, trong đó có đề xuất đẩy mạnh thương mại đa phương bằng sáng kiến thành lập “con đường tơ lụa trên biển”.
 
Đề xuất chủ yếu hướng đến các doanh nghiệp và chính trị gia ưu tú của các nước ASEAN. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 400 tỷ USD, đầu tư lẫn nhau vượt quá 100 tỷ USD. 
 
Theo Chủ tịch Trung Quốc, đó là cơ sở tốt cho con đường tơ lụa trên biển. Nó thực sự có thể đưa kim ngạch thương mại giữa các bên lên khoảng 1 nghìn tỷ USD trong năm 2020.
 
Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các tuyến đường thương mại truyền thống được thiết lập trên biển. Nhưng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải trong khu vực đã không theo kịp với sự năng động của mối quan hệ kinh doanh, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. 
 
Dự kiến, Hội nghị APEC tại Bali cũng sẽ thảo luận về đề xuất này của ông Tập Cận Bình. 
 
Theo Dân Việt