Nga phản đối can thiệp vũ trang vào Libya

150

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga phản đối bất kỳ hình thức can thiệp vũ trang nào đối với Libya, trong lúc Mỹ đang chịu sức ép cấp vũ khí cho các nhóm nổi dậy ở nước Bắc Phi này.

 

“Chúng tôi không cho rằng can thiệp từ nước ngoài, đặc biệt là can thiệp quân sự, có thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya”, báo chí Nga dẫn lời ông Lavrov nói hôm qua. “Người Libya phải tự giải quyết vấn đề của mình”.

Trước đó một ngày, tờ The New York Times của Mỹ cho hay các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng Mỹ đang chuẩn bị một loạt phương án trên bộ, trên biển và trên không đối với Libya trong trường hợp Washington và đồng minh quyết định can thiệp vào nước này.

Quân nổi dậy ở một thành phố của Libya chạy tìm chỗ trú ấn khi máy bay quân đội tấn công một địa điểm là chốt gác của phe nổi dậy, ngày 7/3. Ảnh: AFP
Quân nổi dậy ở một thành phố của Libya chạy tìm chỗ trú ấn khi máy bay quân đội tấn công một địa điểm là chốt gác của phe nổi dậy, ngày 7/3. Ảnh: AFP

Một số nghị sĩ Mỹ kể cả Dân chủ và Cộng hòa đã lên tiếng đề xuất việc chuyển vũ khí cho phe nổi dậy ở Libya. Phát ngôn viên Nhà Trắng cho hay chính quyền của tổng thống Mỹ Obama đang cân nhắc vấn đề này, tuy nhiên sẽ là quá sớm nếu vũ trang cho phe đối lập Libya tại thời điểm hiện nay.

Thông tin về quân sự của Mỹ được đưa ra trong lúc tình trạng bạo lực lên cao ở Libya, quân chính phủ đang phản công lực lượng của người biểu tình và chiếm lại một số thành phố quan trọng, theo AFP. Các hãng tin phương tây hôm qua cho hay máy bay của quân đội đã oanh kích một thành phố có tầm quan trọng về dầu mỏ.

Liên hợp quốc cho biết có khoảng 1 triệu người Libya đang cần được trợ giúp nhân đạo do thiếu lương thực và bị kẹt trong tình cảnh nội chiến, theo AP.

Trong một diễn biến liên quan, 6 nước thuộc Hội đồn hợp tác vùng Vịnh Persian lên tiếng yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ bảo vệ người Libya. Hôm 26/2, LHQ đã quyết định ra lẹnh trừng phạt đối với ban lãnh đạo chính phủ Libya.

Giới quan sát nhận định rằng tình trạng hỗn loạn ở Libya có thể kéo dài, và khả năng can thiệp quân sự từ bên ngoài rất khó nhận được sự chấp thuận của Nga và Trung Quốc, hai nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.

Theo Vnexpress