Mỗi lần ra khơi, trên đầu họ luôn có lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Đó cũng là hành trình thầm lặng của bao thế hệ người Việt, mang theo niềm tin và khát vọng mãnh liệt về tương lai đất nước như hành trình tàu Bình Minh hiện thời…
Tàu Bình Minh 02 lại tiếp tục ra khơi làm nhiệm vụ – Ảnh: gia tiến |
Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam là không thể tranh cãi
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải (phải) trao tượng trưng đợt 1 số tiền 3 tỉ đồng của bạn đọc đóng góp cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” cho chính ủy Vùng 4 hải quân Phạm Thanh Hóa – Ảnh: Thuận Thắng |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định như vậy tại lễ mittinh quốc gia nhân Tuần lễ biển và hải đảo VN và Ngày đại dương thế giới (8-6), do Bộ Tài nguyên – môi trường và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại TP Nha Trang tối 8-6.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng biển và hải đảo ngày càng trở thành nguồn lực kinh tế to lớn, là không gian sinh tồn mới và có vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, tỉ trọng các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển chiếm 48% GDP cả nước. Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức gắt gao về bảo vệ biển đảo, về khai thác tài nguyên và môi trường biển, về sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển, về ô nhiễm môi trường biển…
Theo Thủ tướng, một trong sáu nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta cần tiếp tục thực hiện là phải tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc. Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Trong khi kiên trì phấn đấu tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài, Việt Nam yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông, tuân thủ cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và năm nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường các nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm; cùng nhau nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký năm 2002, hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC), để biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, vì an ninh của khu vực và thế giới.
Theo Thủ tướng, việc xử lý các vấn đề nảy sinh ở biển Đông cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế; tránh để các thế lực phản động tìm cách lợi dụng, công kích, chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, chia rẽ quan hệ quốc tế giữa nước ta với các nước có liên quan.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về lĩnh vực biển đảo, quản lý tài nguyên và môi trường biển, hình thành cơ sở pháp lý đồng bộ và tổ chức thực hiện có hiệu quả để quản lý chặt chẽ, giữ gìn và khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ biển đảo cho sự nghiệp phát triển của đất nước, vì lợi ích của nhân dân.
Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng – an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; kết hợp giữa phát triển các vùng biển, ven biển và hải đảo với phát triển các vùng đồng bằng và đô thị theo định hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tăng cường và thực thi có hiệu quả các biện pháp đồng bộ để bảo vệ ngư dân, các lực lượng làm kinh tế và các hoạt động hợp pháp trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Song song đó phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ về quản lý và phát triển kinh tế biển nhằm khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên biển và hải đảo, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển.
Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng như với các tổ chức quốc tế trong các vấn đề có liên quan đến biển đảo trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích quốc gia và pháp luật quốc tế, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải quốc tế; cùng nhau xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Tại buổi lễ, ông Phạm Đức Hải – tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – đã trao tượng trưng 3 tỉ đồng đợt 1 cho đại diện Vùng 4 hải quân. Đây là số tiền đóng góp của các tập thể, cá nhân và bạn đọc trong ba tuần qua cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Trung ương Đoàn, Quân chủng hải quân và báo Tuổi Trẻ phát động. Dịp này, ban tổ chức lễ mittinh cũng kêu gọi các tập thể, cá nhân tiếp tục tham gia chương trình “Góp đá xây Trường Sa” như một sự bày tỏ tình cảm, trách nhiệm với biển, đảo nước nhà.
NGUYỄN TRIỀU
Góp phần mình để Trường Sa thêm vững chãi
Anh Nguyễn Đăng Phong (trái – TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) hướng dẫn công nhân trong xưởng sản xuất – Ảnh: THÁI BÁ DŨNG |
Ngày 8-6, anh Nguyễn Đăng Phong, một doanh nhân ở Đắk Lắk, đã âm thầm chuyển khoản đến chương trình “Góp đá xây Trường Sa” 50 triệu đồng.
Chúng tôi liên hệ và được anh chia sẻ: “Muốn góp một phần nhỏ với hi vọng Trường Sa có thể gây dựng một tiềm lực nhất định”. Anh bảo bố mẹ anh từng tham gia chiến đấu trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Thế hệ các anh có được hòa bình để làm ăn nên anh thấy có trách nhiệm phải góp phần vào bảo vệ đất nước. Theo anh Phong, nếu không có tiềm lực nhất định thì rất khó giữ cho đất nước yên bình.
“Nếu ai cũng nghĩ đây là chuyện của Nhà nước thì đâu còn cái gọi là tinh thần dân tộc nữa. Tất cả mọi người cùng hưởng ứng sẽ tạo ra một sức mạnh tinh thần lớn lao và sau này thế hệ con cháu cũng theo đó mà phát huy” – anh tâm niệm.
Cùng ngày, công nhân Công ty May Sài Gòn 3 đã đóng góp 100 triệu đồng cho chương trình. Anh Phạm Xuân Hồng, giám đốc công ty, chia sẻ: “Đây là tình cảm của công nhân công ty may dành cho các chiến sĩ Trường Sa, để góp một viên đá nhỏ vào phong trào chung, xây Trường Sa càng thêm vững chắc”. Công ty cổ phần NCT (www.nhaccuatui.com) cũng gửi 9,25 triệu đồng do nhân viên công ty đóng góp. Vũ Thủy
* Ông Nguyễn Chiến Thắng (chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa): Vận động tất cả đoàn viên thanh niên tham gia
Sắp tới, tôi sẽ đề nghị Tỉnh đoàn vận động tất cả đoàn viên thanh niên tỉnh Khánh Hòa tham gia chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Tôi nghĩ đó là tình cảm, là trách nhiệm của tuổi trẻ Khánh Hòa đối với Trường Sa – huyện đảo của tỉnh nhà. Nếu mỗi đoàn viên, thanh niên đều đóng góp cho chương trình thì chắc chắn không khó khăn để xây dựng Trường Sa trở nên hùng mạnh.
Phong trào “Góp đá xây Trường Sa” rất có ý nghĩa trong việc nâng cao ý thức chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và công việc này đòi hỏi toàn dân tham gia, nhất là đoàn viên thanh niên. Việc phát động hưởng ứng chương trình trong tầng lớp thanh niên còn góp phần giáo dục lòng yêu nước, yêu biển, đảo quê hương. Bên cạnh đó, cũng cần phải phát động chương trình này cho các tổ chức, các doanh nhân thành đạt hưởng ứng…
Đại tá Phạm Thanh Hóa (chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân): Nguồn lực chính trị tinh thần, vật chất quý giá
Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân và quân dân huyện đảo Trường Sa rất phấn khởi và cảm động khi nhận được tấm lòng, sự ủng hộ của nhân dân cả nước thông qua chương trình.
Đây là nguồn lực chính trị tinh thần, vật chất quý giá đối với chúng tôi, góp phần tạo động lực to lớn giúp quân và dân Trường Sa bảo vệ vững chắc chủ quyền, xây dựng huyện đảo vững về kinh tế, mạnh về an ninh quốc phòng.
Anh Phan Văn Mãi (bí thư Trung ương Đoàn): Khơi gợi tình cảm thiêng liêng của mỗi người trẻ
Trung ương Đoàn đã phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, vận động mỗi thanh thiếu niên có thái độ, suy nghĩ và hành động thiết thực để xây dựng Trường Sa vững chắc và trường tồn. Đoàn đã vận động các đoàn viên thanh niên và các doanh nghiệp trẻ tham gia đóng góp tiền của, vật phẩm, thư từ… gửi tặng Trường Sa.
Và mỗi người phải là một tuyên truyền viên về Trường Sa. Qua chương trình này khơi gợi lên tình cảm thiêng liêng của mỗi người trẻ luôn hướng về Trường Sa bằng sự quan tâm, lo lắng và sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi cần thiết.
VĂN KỲ – CHÂU TƯỜNG ghi
3,1 tỉ đồng
Đó là số tiền bạn đọc đã gửi chuyển khoản hoặc trực tiếp đến trụ sở báo Tuổi Trẻ, các văn phòng đại diện đóng góp cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đến 17g chiều 8-6. Trong đó, bạn đọc Phan Ngọc Hải ủng hộ 5 triệu đồng, Phan Bá Phi (Seattle, Washington, Hoa Kỳ) góp 2 triệu đồng, Công ty TNHH Ngoi Sao Lam Son 10 triệu đồng, tập thể lớp 09 DQT Trường đại học Tài chính – marketing 1,55 triệu đồng… Bạn đọc đóng góp vui lòng liên hệ trụ sở báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), phòng phát hành báo Tuổi Trẻ (157A Lý Chính Thắng, P.7, Q.3, TP.HCM), chi nhánh phòng quảng cáo báo Tuổi Trẻ (1035A Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM) và văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực.
* Điện thoại: (08) 39971010 – 0918033133.
Những bạn đọc ở xa muốn đóng góp ủng hộ xin chuyển khoản về:
Chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ
* Tài khoản tiền Việt: 102010000118248
tại Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM.
* Tài khoản USD:
007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.
* Tài khoản EuR:
007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.
SWIFT CODE: BFTVVNVX007.
Theo Tuổi Trẻ