Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/1/1914 – 01/1/2024)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – người cộng sản kiên cường, bất khuất, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta, một người chỉ huy mưu lược, tài trí, dũng cảm của lực lượng vũ trang, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh.
Từ số báo hôm nay, Báo Quân đội nhân dân đăng tải các bài viết khẳng định công lao đóng góp, những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thông qua đó tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, rút ra những bài học kinh nghiệm từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chính trị-quân sự tài năng, “văn võ song toàn”, giữ nhiều cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Quân đội. Cuộc đời hoạt động phong phú và sinh động của Đại tướng đã có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Điểm nổi bật ở Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là ông luôn sát sao với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn để đánh giá “đúng” và “trúng” tình hình; trên cơ sở đó đưa ra những quyết định đúng đắn, sáng tạo để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.
Nhà lãnh đạo tài năng, tổ chức thực tiễn xuất sắc trên chiến trường
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được giao làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó bí thư Tổng Quân ủy. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Bộ Chính trị. Năm 1959, ông được phong quân hàm Đại tướng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960. Ảnh tư liệu.
Cuối năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được điều vào miền Nam, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Đây là một trong những thời điểm then chốt của cách mạng miền Nam. Trong những năm 1964-1965, việc hạ quyết tâm đánh Mỹ là ý chí sắt đá và nhạy bén của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn và của các tướng lĩnh Quân đội, trong đó có đóng góp không nhỏ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi ông được phân công trực tiếp vào miền Nam lãnh đạo, chỉ đạo chiến trường.
Trên cương vị người lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất tại chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng bước tìm ra những giải pháp để quân dân miền Nam tin tưởng, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Từ thực tiễn chiến trường và qua báo cáo của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề ra khẩu hiệu: “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”. Từ đây, khẩu hiệu này trở thành phương châm chủ đạo trong cách đánh, tổ chức chiến dịch và thực hành chiến thuật để đánh thắng Mỹ.
Có thể nói, đây là cách đánh đặc thù của Việt Nam, đó là cách đánh gần, đánh thẳng vào quân Mỹ ở ngay căn cứ xuất phát hành quân của chúng, đánh bằng trang bị vũ khí, điều kiện của dân tộc Việt Nam, buộc kẻ địch mạnh phải đánh theo cách đánh của ta. Từ những trận thắng Mỹ đầu tiên ở Núi Thành – Quảng Nam (tháng 5-1965), Vạn Tường – Quảng Nam (tháng 8-1965), Đất Cuốc – thị xã Biên Hòa (tháng 11-1965), cùng những trận đánh Bầu Bàng, Ia Drăng… đã động viên, khích lệ tinh thần đánh Mỹ của quân dân cả nước. Cũng từ thực tiễn chiến đấu mà quân và dân miền Nam đã hình thành nên những “vành đai diệt Mỹ” ở ngay cửa ngõ Sài Gòn và các trung tâm lớn như Đà Nẵng…
Trong thực tiễn chỉ đạo chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn đặt câu hỏi cho bản thân và cán bộ, chiến sĩ về cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam: “Đối với Mỹ ngoài việc đánh chắc, làm thế nào để giành một cái bất ngờ mà Mỹ không thể biết được. Làm thế nào trong một hoàn cảnh về vật chất, về phương tiện còn khó khăn để đối phó với âm mưu chiến lược của chúng lại tạo một bước tiến nhảy vọt về xây dựng lực lượng mà địch không ngờ tới”.
Nhờ tư tưởng, phương châm chỉ đạo sáng tạo và rất thực tế này mà Quân đội nhân dân Việt Nam, với vũ khí thô sơ, lạc hậu, quân số ít hơn đã giành thắng lợi trước quân đội Mỹ – một quân đội khổng lồ, giàu có và mạnh nhất thế giới vào lúc đó. Tư tưởng này trở thành phương châm chỉ đạo tác chiến được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đúc kết từ truyền thống chống xâm lược của cha ông trong lịch sử, cũng như từ thực tiễn chiến trường.
Đầu năm 1965, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh căn dặn quân và dân miền Nam cần nhớ kỹ và làm đúng 10 điểm cốt lõi, trong đó, điểm đầu tiên là “Biết người biết mình, trăm trận trăm thắng. Ý chính của bài học này là: Không đánh giá địch cao; không chủ quan khinh địch; điều tra, trinh sát địch cụ thể, chính xác; kiểm tra toàn bộ lực lượng mình về các mặt từng lúc một chu đáo”.
Mặc dù thời gian trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến đấu của quân và dân trên chiến trường miền Nam không dài, nhưng vốn là con người của thực tiễn nên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nắm vững tư duy biện chứng và khoa học, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn. Ông không chỉ là người chỉ đạo vững vàng, mưu lược, tài trí mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển lý luận nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Từ thực tiễn chiến đấu và trải nghiệm của bản thân, ông đi sâu nghiên cứu, phát hiện sớm việc chuyển hướng chiến lược của Mỹ để Đảng điều chỉnh chiến lược phù hợp; đồng thời, trên cơ sở nắm bắt chuyển biến mới của chiến trường, đề xuất nhiều chủ trương chiến lược, sách lược đúng đắn, nhất là việc tổ chức các đơn vị chủ lực cơ động cấp trung, sư đoàn đứng chân trên các chiến trường miền Nam nhằm hình thành nên những cách đánh thích hợp, độc đáo của quân và dân Việt Nam.
Nhà lãnh đạo thực tiễn trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp
Sau khi hoàn thành kế hoạch 3 năm phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa (1958-1960), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) quyết định đưa miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng và Chính phủ thực hiện chủ trương đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể theo hình thức tổ đổi công và hợp tác xã. Theo nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiến lên hợp tác xã làm ăn tập thể, đó là một sự biến đổi cực kỳ to, cực kỳ mới, cực kỳ tốt. Cho nên lúc đầu không tránh khỏi bỡ ngỡ và khó khăn.
Trong khoảng thời gian 4 năm được Đảng, Nhà nước giao trực tiếp phụ trách phát triển nông nghiệp và nông thôn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có những cống hiến quan trọng, góp phần tạo nên luồng gió mới trong sản xuất nông nghiệp miền Bắc. Tại thời điểm nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Nguyễn Chí Thanh xác định rõ, phải luôn lấy kiến thức từ thực tế để hiểu thật sâu về lĩnh vực mà mình phụ trách.
Nói chuyện với lớp cán bộ Quân đội được chuyển sang làm công tác nông nghiệp, đồng chí căn dặn: “…Xuống cơ sở, phải thực tế chứ không thể sách vở, tổ chức lao động thế nào, phân tro giống má ra sao, giống thế nào là tốt, là xấu, chọn giống, giữ giống thế nào… Ý kiến phải cho cụ thể và cho tốt, chứ không thể chung chung, vì như thế sẽ không giúp được gì cả, mà nghe báo cáo không biết đúng sai, hay dở nữa… Có lý luận thôi chưa đủ, phải có thực tiễn, có thể mới giải quyết tốt được”.
Hình ảnh vị tướng xắn quần lội ruộng xem xét việc canh tác, khảo sát những khó khăn, tìm hiểu những nơi sản xuất khá đã không còn xa lạ với những người nông dân chân lấm tay bùn. Ông đã từng bước gây dựng được niềm tin và sự quý mến của nông dân miền Bắc, với biệt danh: “Đại tướng nông dân”.
Từ thực tiễn nông nghiệp của các địa phương, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cho rằng: “Mở rộng thêm diện tích bằng khai hoang và tăng vụ đối với miền Bắc nước ta là một phương hướng quan trọng và bức thiết trước mắt. Nhưng cũng chỉ có thể khai hoang thêm độ 1 triệu héc-ta và việc khai hoang phải đi đôi với bảo vệ rừng và cải tạo đất, chống xói mòn. Diện tích cấy lúa căn bản đã hết, không thể mở rộng thêm nhiều được nữa… Vì vậy, vấn đề thâm canh tăng năng suất là rất quan trọng”.
Khi được Đảng phân công chỉ đạo sản xuất nông nghiệp với yêu cầu củng cố và phát triển phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tích cực đi nghiên cứu thực tế về phong trào hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp. Ông đã đến nhiều nơi, điều tra thực tế, nghiên cứu nhiều mô hình hoạt động ở các địa phương, đặc biệt là tìm hiểu thực tế nông thôn Đại Phong và hoạt động của Hợp tác xã Đại Phong, thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Qua tìm hiểu thực tế, đồng chí rút ra những bài học của Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phong. Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Trung ương Đảng đã phát động phong trào thi đua với Hợp tác xã Đại Phong. Trong tâm trí của hàng triệu người dân miền Bắc còn in đậm Phong trào “Gió Đại Phong”, một mô hình nông nghiệp mà đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã dày công tổng kết và chỉ đạo trong thực tiễn. Những đóng góp của đồng chí trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam.
Với 30 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tỏ rõ là nhà lãnh đạo thực tiễn xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong công tác chính trị, quân sự hay lĩnh vực chỉ đạo phát triển nông nghiệp, dù ở đâu và vào lúc nào, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng cho thấy một tấm gương mẫu mực về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phẩm chất cao quý đó có ý nghĩa to lớn đối với đội ngũ cán bộ trong bối cảnh hiện nay nhằm xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
PGS, TS NGUYỄN DANH TIÊN (Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)