Sức ép đang dồn lên liên quân Mỹ-Hàn

131

Đợt căng thẳng mới nhất trên bán đảo Triều Tiên cùng với những sự kiện gần đây đang là một phép thử đối với liên minh quân sự giữa Mỹ với Hàn Quốc.

Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ tới Hàn Quốc hôm chủ nhật, bắt đầu tập trận chung với hải quân nước chủ nhà. Ảnh: AP
Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ tới Hàn Quốc hôm chủ nhật, bắt đầu tập trận chung với hải quân nước chủ nhà. Ảnh: AP

Đối với cả Washington và Seoul, thách thức đang chờ đợi họ trong việc làm thế nào để vừa duy trì tính tin cậy của quan hệ đồng minh khăng khít vừa trấn an các mối lo ngại tại Hàn Quốc, cũng như răn đe Triều Tiên. Trong khi đó, Bình Nhưỡng vẫn phản đối các cuộc tập trận chung Mỹ và Hàn Quốc, hình ảnh rõ ràng nhất về mối quan hệ liên minh quân sự giữa hai nước, là sự khiêu khích và doạ có hành động đáp trả.

Vụ giao tranh xảy ra hôm thứ ba tuần trước trên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc được coi là sự kiện căng thẳng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Trên thực tế đây vẫn chỉ là “trò chơi đổ lỗi” giữa hai miền từng xảy ra nhiều lần, nhưng vụ đụng độ này đặt ra câu hỏi ở cả Washington và Seoul về việc cần phải nghiêm trọng cỡ nào trong khái niệm “leo thang căng thẳng” từ miền bắc để Hàn Quốc và Mỹ có thể đáp trả mạnh mẽ hơn về mặt quân sự.

Nhưng với nhiều lý do có thể nhận thấy rằng cả Washington lẫn Seoul đều không “khao khát” một vụ đụng độ quân sự ở quy mô đầy đủ với Bình Nhưỡng. Chính điều này càng khiến cho mối liên minh quân sự của họ chịu thêm sức ép.

Cắt giảm lực lượng

Khối liên minh quân sự Mỹ và Hàn Quốc chính thức bắt đầu bằng văn bản từ năm 1954, sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Theo hiệp ước phòng thủ chung, Mỹ đồng ý trợ giúp Hàn Quốc bảo vệ đất nước, đặc biệt là chống lại các cuộc tấn công từ miền bắc. Kể từ đó Mỹ cũng duy trì sự có mặt liên tục của binh sĩ nước này trên đất Hàn Quốc.

Nhưng sự nóng lạnh của tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã ảnh hưởng sâu sắc tới mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Hàn Quốc. Hiện Seoul cũng đã phát triển cả về sức mạnh kinh tế lẫn quân sự và ngày càng có khả năng hơn trong việc tự chịu trách nhiệm về những thức thức an ninh nghiêm trọng. Nhưng căng thẳng mới nhất vẫn cho thấy Hàn Quốc phải “nhìn trước ngó sau” rất nhiều trước các quyết định liên quan đến an ninh quốc gia vì các vướng mắc lịch sử.

Trong khi đó theo BBC, mối quan hệ liên minh Mỹ và Hàn Quốc, đặc biệt trong quan điểm về Triều Tiên của hai bên, đã bắt đầu có sự lệch hướng từ đầu thập kỷ này. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống George Bush giữ quan điểm cứng rắn về tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong khi Seoul khi đó lại theo đuổi “chính sách ánh dương” đẩy mạnh hoà giải với miền bắc một cách gần như vô điều kiện.

Sức ép đối với liên quân Mỹ-Hàn còn đến từ làn sóng phản đối sự có mặt của quân đội Mỹ trên đất Hàn Quốc, đặc biệt là kể từ sau vụ hai nữ sinh Hàn Quốc thiệt mạng năm 2002 trong một vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe quân sự Mỹ. Chính vì điều này mà những năm gần đây, Mỹ đã có những điều chỉnh về quân số và vị trí đồn trú trên xứ sở kim chi. Hiện số quân Mỹ tại đây đã giảm từ 37.000 xuống còn 28.500, nhưng kế hoạch di chuyển lực lượng lui xa hơn xuống phía nam bán đảo Triều Tiên so với các căn cứ hiện nay đã bị hoãn lại.

Binh sĩ hàn Quốc trong cuộc tập trận chung với Mỹ. Ảnh: AFP
Binh sĩ hàn Quốc trong cuộc tập trận chung với Mỹ. Ảnh: AFP

Một sự trì hoãn khác liên quan đến liên quân Mỹ-Hàn là kế hoạch chuyển giao quyền chỉ huy binh sĩ cho Hàn Quốc trong thời chiến. Hàn Quốc trước đó tự nguyện đặt quyền chỉ huy quân đội nước mình trực thuộc lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu từ khi nổ ra Chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Từ năm 1994, quyền chỉ huy quân đội trong thời bình đã được chuyển giao lại cho Hàn Quốc, nhưng quyền chỉ huy quân nước này trong trường hợp có chiến tranh vẫn nằm trong tay các tư lệnh Mỹ.

Hồi tháng sáu vừa qua, Hàn Quốc và Mỹ đã đồng ý trì hoãn việc chuyển giao quyền chỉ huy quân đội trong thời chiến của Hàn Quốc năm 2012 theo kế hoạch sang năm 2015, do căng thẳng kể từ vụ chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm vào tháng 3/2010.

Tất cả những thay đổi và kế hoạch đình hoãn nói trên đã dẫn tới sự chỉ trích ở cả Seoul và Washington, với lý do khả năng răn đe của liên minh quân sự Mỹ-Hàn đã bị yếu đi, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ chiến lượng trong khu vực đang thay đổi liên tục và cách thức hành xử của Bình Nhưỡng ngày càng khó dự đoán.

Nguồn VNEXPRESS