Ngày 10-2, Bộ Chính trị triệu tập hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng lưu ý các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử phải “trên cơ sở tiêu chuẩn mà xác định cơ cấu thích hợp, không nên quá nặng cơ cấu mà coi nhẹ tiêu chuẩn ứng cử viên đại biểu, kiên quyết tránh tình trạng người khó bố trí công tác thì đưa sang làm đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND”.
Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng bắt tay Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng (bìa trái) tại giờ giải lao hội nghị – Ảnh: Việt Dũng |
Chọn người không tham nhũng
Tổng bí thư, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cuộc bầu cử này “là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011, là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn xã hội, tiếp tục hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN”.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND diễn ra ngay sau đại hội Đảng các cấp (đã chuẩn bị một bước công tác nhân sự, quy hoạch cán bộ của Đảng), do đó Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp có vai trò đặc biệt quan trọng là bầu các chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước, bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Vì đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn, khối lượng công việc nhiều, phải triển khai ngay sau Tết Nguyên đán nên Chủ tịch Hội đồng bầu cử yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương không quá sa đà vào lễ hội mà tập trung cho lao động sản xuất và chỉ đạo bầu cử.
Trình bày chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử, phó chủ tịch thường trực Hội đồng bầu cử Tòng Thị Phóng nêu rõ tiêu chuẩn người được giới thiệu ứng cử “phải có năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến nhân dân, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân yêu mến, tín nhiệm”.
Bà Phóng nói rằng các cấp ủy, tổ chức Đảng “cần đảm bảo phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn”.
Đồng thời, theo bà Phóng, Bộ Chính trị yêu cầu trong chỉ đạo bầu cử phải “phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử; đảm bảo các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật”.
Rộng đường cho người ngoài Đảng?
Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu trong cuộc bầu cử này sẽ cố gắng cân đối giữa sự giới thiệu của cấp trên và cấp dưới, giảm số lượng ứng cử viên từ các cơ quan hành chính nhà nước, tỉ lệ đại biểu là người ngoài Đảng tham gia HĐND cấp tỉnh là 15-20%, cấp huyện 20-25% và cấp xã 25-30%. Ngoài ra tỉ lệ đại biểu trẻ, dân tộc ít người, tôn giáo phải đảm bảo hợp lý.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều địa phương tham gia hội nghị cho rằng một số cơ cấu được xác lập không có tính khả thi. “Tôi lấy ví dụ ở những tỉnh được bầu bốn đại biểu Quốc hội thì đương nhiên phải có hai lãnh đạo ở tỉnh tham gia, hai vị trí còn lại vừa phải đảm bảo là nữ, trẻ tuổi, dân tộc ít người thì khó quá. Chúng ta nhấn mạnh rằng cần có những đại biểu có trình độ cao, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của hoạt động Quốc hội mà áp cơ cấu cứng như vậy thì quả là khó cho địa phương” – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Hòa Bình băn khoăn.
Cả Bộ trưởng Trần Văn Tuấn và tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên đều chia sẻ với trăn trở trên và nói đó là khó khăn của nhiều kỳ bầu cử. “Thực tế chúng ta đưa chỉ tiêu phấn đấu nhưng khi lựa chọn nhiều khi nó trùng hợp, vì bản thân các đồng chí đảm bảo tiêu chuẩn thì phần lớn đều là đảng viên, thành ra nhiều khi tỉ lệ người ngoài Đảng trúng cử vào Quốc hội, HĐND không như mong muốn” – ông Tuấn giải thích. Còn ông Tuyên thì nhấn mạnh “đáp ứng được cơ cấu là khó, nên phải lấy tiêu chuẩn làm chính”.
Đối với việc ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND của đảng viên, phó trưởng Ban Tổ chức trung ương Nguyễn Văn Quynh cho biết những đảng viên tự ứng cử phải được sự đồng ý của tổ chức Đảng; trường hợp đảng viên được MTTQ và các đoàn thể giới thiệu thì bản thân người đó có quyền đồng ý hoặc không đồng ý tham gia ứng cử mà không bị coi là vi phạm các điều cấm của Đảng.
Đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách thì phải đảm bảo các điều kiện: cán bộ công tác tại trung ương phải là những người đã hoặc đang giữ các chức vụ tương đương vụ trưởng, nếu là đại biểu quân đội hoặc công an phải quân hàm từ thiếu tướng trở lên; cán bộ địa phương phải là những người đã, đang và có đủ tiêu chuẩn đảm nhận các chức vụ như ủy viên thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND, phó chủ tịch HĐND hoặc phó trưởng đoàn chuyên trách khóa XII. Về độ tuổi: với cán bộ chuyên trách trung ương, trên 50% những người được bầu phải đủ tuổi đảm nhận công việc cho hai nhiệm kỳ trở lên, số còn lại phải đủ tuổi tham gia một nhiệm kỳ, các trường hợp khác thì báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị.
Các mốc thời gian của tiến trình bầu cử 21-2: thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện, xã dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND được bầu ở cấp mình. 26-2: hội nghị hiệp thương lần thứ nhất (cả cấp trung ương và cấp tỉnh, huyện, xã) thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được bầu. 4-3: thực hiện bước hai của quy trình hiệp thương, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi người đó làm việc. 17g ngày 18-3: thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ của những người ứng cử và tự ứng cử. 20-3 đến 23-3: thực hiện bước ba quy trình hiệp thương, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. 17g ngày 23-3: người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử nộp hồ sơ tại ủy ban bầu cử nơi mình ứng cử. 12-4: tiến hành xong việc xác minh và trả lời về các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử. 17-4: niêm yết danh sách cử tri. 2-5: niêm yết danh sách những người ứng cử ở các khu vực bỏ phiếu. 12-5: ngưng việc xem xét khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. 22-5: tất cả cử tri đi bầu cử. |
Theo Tuổi Trẻ Online