Thủ tướng và 4 bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn

127

Hàng trăm câu hỏi đã được các đại biểu chuẩn bị để chất vấn các thành viên Chính phủ – Ảnh: Ngọc Thắng
Trả lời PV Thanh Niên bên lề kỳ họp sáng 18.11, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn cho biết đã chốt danh sách 5 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn.

Theo đó, 5 thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn gồm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng.

Trong tờ trình xin ý kiến các ĐBQH, Ủy ban TVQH cho biết tính đến ngày 14.11.2010 đã có 203 câu chất vấn của 87 đại biểu ở 43 đoàn gửi đến Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Phó thủ tướng và các Bộ trưởng. Ngoài ra, có một câu chất vấn gửi đến Ủy ban TVQH, một câu gửi đến Tổng kiểm toán Nhà nước, 3 câu gửi Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN.

QH cũng đã thống nhất 4 bộ trưởng khác cùng chia sẻ với Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng tại phiên chất vấn đầu tiên vào sáng 22.11, gồm bộ trưởng các bộ: Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, để tham gia giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến quy hoạch các nhà máy điện, thiếu điện, tình trạng xả lũ ở các nhà máy thủy điện, vấn đề nhập siêu, điều hành xuất nhập khẩu.

Chiều 22.11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu sẽ trả lời chất vấn về việc giảm tải một số bệnh viện, những việc đã làm, thực trạng hiện nay và biện pháp sắp tới; đặc biệt là việc phát triển công nghiệp dược, quản lý sản xuất, chất lượng và giá thuốc nói chung; tăng viện phí… với sự tham gia giải trình của 4 bộ liên quan.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh sẽ trả lời chất vấn vào sáng 23.11 với sự tham gia giải trình, làm rõ thêm vấn đề của 8 vị bộ trưởng, trưởng ngành, trong đó có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao – Du lịch. Các nội dung Bộ trưởng Tài chính trả lời sẽ tập trung vào quản lý, sử dụng ngân sách, các quỹ tài chính, chính sách tài khóa gắn với chính sách tiền tệ, nợ công và trách nhiệm của Bộ; về kiểm tra, thanh tra, chất lượng kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực tài chính – ngân sách và trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý tiền, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là ở Vinashin.

Chiều 23.11, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng sẽ giải trình về việc tiếp tục triển khai chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM khi chưa có chủ trương của QH; vấn đề phân công quản lý, trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (phân công cho bộ quản lý), trực tiếp là Vinashin; về giảm thiểu ùn tắc giao thông và trách nhiệm, biện pháp hạn chế tai nạn giao thông. Cùng tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan với Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng còn có “tư lệnh” các ngành: Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Công an, Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Theo nghị trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đăng đàn sau cùng để phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề các Bộ trưởng đã trả lời mà chưa thỏa mãn ĐBQH, đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn.

 

Cần quy định chi tiết việc bảo vệ người tố cáo

Sáng 18.11, QH đã thảo luận về dự luật Tố cáo. ĐB Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) đề nghị cần ưu tiên bảo vệ tính mạng, tài sản của người tố cáo (NTC), cần thiết có thể bảo vệ cả người thân của họ, đồng thời cũng cần quy định việc bảo vệ quyền lợi về chính trị, kinh tế, việc làm, uy tín của NTC. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, biện pháp bảo vệ cả những người bị tố cáo, đảm bảo khôi phục danh dự, quyền và lợi ích của họ trong trường hợp bị tố cáo sai.

 

13,3% tố cáo đúng

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2010 trong 6.681 vụ việc tố cáo thì có 912 tố cáo đúng (13,3%), có 1.945 tố cáo có đúng, có sai (28,6%), có 4.025 tố cáo sai (58,5%).

ĐB Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) đề nghị cần khẳng định dứt khoát phải bảo vệ bí mật cho NTC, dù họ có yêu cầu hay không, để đề phòng sự chủ quan, sơ suất hoặc đổ lỗi cho nhau của cả NTC và cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong giải quyết tố cáo.

Ở một khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nêu thực tế: “Hiện nay có một số người đi khiếu nại, đi tố cáo là bị cơ quan đó quy là tâm thần và đem… nhốt vào một chỗ. Vậy nên cũng cần quy định làm thế nào để bảo vệ được những NTC không bị cơ quan tố cáo quy chụp là bị tâm thần hoặc có thể xác định đó là những người tâm thần để có cách giải quyết phù hợp”.

Hầu hết các ĐB cũng đồng tình với việc cần lập quỹ khen thưởng NTC. ĐB Hồ Quốc Dũng (Bình Định) đề xuất: “Nên lấy tiền từ những khoản thu được từ các vụ tham nhũng để thành lập quỹ”.

Trong dự luật, hình thức tố cáo qua điện thoại, qua thư điện tử, fax được chấp nhận, nhưng quy định này lại nhận được những ý kiến trái chiều. ĐB Trần Thu Hà (Đồng Tháp) nói: “Tôi không đồng tình với việc được phép tố cáo qua điện thoại, qua e-mail, qua fax với lý do: việc quản lý nhà nước ta đối với các phương tiện này còn lỏng lẻo và chưa có một cơ chế quản lý tốt về sim, về địa chỉ e-mail…”.

ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) lại cho rằng: “Việc quan trọng nhất là chúng ta xác định được danh tính. Còn việc gửi e-mail, điện thoại thì đây là phương tiện vì chúng ta đã có Luật Giao dịch điện tử. Chúng ta khuyến khích giao dịch bằng những hình thức đó mà bây giờ lại không giải quyết tố cáo bằng con đường e-mail nữa thì không phù hợp”.

Với tư cách là thành viên ban soạn thảo, ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ, khẳng định: “Dự luật chỉ tập trung vào việc thừa nhận tố cáo có danh. Hình thức tố cáo qua điện thoại, e-mail, fax là cần thiết và bảo đảm được tiện lợi cho công dân, NTC”.

Tuệ Nguyễn

Theo Thanh Niên Online